Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 43

Chim và Hoa

Chúng ta đã xét đến lời dạy tổng quát của Chúa Giê-xu trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 6:25-30 về nguy cơ đối diện với chúng ta trong đời này từ khuynh hướng quá chú trọng về những điều thuộc về trần gian. Chúng ta thường có khuynh hướng lo lắng về cuộc đời, về lương thực, về áo quần. Ta có thể thấy ngay đa số người sống trong đời này chỉ xoay quanh có bấy nhiêu vấn đề. Lương thực và áo quần là tất cả quan tâm của họ. Họ từng bỏ ra bao nhiêu thời giờ để suy nghĩ về các vấn đề này, bàn bạc, thảo luận, nghiên cứu, đọc sách báo về các vấn đề đó. Toàn thế giới ngày nay cũng đang nỗ lực hướng chúng ta sống chú trọng vào mức sống vị vật chất đó.

Cứ nhìn vào một tờ báo ngày nay, chúng ta sẽ thấy ngay biết bao nhiêu lời mời gọi, đề nghị qua những quảng cáo các món hàng giúp cho đời sống vật chất được tiện nghi hơn, sung sướng hơn. Nói chung vẫn là ăn mặc và những gì liên quan. Người đời sống với những thứ này và quan tâm, ưu tư về chúng qua nhiều cách khác nhau.

Chúa Giê-xu cảnh cáo chúng ta về nguy cơ lo lắng này và đưa ra những hình ảnh để minh chứng nỗi lo lắng đó là quá đáng.

Câu 26 và 27 ghi: "Hãy xem loài chim trời: chẳng gieo, gặt, cũng không thu trữ vào kho lẫm, mà Cha các con nuôi chúng. Các con chẳng quý trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong các con lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc được không?"

Tại đây Chúa đưa ra hai lý luận chính:

Lý luận thứ nhất là về loài chim. Chúa bảo: Hãy xem loài chim trời. Hãy nhìn vào tự nhiên. Cái nhìn đây không cần phải chú trọng gì cả, chỉ là quan sát thường. Hay nói khác đi, hãy nhìn vào thực tại đang hiện diện, đang nhìn chúng ta mỗi ngày. Những con chim nhặt từng hạt rơi vung vãi trên đất, trên cỏ, bay nhảy tung tăng, hót líu lo, không vướng bận lo lắng.

Con người hơi khác loài chim một ít. Vì sau cuộc sa ngã, người phải lao động mới có mà ăn. Đó là nhiệm vụ của đời sống. Nhưng người không dành cả cuộc đời để lo lắng về thời tiết hay là về mùa màng có được hay mất. Người phải gieo hạt, nhưng nhớ rằng Chúa làm cho hạt nẩy mầm và thành cây, ra hạt. Nghĩa là Chúa cung cấp lương thực cho ta khi ta đã làm công việc Chúa chỉ định phải làm.

Câu quan trọng ta cần để ý là: Cha trên trời nuôi chúng. Chúa là Đấng sáng tạo ra loài chim, đã nuôi chúng. Chúa cũng duy trì đời sống sinh vật trên trái đất y như vậy. Đằng sau mỗi đời sống sinh vật có bàn tay Tạo Hóa chăm sóc duy trì sự sống. Sự sống không ngẫu nhiên mà xuất hiện và cũng không ngẫu nhiên mà được duy trì. Chúa của sự sống sáng tạo và bảo tồn sự sống sinh vật, đó là một nguyên lý mà con người cần nắm vững.

Về một phương diện, chúng ta là tạo vật của Chúa, nhưng đồng thời cũng là con của Chúa. Chúng ta được phép gọi Tạo Hóa là Cha. Trong nghĩa Cha con đó có một tình thương đặc biệt, khác hẳn với Tạo Hóa và tạo vật. Cha không bao giờ để con phải chết đói. Có thể hiểu ngắn gọn như vậy.

Chúa Giê-xu đặt câu hỏi: Các con không quý trọng hơn loài chim sao? Đây là câu hỏi giúp ta nhận ra giá trị của mình. Con người không phải chỉ có thân xác, và chỉ cần nhu cầu thân xác. Con người mang một giá trị cao hơn vạn vật vì đã được tạo nên để quản trị vạn vật. Loài chim là loài sinh ra cho con người quản trị mà còn được nuôi ăn đầy đủ, con người mang giá trị cao quý hơn tại sao phải lo lắng? Về một phương diện, Chúa Giê-xu cho ta biết giá trị của mình.

Cũng chính vì giá trị này mà Chúa bằng lòng xuống trần gian chịu chết hi sinh cứu vớt con người ra khỏi chỗ lầm than, hư vong, làm mất giá trị của con người cao quý.

Đó chính là lý do mà Chúa bảo việc lo lắng hoàn toàn vô lý.

Nhưng còn một lý luận thứ hai nữa.

Chúa nói: "Vả lại, trong các con có ai lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc được không?"

Câu nói này có mấy điều ta cần xét cho rõ:

1. Làm cho đời dài thêm một khắc là nói về chiều dài trong thời gian chứ không phải trong không gian. Nghĩa là sống lâu hơn chứ không phải cao người lên hơn.

2. Đời người có giới hạn, và giới hạn đó đã định sẵn. Đây là thực sự mà không ai có thể chối cãi được, dù là các nhà chủ trương vô thần. Ai ấn định thời gian sống cho mỗi người? Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, tại sao vậy? Con người chưa bao giờ giải thích được tại sao mỗi người chết trong thời điểm khác nhau?

3. Lo lắng về cơm áo tưởng là để kéo dài đời sống, nhưng thật ra cơm áo không bảo đảm cho sự sống. Không ai lo lắng cho đầy đủ cơm áo mà có thể thêm cho đời mình một giây phút sống. Ta có câu: 'Trời kêu ai nấy dạ' cũng phản ánh chân lý về định mệnh của con người. Định mệnh ấy hoàn toàn trong tay Chúa là Đấng sáng tạo nên con người.

Chúa muốn chúng ta quan tâm về cuộc đời với những giá trị cao hơn là cơm áo. Sự sống là một tặng phẩm, và Đấng bảo tồn sự sống chính là Chúa. Nếu không có quyền làm cho sự sống kéo dài, thì lo lắng có ích lợi gì. Bên ngoài sức lao động của con người, còn có quyền tể trị vạn vật của Chúa. con người gieo trồng, nhưng Chúa cho mới có mùa màng. Con người ăn mặc, nhưng Chúa cho mới sống còn.

Câu 28 Chúa dạy về vấn đề áo mặc. Chúa nói: "Còn về phần quần áo, các con lại lo lắng làm chi? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta nói cùng các con, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo đẹp như một hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các con!"

Chúa bảo: Hãy ngắm xem. Nghĩa là suy nghĩ khi nhìn vào bông hoa. Hoa huệ hay bất cứ loại hoa dại nào. Đấng Tạo Hóa cho hoa màu sắc thật đẹp, đến nỗi người nổi tiếng giàu sang nhất trên đời cũng vẫn còn ao ước được ăn mặc như hoa. Vẻ đẹp của thiên nhiên phản ánh vinh quang của Chúa, vì vậy chứa đựng cái toàn mỹ, quý giá, trang trọng mà thế giới con người không sản xuất được.

Chân lý ở đây là: Chúa mặc đẹp cho hoa cỏ, mặc dù cuộc đời chúng ngắn ngủi, Chúa lại chẳng lo cho chúng ta là loài quý trọng hơn đời hoa sao? Cái đẹp của hoa chỉ là tạm, mà còn được Chúa quan tâm đến như vậy. Đời người chẳng lẽ không được bằng hoa sao? Việc lo lắng không đủ áo mặc, trở thành vô nghĩa, nếu ta biết rằng, ta quý trọng hơn hoa cỏ nhiều.

Chúa phê bình những kẻ quá lo lắng về cơm áo nói chung, là ít đức tin.

Ít đức tin là tình trạng của những người chưa nắm vững được các nguyên lý về sự sống: con người quý trọng hơn vạn vật, Chúa ban cho con người quyền tể trị vạn vật, Chúa ban cho sự sống và chính Chúa duy trì, bảo tồn sự sống, con người không có quyền gì về định mệnh của mình. Lo lắng là ít đức tin và chỉ nhìn vào nhu cầu hạn hẹp của mình mà không thấy bàn tay vĩ đại của Chúa.

Ngày nay, ta hãy hết lòng tin cậy Chúa, tìm đến các giá trị vĩnh hằng trước đã, Chúa sẽ cung cấp mọi nhu cầu vật chất cho ta.

Hãy xem loài chim trời, hãy ngắm những bông hoa, ta quý trọng hơn loài chim và loài hoa cỏ rất nhiều, vì ta gọi Tạo Hóa là Cha.

Lạy Cha yêu quý, xin tăng cường đức tin cho chúng con.