Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 58

Không Làm Người Khác Vấp Phạm

14:13-23

13 Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã. 14 Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Giê-xu rằng, chẳng có vật gì vốn là dơ dáy; chỉn có ai tưởng vật nào là dơ dáy, thì nó là dơ dáy cho người ấy mà thôi. 15 Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhơn thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho. 16 Vậy chớ để sự lành mình trở nên cớ gièm chê. 17 Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy. 18 Ai dùng cách ấy mà hầu việc Đấng Christ, thì đẹp lòng Đức Chúa Trời và được người ta khen. 19 Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau. 20 Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc Đức Chúa Trời. Thật mọi vật là thanh sạch; nhưng ăn lấy mà làm dịp cho kẻ khác vấp phạm, thì là ác. 21 Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình. 22 Ngươi có đức tin chừng nào, hãy vì chính mình ngươi mà giữ lấy trước mặt Đức Chúa Trời. Phước thay cho kẻ không định tội cho mình trong sự mình đã ưng! 23 Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào, thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi.

1. “Để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình” (c. 13a) nghĩa là gì? Xin cho một ví dụ.

2. Làm sao chỉ vì một miếng ăn mà ta có thể làm cho người khác hư mất được (c. 15b)?

3. Xin giải thích câu: “Chớ để sự lành mình trở nên sự gièm chê” (c. 16).

4. Xin giải nghĩa ba từ: “công chính, bình an và vui vẻ” (c. 17).

5. Chữ “đức tin” trong câu 23 nghĩa là gì?

6. Dựa vào phân đoạn nầy, xin rút ra một nguyên tắc để áp dụng hằng ngày.

 

Trong Rô-ma 14:13-16 Phao-lô nêu lên ba điều người tin Chúa nên tránh:

1. Đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình và đừng làm dịp cho người sa ngã (c. 13). Lời dạy của sứ đồ Phao-lô là thay vì dùng lý trí để phê phán người khác, chúng ta hãy dùng lý trí để nhất quyết không làm cho người khác vấp ngã. Lời khuyên nầy nghĩa là nếu chúng ta có đức tin mạnh và biết điều mình làm không phải là tội, tuy nhiên, nếu biết có những người yếu đuối hơn đang nhìn vào hành động của chúng ta và đức tin của họ có thể bị lung lạc khi thấy sự tự do của chúng ta, chúng ta sẽ hạn chế tự do của mình để không làm họ vấp ngã. Nguyên tắc nầy áp dụng trong những lãnh vực như ăn uống, giải trí, cách ăn mặc, trang điểm... Lời Phao-lô dạy thật rõ ràng: “Nếu thức ăn của anh em làm cho một tín hữu bị tổn thương, anh em không hành động theo tình yêu thương nữa. Đừng để thức ăn của anh em hủy diệt người được Chúa Cứu Thế chịu chết thay” (c. 15, Bản Diễn Ý).

Tóm lại, có thể nói, tất cả những việc gì không phải là tội, người tin Chúa đều có quyền làm, nhưng hãy làm vì yêu Chúa và yêu người chung quanh, chứ đừng vì ích kỷ. “Chẳng có vật gì vốn là dơ dáy” chỉ về thức ăn chứ không phải tất cả mọi vật. Thức ăn tự nó không có gì là dơ bẩn, chỉ khi nào ta kể nó dơ bẩn thì nó mới trở thành dơ bẩn.

2. Đừng vì thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho (c. 15b). Nếu trong hội thánh có người yếu đức tin, không dám ăn hoặc làm những điều ta muốn làm thì ta nên vì lợi ích của người đó, tránh làm những điều ta ưa thích. Cũng đừng bao giờ ép người yếu đức tin phải hành động giống như chúng ta, vì khi bị ép như thế, người ấy có thể bị lương tâm cáo trách đến nổi mất đức tin. “Làm hư mất” chỉ về hậu quả tai hại khi một người bị ép buộc phải hành động trái ngược với tiếng nói của lương tâm. Ý của Phao-lô trong câu nầy là chúng ta phải cẩn thận vì có khi chính chúng ta làm cho tín hữu trong hội thánh, là những người Chúa đã chết thay, bị mất đức tin. Đừng bao giờ ép những người có chủ trương khác với chúng ta phải chấp nhận hoặc hành động theo chúng ta vì làm như thế có thể khiến họ nghi ngờ Chúa và mất đức tin.

3. Đừng để việc tốt của chúng ta làm cớ cho người ngoài chỉ trích đạo Chúa (c. 16). “Việc tốt” hay “sự lành” trong câu nầy có nghĩa là những hành động tự do hoặc chủ trương phóng khoáng. Phao-lô khuyên đừng để những chủ trương phóng khoáng của anh em, dù là với ý tốt, trở thành điều mà người chưa tin Chúa có thể vin vào để chê cười đạo của Chúa. Hoặc cũng có thể hiểu là: đừng để những hành động tự do của anh em làm tổn thương đức tin của các tín hữu khác, để người đời nhìn thấy và gièm chê đạo Chúa.

Là người tin Chúa, chúng ta phải sống trên căn bản yêu thương để áp dụng những lời khuyên trên, sẵn sàng hi sinh sự sung sướng, vui thú của mình trong cách ăn mặc, vui chơi, giải trí... để không làm cho người khác vấp ngã.

Để thấy rõ ý nghĩa của các câu 17-19, mời Bạn đọc lại các câu nầy theo Bản Diễn Ý:

Điều thiết yếu trong nước của Đức Chúa Trời không phải là ăn uống, nhưng là sống công chính, bình an và vui vẻ trong Thánh Linh. Người nào phục vụ Chúa Cứu Thế theo tinh thần đó, sẽ được Đức Chúa Trời hài lòng và người ta tán thưởng. Vậy, chúng ta hãy cố gắng thực hiện sự hòa hợp trong hội thánh và gây dựng lẫn nhau.

Phao-lô nhắc cho các tín hữu tại La-mã nhớ rằng trong Nước Chúa hay trong Đạo Chúa, việc ăn uống không quan trọng. Điều quan trọng là sống trong công chính, bình an, vui vẻ. Tất cả những điều nầy mang tính cách vị tha thay vì vị kỷ, nghĩa là vì lợi ích của người khác chứ không vì lợi ích cá nhân.

1. Công chính. Sống trong công chính là làm cho mọi người đúng theo điều ta phải làm. Trong đời sống người tin Chúa, điều ta phải làm cho những người cùng đức tin là sống trong tinh thần cảm thông, tế nhị và quan tâm đến người khác. Xem lợi ích của người khác quan trọng hơn lợi ích của chính ta nên ta sẽ không làm điều ta thích nếu điều đó gây thiệt hại cho người khác. Áp dụng lời khuyên nầy, chúng ta sẽ cân nhắc cẩn thận trước khi làm những điều ta ưa thích.

2. Bình an. Sống trong bình an tức là có mối quan hệ tốt đẹp với Chúa và với người chung quanh. Sự bình an nầy chỉ có khi ta quên đi những lạc thú cá nhân, sẵn sàng hy sinh, khép mình vào kỷ luật vì người khác, nhất là vì những người yếu đức tin và người mới tin Chúa. Người muốn sống bình an với mọi người sẽ không bao giờ nói: “Tôi thấy điều đó đúng thì tôi cứ làm, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ.” Trái lại, người đó sẽ cẩn thận để không gây thắc mắc, nghi ngờ hoặc hiểu lầm giữa những người trong hội thánh.

3. Vui vẻ. Niềm vui của người tin Chúa, theo đúng lời Chúa dạy, không bao giờ là niềm vui ích kỷ. Trái lại, chúng ta chỉ vui khi làm cho người khác vui, dù chính mình phải chịu thiệt thòi. Nếu chỉ vì niềm vui sướng tạm bợ trong miếng ăn, trong giờ phút giải trí mà gây đau buồn cho người khác, người tin Chúa sẽ sẵn sàng hy sinh. Hy sinh mà vẫn vui vì biết mình đã thực hành đúng lời Chúa dạy.

Để khuyến khích các tín hữu sống cho người khác, Phao-lô nói thêm: “Người nào phục vụ Chúa Cứu Thế trong tinh thần đó sẽ được Đức Chúa Trời hài lòng và người ta tán thưởng” (c. 18, Bản Diễn Ý).

Chúng ta cần thực hành Lời Chúa dạy hôm nay: sống với mọi người trong công chính, bình an, vui vẻ, không những để được Chúa vui lòng, người khen ngợi nhưng cũng để tạo sự hòa hợp và gây dựng trong hội thánh. Đã có biết bao nhiêu hội thánh bị tan rã hoặc chia rẽ trầm trọng vì những vấn đề nhỏ nhặt, vì thế chúng ta hãy nhờ sức của Chúa, thật sự áp dụng Lời Chúa dạy vào đời sống hằng ngày để những trường hợp đáng tiếc đó không bao giờ xảy ra.

Một lần nữa Phao-lô trở lại vấn đề ăn uống trong cộng đồng người tin Chúa. Ông cho thấy rằng tất cả thức ăn đều thanh sạch, tuy nhiên, nếu vì một món ăn mà làm cho người khác vấp ngã thì đó là tội, ta nên tránh. Câu 21 không hàm ý cấm ăn thịt và uống rượu, nhưng chỉ ngụ ý là để tránh gây vấp phạm cho người khác thì tốt hơn hết chúng ta đừng ăn thịt. Phao-lô nói như thế vì hầu hết các loại thịt bán ngoài chợ thời đó đều được đem cúng trong các đền thờ tà thần, nên người ta không thể biết thịt nào đã cúng, thịt nào chưa. Để tránh nghi ngại và để người yếu đức tin không hiểu lầm, Phao-lô khuyên đừng ăn thịt là tốt hơn vì thà hy sinh điều ta ưa thích để nâng đỡ những anh em yếu đức tin hơn là cứ làm điều mình thích để rồi gây vấp phạm cho người khác. Đây cũng là lời khuyên cho chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta làm một điều gì đó mà làm cho người mới tin Chúa nghi ngờ, thắc mắc đến nỗi đức tin bị lung lay, thì ta nên tránh đừng làm, vì thà bị mất một chút tự do mà làm gương sáng cho người khác hơn là vì ta mà người khác có những thành kiến không tốt về đạo Chúa.

Một nguyên tắc khác Phao-lô nêu ra trong phân đoạn Kinh Thánh nầy là: chúng ta có đức tin đến mức độ nào hãy sống theo mức độ đó trước mặt Chúa (c. 22a). “Phước thay cho kẻ không định tội cho mình trong sự mình đã ưng” nghĩa là: “Phúc cho người không bị lương tâm lên án khi làm điều mình biết là phải” (BDY).

Ngược lại, nếu lương tâm đã cáo trách (“có lòng nghi ngại”) mà vẫn làm là chúng ta đã mắc tội (c. 23a). “Chẳng bởi đức tin mà làm” nghĩa là không làm theo những gì chúng ta tin trong lòng, không làm theo điều chúng ta tin quyết. Nếu chúng ta suy nghĩ trong lòng, biết một điều gì đó là sai mà vẫn làm là chúng ta có tội: “Làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi.” Nói khác đi, bất cứ việc gì nếu ta định làm và thấy lòng bình an, lương tâm không cáo trách, không nghi ngại, thì làm. Trái lại, nếu không yên tâm mà vẫn làm, hoặc biết đó là điều sai mà cứ làm, thì đó là tội. Giả sử chúng ta định bắt đầu một công việc buôn bán nhưng trong lòng thấy áy náy vì biết nếu làm công việc đó phải giao tiếp với những người không ngay thẳng, sẽ phải nói dối, hoặc phải làm việc trong ngày Chúa Nhật... Nếu thấy lòng không bình an, tốt hơn hết, ta đừng xúc tiến công việc đó. Tiếng nói trong lòng chúng ta chính là sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, nếu không nghe theo tiếng nói đó, ta sẽ đi sâu hơn vào con đường tội lỗi. Nguyên tắc nầy cũng áp dụng vào những việc nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày như đi chơi, giải trí, ăn uống. Nếu có người rủ chúng ta đi chơi những chỗ mà nghĩ đến ta thấy áy náy, khó chịu thì chúng ta nên từ chối. Những nguyên tắc sứ đồ Phao-lô nêu trong chương 14 thật đơn giản, tuy nhiên, nếu không cẩn thận và không nhờ sức Chúa để tránh, đây là những lỗi lầm chúng ta dễ mắc phải và là những lỗi lầm có thể đưa hội thánh đến chỗ tan rã.