Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 56

Không Đoán Xét Và Cãi Lẫy

14:1-6

1 Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ. 2 Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. 3 Người ăn chớ khinh dễ kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. 4 Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. - 5 Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. 6 Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.

1. Lời khuyên đầu tiên của Phao-lô trong chương 14 là gì? Có nghĩa gì?

2. “Người kém đức tin” là người như thế nào? “Tiếp lấy kẻ kém đức tin” là làm gì?

3. Tại sao kẻ yếu đuối chỉ ăn rau mà thôi (c. 2)?

4. Nguyên tắc sứ đồ Phao-lô nêu lên trong phần nầy là gì? Chúng ta áp dụng nguyên tắc nầy như thế nào?

 

Trong các câu chúng ta vừa đọc, Phao-lô nói về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa các tín hữu trong hội thánh tại La-mã. Có lẽ có người đã nói cho Phao-lô biết về những khó khăn trong hội thánh, vì Phao-lô chưa bao giờ đến hội thánh nầy. Các tín hữu trong hội thánh La-mã lúc đó có những chủ trương khác nhau về nguyên tắc sống đạo và người nầy chỉ trích lối sống của người kia, do đó gây chia rẽ trong hội thánh. Để chấn chỉnh tình trạng ấy, trước hết Phao-lô nói: “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ” (c. 1).

“Kém đức tin” nghĩa là không đủ khả năng phân biệt điều nào phải làm để được cứu, điều nào không nhất thiết phải làm. Trong hội thánh lúc đó có một nhóm người chủ trương rằng người tin Chúa không còn sống dưới luật pháp nên được tự do làm theo những điều mình thấy là phải, miễn là không phạm tội với Chúa và không phạm tội với người khác. Một nhóm người khác chủ trương vì đã tin Chúa, họ phải sống cẩn thận, kiêng điều nầy, tránh điều kia để Chúa vui lòng và làm gương tốt cho người khác. Phao-lô khuyên phải tiếp nhận những người kém đức tin vào hội thánh, đừng tranh luận, cũng đừng đả phá chủ trương của họ (“Chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ” nghĩa là đừng tranh luận về những vấn đề còn trong vòng nghi ngờ, không có lời giải đáp dứt khoát).

Một trong những chủ trương khác nhau trong hội thánh lúc đó là về vấn đề ăn uống. Câu 2 cho thấy một số tín hữu sống vượt ra ngoài luật lệ Do-thái giáo, cho rằng họ có thể ăn tất cả những thức ăn Chúa đã tạo dựng vì tất cả mọi vật đều thuộc về Chúa. Nhóm người kia trái lại, bảo rằng chỉ nên ăn rau, vì nếu ăn thịt có thể phạm luật Môi-se, là luật cấm ăn thịt có máu, hoặc có thể mắc phải tội ăn đồ cúng vì thịt bán ngoài chợ thời đó thường đã được cúng trong đền thờ tà thần. Tuy nhiên, theo Phao-lô thì dù theo chủ trương nào, người trong hội thánh cũng không nên chỉ trích nhau: “Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn” (c. 3). Đây cũng là thái độ chúng ta cần có đối với các tín hữu trong hội thánh. Tùy theo lượng đức tin, mỗi người có những chủ trương khác nhau về lối sống, cách ăn mặc, giải trí, trang điểm... Có người cho rằng người tin Chúa phải có bề ngoài khác người đời, không đi đến những nơi giải trí, không sử dụng những tiện nghi vật chất... Trong khi đó một số người khác lại chủ trương nên hòa đồng với đời để đem người có tội về với Chúa, miễn là không đồng hóa với đời. Ta không thể khẳng định chủ trương nào đúng, chủ trương nào sai, vì thế ta cũng không nên đoán xét hay chỉ trích ai. Vì chỉ một mình Chúa có quyền đoán xét, như sứ đồ Phao-lô nói: “Anh em là ai mà phê phán các tôi tớ Chúa? Họ làm đúng hay sai, thành công hay thất bại đều thuộc thẩm quyền của Chúa. Nhưng nhờ Chúa giúp đỡ, họ sẽ thành công” (c. 14, Bản Diễn Ý). Trước khi phê phán hành động của người khác, chúng ta cần nhớ lời nhắn nhủ trên của Phao-lô và để dành quyền phê phán cho Chúa. Riêng chúng ta sẽ hết lòng sống theo điều Chúa Thánh Linh dạy dỗ và hướng dẫn để không có những hành động hay chủ trương khác thường khiến cho Danh Chúa bị chê cười.

Với nguyên tắc nêu trong câu 1: “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ,” Phao-lô nêu ví dụ về việc kiêng cữ trong vấn đề ăn uống và việc giữ các ngày lễ trong tuần hoặc trong năm. Về việc giữ ngày lễ, Hội Thánh La-mã cũng chia làm hai nhóm khác nhau: một nhóm xem các ngày đặc biệt như ngày Sa-bát, trăng mới, lễ Vượt qua... rất quan trọng nên tổ chức lễ lạc rất lớn, nhóm kia ngược lại, chủ trương rằng ngày nào cũng giống nhau vì ngày nào cũng là ngày của Chúa. Xem trọng các dịp lễ lạc là đặc tính nổi bật của người Do-thái, cũng vì thế đã bao nhiêu lần sứ đồ Phao-lô phải nhắc nhở và cảnh cáo họ. Chẳng hạn như trong thư viết cho Hội Thánh tại Ga-la-ti, ông nói: “Anh em còn giữ ngày, tháng, mùa, năm làm gì? Tôi lo ngại cho anh em, tôi sợ rằng công lao khó nhọc của tôi hóa ra vô ích” (Ga-la-ti 4:10-11 Bản Diễn Ý). Trong thư viết cho hội thánh tại Cô-lô-se, Phao-lô lại nhắc: “Chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống hoặc ngày lễ, hoặc ngày trăng mới, hoặc ngày Sa-bát” (Cô-lô-se 2:10).

Ngày xưa người Do-thái xem trọng ngày Sa-bát và đặt ra hàng trăm luật nhỏ nhặt để mọi người phải tuân theo, khiến việc thờ phượng Chúa thành một gánh nặng không ai mang nổi. Ngày nay chúng ta không giữ ngày Sa-bát nhưng thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật, nhiều người cũng đặt ra những điều cấm kỵ nhỏ nhặt, lắm khi không cần thiết. Chẳng hạn có người chủ trương trong ngày Chúa Nhật người tin Chúa không được mua bán, nấu nướng, không được đi chơi v.v... Theo Phao-lô, người chủ trương như thế không có gì là sai, nhưng dựa vào đó để chỉ trích người khác là điều không nên làm. Điều cần tránh là đừng vì chủ trương khác nhau mà sinh ra chia rẽ và chỉ trích lẫn nhau.

Không những khuyên các tín hữu đừng chia rẽ và chỉ trích nhau, Phao-lô còn tìm cách đưa họ đến chỗ đoàn kết. Ông cho thấy, dù người trong hội thánh chủ trương những đường lối khác nhau nhưng tất cả đều nhắm một mục đích đó là sống cho Chúa và vì Danh Chúa. Điều quan trọng là mọi người phải cân nhắc chủ trương của mình, phải biết chắc đó là điều Chúa muốn mình làm chứ đừng làm vì bắt chước người khác hoặc vì mê tín dị đoan. Đây cũng là nguyên tắc chúng ta cần áp dụng: mỗi khi đặt một đường lối sống cho mình, chúng ta cần cân nhắc xem đường lối đó có đi ngược với Lời Chúa dạy? Có làm cho Danh Chúa bị chê cười? Có làm người khác vấp ngã? Và nếu khi thực hành điều đó chúng ta thấy lòng bình an, đó là điều chúng ta có thể làm. Tuy nhiên, đừng quên chúng ta cũng phải tôn trọng đường lối sống của người khác và đừng chỉ trích họ, vì quyền đoán xét là quyền của Chúa.