Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 62

Tri Ân Và Gửi Gắm

16:1-5a

1 Tôi gởi gắm Phê-bê, người chị em chúng ta cho anh em, người làm nữ chấp sự của hội thánh Xen-cơ-rê. 2 Hãy ân cần tiếp rước người trong Chúa chúng ta, một cách xứng đáng với thánh đồ, và hãy giúp đỡ người trong mọi dịp mà người sẽ cần đến anh em; vì chính người đã giúp nhiều kẻ, và cũng giúp tôi nữa. 3 Hãy chào Bê-rít-sin và A-qui-la, kẻ cùng làm việc với tôi trong Đức Chúa Giê-xu Christ, 4 là hai người liều chết để cứu sự sống tôi; ấy chẳng những một mình tôi tạ ơn hai người, nhưng cả các hội thánh của dân ngoại nữa. 5 Cũng hãy chào hội thánh nhóm tại nhà hai người.

1. Chúng ta học được điều gì qua lời Phao-lô gởi gắm bà Phê-bê (c. 1-2)?

2. Xin đọc thêm Công vụ 18:2, 26 và I Cô-rinh-tô 16:19. Chúng ta biết được gì về A-qui-la và Bê-rít-sin qua các câu Thánh Kinh nầy?

3. Chúng ta học được gì qua đời sống của A-qui-la và Bê-rít-sin?

 

Chương cuối cùng của thư Rô-ma là chương ghi lại lời nhắn nhủ và thăm hỏi của sứ đồ Phao-lô với những người ông quen tại La-mã. Những người nầy có lẽ đã sống những nơi Phao-lô ghé qua trước kia hoặc là những người buôn bán đã gặp Phao-lô tại những nơi như Cô-rinh-tô hay Ê-phê-sô.

Người được Phao-lô nhắc đến đầu tiên trong Chương 16 là bà Phê-bê. Có một số khá đông phụ nữ được nhắc đến trong chương nầy, nhưng bà Phê-bê là người được Phao-lô khen hơn hết. Ông nói: “Tôi gởi gắm Phê-bê.” “Gởi gắm” có nghĩa là giới thiệu. Có lẽ bà Phê-bê đang trên đường đến La-mã nên Phao-lô giới thiệu trước, để khi bà đến các tín hữu tại đó biết bà là ai và sẽ tiếp đón tử tế. Bà Phê-bê được gọi là “chị em chúng ta.” Tất cả người tin Chúa đều là con của Chúa, vì thế là anh chị em trong một gia đình. Gọi bà Phê-bê là chị em, Phao-lô đã tôn trọng và xem bà ngang hàng với tất cả mọi người trong Hội Thánh. Ông cũng gọi bà là “nữ chấp sự.” Có thể bà là chấp sự tại Hội Thánh Xen-cơ-rê (gần Cô-rinh-tô) nhưng “chấp sự” cũng có nghĩa phục vụ. Điều nầy chứng tỏ bà là người yêu mến Chúa, hoạt động tích cực và cung cấp các nhu cầu trong Hội Thánh. Việc bà Phê-bê được sứ đồ Phao-lô kính trọng và khen ngợi nhắc chúng ta hai điều:

1. Phao-lô kể như là người đầu tiên nhận thức vai trò quan trọng của phụ nữ trong Hội Thánh và không xem thường phụ nữ như đa số những người khác trong thời ông. Chúng ta không nên có quan niệm hẹp hòi, trọng nam khinh nữ, vì trước mặt Chúa tất cả đều quan trọng như nhau. Chúa ban cho phụ nữ và nam giới những khả năng khác nhau để cùng nhau xây dựng công việc Chúa chứ không phải để phân biệt hoặc xem trọng phái nầy, xem thường phái kia.

2. Vai trò của phụ nữ trong Hội Thánh rất quan trọng. Trong Hội Thánh ngày xưa cũng như hôm nay, đóng góp của các bà các cô rất quan trọng. Có những công việc trong Hội Thánh các ông không thể làm được như: tổ chức những bữa ăn thông công, trang hoàng nhà thờ, tổ chức các lớp nhi đồng, giữ trẻ, thăm viếng người đau ốm, an ủi nâng đỡ người gặp hoạn nạn, thử thách... Tuy nhiên, các bà các cô chỉ thật sự xây dựng hội thánh nếu hết lòng đem khả năng Chúa ban dùng vào công việc Chúa với tinh thần khiêm nhường, thuận phục. Nếu không, hội thánh sẽ gặp khó khăn hơn là tiến bộ. Ước mong tất cả quý bà trong Hội Thánh cũng như bà Phê-bê, là “người giúp đỡ nhiều người” (c. 2b, BDY).

Một điều khác chúng ta học được qua lời giới thiệu của Phao-lô là tinh thần thân thiện của người trong Hội Thánh. Mỗi khi có người mới đến với Hội Thánh lần đầu, còn bỡ ngỡ, ngại ngùng, chúng ta nên thăm hỏi ân cần để họ không thấy lạc lõng. Trước và sau giờ thờ phượng chúng ta thường thăm hỏi những người quen, bạn cũ và quên, không để ý đến những người mới. Có người không những không hỏi thăm mà còn thì thầm, chỉ trỏ hoặc nhìn với cặp mắt xoi mói. Những thái độ đó sẽ khiến người mới và khách lạ không bao giờ muốn đặt chân đến nhà thờ nữa. Xin Chúa giúp chúng ta áp dụng những điều Phao-lô dạy trong bài học hôm nay, tuy đây là vấn đề nhỏ nhặt nhưng ảnh hưởng sâu đậm đến tình thân trong Hội Thánh và sự phát triển của Hội Thánh.

A-qui-la và Bê-rít-sin là hai người cùng làm việc với Phao-lô từ lâu. Chúng ta thấy tên của họ lần đầu tiên trong Công vụ 18:2. Qua đó, chúng ta biết A-qui-la và Bê-rít-sin trước kia ở La-mã nhưng vì có lệnh trục xuất người Do-thái ra khỏi La-mã nên hai vợ chồng nầy đã đến sinh sống tại Cô-rinh-tô. Phao-lô gặp lại họ ở Cô-rinh-tô và cùng sống bằng nghề may lều với họ. Khi Phao-lô rời Cô-rinh-tô đi Ê-phê-sô, họ đã cùng đi với ông và tiếp tục sống tại đó. Trong thời gian ở Ê-phê-sô, họ đã giúp A-bô-lô hiểu rõ thêm về đạo Chúa để giảng dạy hiệu quả hơn (Công vụ 18:26). Khi Phao-lô từ Ê-phê-sô viết thư cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô, A-qui-la và Bê-rít-sin vẫn còn ở tại đó nên ông gởi lời chào (I Cô-rinh-tô 16:9). Theo lời chào trong câu 3, A-qui-la và Bê-rít-sin đã về lại La-mã sinh sống có lẽ vì lệnh trục xuất lúc đó không còn áp dụng.

Chúng ta thấy đôi vợ chồng nầy sống nhiều nơi, nhưng dù ở đâu, đời sống của họ đều là ơn phước cho người khác. Tại Cô-rinh-tô, họ giúp Phao-lô có nghề sinh sống và có nơi ăn ở. Tại Ê-phê-sô, họ đem A-bô-lô về nhà để hướng dẫn thêm về Chúa. Tại Cô-rinh-tô và La-mã, nhà họ đều là nơi để thờ phượng Chúa (“hội thánh nhóm tại nhà hai người,” c. 5).

Qua đời sống của A-qui-la và Bê-rít-sin chúng ta học được những điều sau:

1. Họ đã rộng mở cửa nhà để nghênh đón người khác. Chúng ta cũng nên rộng mở cửa nhà của chúng ta để nghênh đón người khác như vậy. Nhiều người đang cần một mái ấm gia đình để nương tựa, để bớt cô đơn, để thắng cám dỗ. Nếu Chúa cho chúng ta có nơi nương tựa, chúng ta cần mở rộng nơi đó để người khác cũng có nơi nương tựa như chúng ta.

2. Phao-lô cho biết họ đã “liều chết để cứu sống tôi” (c. 4) và cả Hội Thánh của dân ngoại cũng tạ ơn hai người nữa. A-qui-la và Bê-rít-sin đã hy sinh cuộc đời mình để giúp người khác phục vụ Chúa. Nhiều Hội Thánh biết ơn họ, chứng tỏ họ cũng đã giúp nhiều người trong các Hội Thánh khác. Cuộc sống của chúng ta cũng phải giống như vậy, sẵn sàng hy sinh để đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Nếu có người biết về gia đình chúng ta, họ sẽ nhắc đến như thế nào? Chúng ta có phải là người cùng làm việc Chúa với người khác không? Chúng ta có phải là người sẵn sàng hy sinh vì người khác không? Nhà chúng ta có rộng mở để nghênh đón anh chị em tín hữu và là nơi để nhiều người đến thờ phượng và tôn vinh Chúa không?