Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 61

Của Dâng Và Lời Cầu Nguyện

15:22-33 

22 Ấy cũng là điều đã nhiều lần ngăn trở tôi đi đến thăm anh em. 23 Nhưng bây giờ chẳng còn có chi cầm buộc tôi lại trong các miền nầy nữa; vả lại, đã mấy năm nay, tôi rất ước ao đến cùng anh em; 24 vậy nếu tôi có thể đi xứ Y-pha-nho được, thì mong rằng sẽ tiện đàng ghé thăm anh em; sau khi được chút thỏa lòng ở với anh em rồi, thì nhờ anh em sai đưa tôi qua xứ ấy. 25 Nay tôi qua thành Giê-ru-sa-lem đặng giúp việc các thánh đồ. 26 Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai vui lòng quyên tiền để giúp những thánh đồ ở thành Giê-ru-sa-lem đang nghèo túng. 27 Họ vui lòng làm sự đó, và cũng mắc nợ các người đó nữa; vì nếu người ngoại đã có phần về của cải thiêng liêng người Giu-đa, thì cũng phải lấy của cải thuộc về phần đời mà giúp cho người Giu-đa. 28 Vậy khi tôi làm xong việc ấy, và giao quả phước nầy cho họ rồi, tôi sẽ ghé nơi anh em đặng đi đến xứ Y-pha-nho. 29 Tôi biết khi tôi sang với anh em, thì sẽ đem ơn phước dồi dào của Đấng Christ cùng đến.

30 Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời, 31 hầu để tôi được thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giu-đê, và của làm phước mà tôi đem qua thành Giê-ru-sa-lem sẽ được các thánh đồ vui lòng nhậm lấy. 32 Bấy giờ tôi có thể vui mừng đi đến anh em, và nếu vừa ý Đức Chúa Trời, cũng nếm mùi an nghỉ với anh em nữa. Nguyền xin Đức Chúa Trời bình an ở với anh em hết thảy! A-men.

1. Chúng ta học được điều gì nơi Hội Thánh Ma-xê-đoan và A-chai (c. 26)?

2. Các câu 30-33 cho chúng ta thấy điều gì về Phao-lô?

3. Xin kể ra một vài điều chúng ta có thể làm để bắt chước Phao-lô, các hội thánh Ma-xê-đoan và A-chai?

 

Rô-ma 15:22-33 không có những lời khuyên dạy nhưng chỉ cho ta biết thêm về con người của Phao-lô cùng những dự tính tương lai của ông.

Dự tính của Phao-lô lúc đó là đem tiền cứu trợ đến cho các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem. Tại Giê-ru-sa-lem, hầu hết mọi sinh hoạt đều liên hệ đến đền thờ và các hoạt động tôn giáo của người Do-thái. Vì vậy, hầu hết công ăn việc làm đều ở trong tay những người lãnh đạo giáo hội. Khi một người Do-thái tin Chúa, người ấy thường bị mất việc làm vì bị cộng đồng Do-thái giáo tẩy chay. Do đó, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem có nhiều người thất nghiệp, cần được các hội thánh khác giúp đỡ (c. 26).

Câu “người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai” chỉ về Dân Ngoại, không phải Do-thái. Ý của Phao-lô trong câu 27 là: lý do khiến các tín hữu nước ngoài vui vẻ và hăng hái đóng góp tiền bạc để giúp các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem là vì họ thấy đây không những là bổn phận của người trong Chúa đối với nhau nhưng còn là một món nợ phải trả. Vì nhờ người Do-thái, những người nước ngoài được biết Chúa và tin Ngài, được trở thành con của Chúa, tức là được hưởng những phước thiêng liêng. Phao-lô lý luận: người ngoài đã nhờ người Do-thái mà được hưởng những ơn phước thiêng liêng thì bây giờ họ phải chia xẻ những ơn phước vật chất với người Do-thái (c. 27).

Qua các câu Kinh Thánh nầy, hai điều chúng ta ghi nhận để áp dụng trong cuộc sống hiện tại:

1. Chúng ta nên nhớ ơn những người đã đưa chúng ta đến với Chúa, hoặc những người giúp ta nhận được những ơn phước trong đời sống tâm linh. Không những chỉ nhớ ơn, nếu có thể được, chúng ta nên chia xẻ ơn phước vật chất với họ để bày tỏ lòng biết ơn.

2. Tín hữu trong hội thánh nầy nên để ý, giúp đỡ tín hữu trong các hội thánh khác, nhất là những hội thánh gặp khó khăn về vật chất. Tuy mỗi hội thánh địa phương có những tổ chức khác nhau, mang những tên khác nhau, nhưng tất cả đều là Hội Thánh của Chúa, tất cả đều là anh chị em trong một gia đình. Chúng ta nên tỏ tình tương thân tương ái qua những hành động cụ thể để nâng đỡ người yếu đuối trong đức tin và thu hút người chưa tin đến với hội thánh.

Trong các câu cuối cùng của Chương 15, Phao-lô chia sẻ với các tín hữu tại La-mã những nhu cầu cá nhân và xin họ cầu nguyện. Ông xin họ cầu nguyện ba điều:

1. Cho ông được thoát khỏi tay những người không tin trong xứ Giu-đê, tức những người không tin Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng Cứu Thế (c. 31a).

2. Tiền và quà ông đem đến Giê-ru-sa-lem sẽ được các tín hữu vui nhận (c. 31b).

3. Ông có thể đến thăm Hội Thánh La-mã và được nghỉ ngơi với họ (c. 32).

Qua chi tiết trong các lá thư khác của Phao-lô và sách Công vụ, chúng ta biết nguyện ước của ông đã không thành, ông đã gặp khó khăn tại Giê-ru-sa-lem, đã bị bắt giam và đã đến La-mã như một tù nhân (Công vụ 28:16).

Có ba điều chúng ta học được nơi Phao-lô qua những lời nhắn nhủ chân tình trên:

1. Dù biết nguy hiểm và khó khăn đang chờ đợi tại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô vẫn can đảm lên đường. Vì nghĩ đến lợi ích của người khác, và vì biết đó là ý Chúa nên Phao-lô đã không lo sợ hay nản lòng. Ông đã đi đúng con đường của Chúa Giê-xu: Chúa biết nguy hiểm đang chờ Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem, nhưng Ngài vẫn can đảm đi vì đó là công việc Ngài phải chu toàn. Phao-lô đã nêu cao tấm gương can đảm của một người biết việc mình làm có thể đem lại nguy hiểm, nhưng vì vâng lời Chúa, vì lợi ích của người khác, sẵn sàng chấp nhận tất cả. Đã bao lần chúng ta lùi bước trong công việc Chúa vì sợ nguy hiểm, sợ thất bại, sợ người khác chê cười? Xin Chúa giúp chúng ta theo gương Phao-lô, sẵn sàng dấn thân, đi theo tiếng gọi của Chúa, bất chấp mọi nguy hiểm.

2. Trước nguy hiểm, Phao-lô xin các tín hữu cầu nguyện cho ông. Mỗi khi gặp khó khăn, đây cũng là điều chúng ta nên làm trước nhất: cầu nguyện và xin mọi người trong Hội Thánh cầu nguyện cho chúng ta. Niềm an ủi lớn nhất đối với những người đang gặp khó khăn vì Danh Chúa là biết có người đứng phía sau hỗ trợ mình bằng lời cầu nguyện khẩn thiết. Bạn có xin người trong Chúa cầu nguyện cho Bạn khi gặp khó khăn không? Hay Bạn tự sức lo lắng để rồi tự gặt lấy chán nản và thất bại? Một điều quan trọng khác chúng ta cần nhớ trong việc cầu nguyện là mỗi khi hứa cầu nguyện cho ai, đừng quên giữ lời hứa. Khi một người tin cậy chúng ta và nhờ cầu nguyện, người ấy đặt cả hy vọng vào lời cầu nguyện của chúng ta, họ sẽ nghĩ sao khi biết chúng ta đã quên cầu nguyện cho họ?

3. Phao-lô là người có lòng bình an. Phao-lô đem bình an đến cho các tín hữu tại La-mã. Đây có lẽ là món quà duy nhất ông có, nhưng cũng là món quà quý giá nhất. Đọc thư của Phao-lô, tín hữu trong Hội Thánh La-mã được nhắc nhở, khuyên dạy nhưng cũng được an ủi và bình an. Phao-lô không để những lo lắng của ông làm người khác nặng lòng, nhưng ông cố gắng hết sức để làm cho mọi người vui vẻ và bình an. Một điều khác Phao-lô không viết ra trong bức thư nầy nhưng chúng ta biết chắc chắn có, đó là Phao-lô đã lên đường đến thành Giê-ru-sa-lem một cách bình an, vui vẻ vì ông biết Chúa cùng đi với ông. Bình an là dấu hiệu rõ ràng nhất của người có Chúa và đang để Chúa làm Chủ cuộc sống. Nếu cuộc sống thiếu bình an, chúng ta nên xét lại mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa cũng như vị trí của Chúa trong đời sống chúng ta.