Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 55

Hành Động Vì Tình Yêu Thương

13:8-14

8 Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp. 9 Vả, những điều răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam,  và mọi điều khác nữa, bất luận điều nào, đều tóm lại trong một lời nầy: Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình. 10 Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp.  11 Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đương lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. 12 Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. 13 Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; 14 nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.

1. “Mắc nợ về sự yêu thương nhau” nghĩa là gì?

2. Tại sao sự cứu hiện nay gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin (c. 11)?

3. “Đêm đã khuya, ngày gần đến” nghĩa là gì?

4. Xin kể ra vài điều chúng ta làm chứng tỏ chúng ta “bước đi hẳn hoi”?

5. Làm thế nào để “mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ”?

 

Sau khi nói về vấn đề vâng phục nhà cầm quyền, đóng thuế, tuân giữ luật... Phao-lô nói về việc cư xử với đồng loại bằng tình thương. Có thể nói: vâng phục nhà cầm quyền, đóng thuế, tuân giữ luật... là món nợ công cộng của ta đối với xã hội, còn yêu thương đồng loại là món nợ riêng ta đối với mọi người.

Trước hết Phao-lô dạy chúng ta không nên mắc nợ ai cả, ngoại trừ món nợ yêu thương. Nói như vậy nghĩa là trong cuộc giao tiếp hằng ngày với người chung quanh, chúng ta phải luôn luôn yêu thương mọi người, coi đó là trách nhiệm phải chu toàn, không làm không được. Món nợ yêu thương là món nợ chúng ta phải trả mỗi ngày nhưng cũng sẽ không bao giờ hết, nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ ngưng yêu thương.

Khi đối xử với mọi người, trong mọi hoàn cảnh bằng tình yêu thương là chúng ta đã tự nhiên giữ trọn tất cả luật của Chúa. Vì tất cả những điều răn nói về mối quan hệ giữa người với người chỉ gồm tóm trong một câu: “Hãy yêu người đồng loại như chính bản thân” (c. 9, Bản Diễn Ý). Khi ta yêu mọi người như chính bản thân thì những tội gian dâm, giết người, trộm cắp, tham lam... là những điều chẳng bao giờ ta nghĩ đến.

Luật của Chúa thật đơn giản, nhưng nếu không có tình yêu của Chúa trong lòng, chúng ta không thể nào sống theo luật ấy. Thường chúng ta chỉ thương những người có quan hệ ruột thịt với mình hay những người tử tế, giúp ích cho mình. Còn những người xa lạ hoặc những người làm hại chúng ta, thương những người ấy thật là khó. Chúa Giê-xu dạy: “Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình thì có được thưởng gì đâu?... Hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:46, 48).

Trong cuộc sống mỗi ngày, nếu ta luôn luôn tự nhủ: tôi phải tận dụng mọi cơ hội để trả món nợ yêu thương cho tất cả mọi người và đồng thời cầu xin Chúa giúp chúng ta thực hành lời Chúa dạy, chắc chắn chúng ta sẽ sống với mọi người trong tình yêu thương chân thành. Tình yêu đó sẽ giúp ta tránh xa tội lỗi, cảm hóa kẻ thù và thu hút người chưa tin đến với Chúa.

Để các tín hữu chú ý và hết lòng áp dụng lời khuyên của ông vào đời sống hằng ngày, Phao-lô nhắc rằng ngày Chúa Giê-xu trở lại đã gần rồi. Một trong những động cơ mạnh nhất thúc đẩy người tin Chúa truyền bá Phúc Âm và phục vụ Chúa là việc chuẩn bị để chờ đón ngày Chúa trở lại trần gian. Phao-lô nhắc lại hi vọng tươi sáng nầy để khuyến khích các tín hữu thực hành những nguyên tắc sống đạo ông đã nêu ra. Phao-lô nói: “Đã đến lúc anh em phải thức tỉnh, vì ngày hoàn thành sự cứu rỗi gần đến, gần hơn lúc ta mới tin Chúa” (Bản Diễn Ý).

Khi nói ngày Chúa gần đến có nghĩa là cơ hội để chúng ta sống cho Chúa đã sắp hết, vì thế hãy nắm lấy những cơ hội chúng ta đang có ngay bây giờ, trong ngày hôm nay, để thực hành những nguyên tắc sống đạo, đối xử với mọi người bằng tình yêu thương. Đừng đợi đến ngày mai, đừng chờ một dịp khác vì dịp đó có lẽ sẽ không bao giờ đến. Đối với chúng ta hôm nay lời khuyên nầy lại càng cấp bách hơn nữa. Nhìn những diễn biến trên thế giới về mọi phương diện: kinh tế, chính trị, đạo đức... chúng ta thấy tất cả đều báo hiệu ngày Chúa trở lại đã gần. Chúa sắp trở lại, có nghĩa là chúng ta còn rất ít cơ hội để phục vụ Chúa, để nói cho người khác biết về Ngài, vì thế hãy tận dụng mọi cơ hội của ngày hôm nay. Chúng ta hãy tự hỏi xem mình tin Chúa, biết lời Chúa dạy bao lâu rồi, nhưng đã sống với mọi người bằng tình yêu thương chưa? Chúng ta đã chu toàn bổn phận đối với người có thẩm quyền trên chúng ta, đối với gia đình cũng như đối với chính bản thân chúng ta chưa? Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào, vì thế xin Chúa giúp chúng ta hết lòng sống cho Chúa để sẵn sàng chờ đón Chúa trở lại.

Câu 12 nêu lên sự tương phản giữa đêm và ngày, tối tăm và sáng láng để so sánh ngày cuối cùng với ngày vinh quang khi Chúa trở lại, so sánh việc làm tội lỗi và việc làm thánh thiện của người tin Chúa. Vì ngày Chúa trở lại đã gần, Phao-lô khuyên: “Hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng.” “Lột bỏ” có nghĩa là vứt bỏ, từ bỏ, hoặc tránh xa. “Mặc lấy áo giáp sáng láng” nghĩa là theo đuổi những điều thánh thiện, tốt lành. Bản Diễn Ý dịch câu nầy như sau: “Hãy từ bỏ việc xấu xa trong đêm tối để làm công việc công chính dưới ánh sáng.” Đây cũng là lời khuyên dành cho tất cả chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta còn sống trong tội lỗi, còn có những hành động xấu xa trong bóng tối, xin Chúa giúp chúng ta từ bỏ tất cả, để thay vào đó bằng một đời sống trong sạch, thánh khiết trước mặt Chúa. Cơ hội để chúng ta thực hành lời khuyên nầy là HÔM NAY, vì chúng ta không biết khi nào Chúa trở lại hoặc giờ phút nào chúng ta sẽ lìa cõi đời nầy để về gặp Chúa.

Tiếp tục khuyên các tín hữu tại thành La-mã về nếp sống xứng đáng của người tin Chúa vì ngày Chúa trở lại đã gần, sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét” (c. 13). Một lần nữa, Phao-lô lại nhắc đến ban ngày để phân biệt với ban đêm và tối tăm. Một cộng đồng sống gần Biển Chết ngày xưa thường được gọi là “con của ánh sáng” và họ gọi những người họ không thích là “con của bóng tối.” Cũng vì ý niệm nầy, Phao-lô thường dùng từ ngữ “con của sự sáng” để mô tả người thuộc về Chúa (Ê-phê-sô 5:8-11; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:5). Khi tin Chúa, chúng ta không còn là người của trần gian tăm tối, nhưng là người của ánh sáng, người của Chúa, nên chúng ta từ bỏ những việc tối tăm và chỉ làm những việc ngay thẳng, trong sạch, trong ánh sáng. (“Bước đi” nghĩa là sống, cư xử).

Có sáu tội Phao-lô nhắc đến trong câu 13: quá độ, say sưa, buông tuồng, bậy bạ, rầy rà và ghen ghét:

1. Quá độ. Trong nguyên văn, lúc đầu từ ngữ nầy có nghĩa là một nhóm bạn bè tụ họp nhau để ăn mừng, dần dần có nghĩa là một nhóm người ồn ào đi rong ngoài đường phố. Ở đây Phao-lô có ý nói về những cuộc tụ họp ăn uống quá mức bình thường, làm con người mất cả nhân phẩm, nhân cách.

2. Say sưa. Theo tiêu chuẩn của đời, say sưa cũng đã là xấu, là con cái của Chúa, chúng ta lại càng phải tránh say sưa.

3. Buông tuồng. Chỉ về tội vô luân hay dâm loạn. Tội của những người xem thường mọi tiêu chuẩn luân lý, bất cứ lúc nào và chỗ nào cũng tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác.

4. Bậy bạ. Không những chỉ người vô luân mà còn chỉ về những người phạm tội mà không biết xấu hổ.

5. Rầy rà. Nói về những người có tánh ganh đua với thái độ thù hằn, ganh ghét, tức là những người bao giờ cũng muốn hơn người khác, nếu thấy có người hơn mình thì bực tức, khó chịu. Đây là bản tính đi ngược lại với Lời Chúa dạy phải yêu thương và tôn trọng mọi người.

6. Ghen ghét. Người phạm tội ganh ghét không bao giờ bằng lòng khi thấy người khác nhận được những ơn phước mà mình không có.

Thật ra, sáu tội Phao-lô kể trên chỉ gồm có ba tội chính là quá độ, buông tuồng và ganh ghét mà Bản Diễn Ý gọi là “chè chén say sưa, trụy lạc phóng đãng và tranh giành ganh ghét” (c. 13). Xin Chúa giúp chúng ta tránh xa những tội lỗi trên để có một đời sống công chính, trong sạch xứng đáng để nghênh đón Chúa khi Ngài trở lại.

“Hãy mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ” có nghĩa là “Hãy để cho Chúa Cứu Thế Giê-xu bao bọc anh em như áo giáp” (c. 14, Bản Diễn Ý).