Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 63

Tri Ân Và Gửi Gắm

16:5b-16

5b Hãy chào Ê-bai-nết, là người rất thiết với tôi, và đã nên trái đầu mùa trong xứ A-si cho Đấng Christ. 6 Hãy chào Ma-ri, là người có nhiều công khó vì anh em. 7 Hãy chào An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a, tức là bà con và Bạn đồng tù với tôi, là hai người có danh vọng trong các sứ đồ và thuộc về Đấng Christ trước tôi vậy. 8 Hãy chào Am-li-a, người rất yêu dấu của tôi trong Chúa. 9 Hãy chào U-rơ-banh, Bạn cùng làm việc với tôi trong Đấng Christ, và Ếch-ta-chy, là kẻ rất thiết với tôi. 10 Hãy chào A-be-lơ, người được tiếp nạp trong Đấng Christ. Hãy chào các người ở nhà A-rích-tô-bu. 11 Hãy chào Hê-rô-đi-ôn, là bà con tôi. Hãy chào các người ở nhà Nạt-xít, là những kẻ ở trong Chúa. 12 Hãy chào Try-phe-nơ và Try-phô-sơ, là hai người làm việc cho Chúa. Hãy chào Bẹt-si-đơ, người rất thân với tôi, và đã làm nhiều việc cho Chúa. 13 Hãy chào Ru-phu, người được chọn của Chúa, và chào mẹ người, cũng là mẹ tôi. 14 Hãy chào A-sin-cơ-rích, Phơ-lê-gôn, Hẹt-me, Ba-trô-ba, Hẹt-ma, và các anh em ở với họ. 15 Hãy chào Phi-lô-lô-gơ và Giu-li, Nê-rê và chị người, Ô-lim, và hết thảy các thánh đồ ở với họ. 16 Anh em hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau. Hết thảy các hội thánh của Đấng Christ chào anh em.

 

Rô-ma 16:5-15 gồm tên của một số tín hữu tại La-mã được Phao-lô gởi lời thăm. Những câu ngắn Phao-lô viết thêm để mô tả những người nầy giúp chúng ta biết được vài chi tiết về những người ấy và có thể học theo gương sáng của họ. Trong số 26 người Phao-lô nhắc đến trong chương 16, ta thấy có 6 phụ nữ và 13 người có liên hệ ít nhiều đến những người sống hoặc làm việc trong những gia đình có liên hệ đến hoàng đế La-mã.

Đặc điểm của những người được nhắc đến từ câu 5-11:

1. Ê-bai-nết (c. 5). Bạn thân của Phao-lô, là người đầu tiên tin Chúa trong cả thuộc địa La-mã ở Châu Á. Điều nầy chứng tỏ Ê-bai-nết là người rất can đảm.

2. Ma-ri (c. 4). Người có tinh thần phục vụ, đóng góp nhiều cho Hội Thánh. Điều nầy cho thấy tuy ở xa, nhưng Phao-lô vẫn quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt cũng như những người làm việc âm thầm trong Hội Thánh La-mã.

3. An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a (c. 7). Đây là hai vợ chồng (Giu-ni-a là tên phái nữ), đồng hương với Phao-lô (người Do-thái), đã từng bị giam giữ chung với Phao-lô (tại Ê-phê-sô). Họ tin Chúa trước Phao-lô và được xem ngang hàng với các vị sứ đồ, vì hai người đi khắp nơi truyền bá đạo Chúa.

4. Am-li-a (c. 8). Am-li-a là tên thường dùng để gọi những người nô lệ, có lẽ đây là một người nô lệ đã tin Chúa. Trong nghĩa trang của các tín hữu Hội Thánh đầu tiên, người ta thấy có khắc tên Am-li-a, do đó nhiều người tin rằng Am-li-a tuy là nô lệ nhưng giữ vai trò quan trọng trong Hội Thánh nên được khắc tên vào bia đá. Điều nầy cho thấy trong Hội Thánh đầu tiên không có sự phân chia giai cấp.

5. U-rơ-banh (c. 9). Cũng là một người nô lệ đã tin Chúa và cùng làm việc với Phao-lô.

6. Các người nhà A-rích-tô-bu (c. 10). Aristobulus là cháu nội của đại đế Hê-rốt nhưng ông sống đời sống thường dân tại La-mã. Câu “người nhà A-rích-tô-bu” có nghĩa là tất cả mọi người trong nhà, bao gồm hầu cận, giúp việc và nô lệ. Một số những người nầy đã tin Chúa và thường nhóm họp trong nhà của chủ là A-rích-tô-bu.

7. Hê-rô-đi-ôn (c. 11). Là tên La-mã, có nghĩa là thuộc về gia đình Hê-rốt. Đây có lẽ là người lãnh đạo nhóm tín hữu tại nhà A-rích-tô-bu.

Các chi tiết trong phân đoạn Thánh Kinh nầy cho chúng ta thấy hai điều quan trọng sau:

(1) Phao-lô nhắc đến tên một số phụ nữ, kèm theo lời khen cho thấy ông không phải là người trọng nam khinh nữ như nhiều người vẫn nghĩ. Trái lại, Phao-lô công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong Hội Thánh và không tiếc lời ca ngợi những người hoạt động tích cực trong Hội Thánh.

(2) Sự kiện Phao-lô thăm hỏi những người mang tên La-mã hoặc làm việc trong nhà các quan La-mã chứng tỏ trong thời đó, đạo của Chúa đã lan tràn đến kinh thành La-mã.

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về những người được Phao-lô nhắc đến trong bức thư gởi cho Hội Thánh tại La-mã để tìm thấy những gương sáng nơi họ và noi theo:

1. Try-phe-nơ và Try-phô-sơ (c. 12). Có lẽ đây là hai chị em sinh đôi. Phao-lô đã chơi chữ khi nhắc đến hai người nầy, vì tên hai người có nghĩa là nhỏ bé và mong manh. “Hai người làm việc cho Chúa” hàm ý rằng, vì Chúa, cô nhỏ bé và mong manh đã làm việc giỏi như những chiến sĩ tài ba.

2. Ru-phu (c. 13). Có lẽ đây là Ru-phu con của ông Si-môn, người vác thập tự cho Chúa Giê-xu (Mác 15:21). Câu “người được chọn của Chúa” có nghĩa là người được Chúa chọn để phục vụ Ngài cách đặc biệt. Phao-lô cũng gởi lời thăm bà mẹ của Ru-phu và xem bà như là mẹ ruột của ông. Có lẽ khi Phao-lô tin Chúa, gia đình đã từ bỏ ông và mẹ của Ru-phu là người đã chăm sóc ông, hoặc Phao-lô đã ở trong nhà bà suốt thời gian ông ở tại thành An-ti-ốt (Công-vụ 11:25-26). Người ta đoán rằng khi ông Si-môn từ Sy-ren, tức là một thành phố ở vùng Bắc Phi đến thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua, tuy bị bắt phải vác thập tự lên đồi Gô-gô-tha cho Chúa cách bất ngờ, nhưng những sự việc diễn tiến chung quanh cái chết và sự sống lại của Chúa đã khiến ông Si-môn tin Chúa và sau đó đã dẫn dắt cả gia đình tin Chúa. Do đó, sau nầy các con ông và gia đình ông đã trở nên những người giúp đỡ các vị sứ đồ đi truyền bá đạo Chúa.

3. Phi-lô-lô-gơ và Giu-li (c. 15a). Là hai vợ chồng, gia đình ông bà cũng là những tín hữu hoạt động mạnh mẽ trong Hội Thánh La-mã.

4. Nê-rê (c. 15b). Theo điều các tín hữu tại La-mã truyền tụng ngày xưa đến nay thì Nê-rê là tên một người nô lệ tin Chúa và cũng là tên văn phòng của Flavius Clemens, vị quan đứng đầu về ngành tư pháp trong chính quyền La-mã, tương đương với chức tổng trưởng tư pháp ngày nay. Năm 95, ông Flavius và vợ là Domatilla bị chính quyền La-mã trừng phạt vì trở thành tín đồ của Chúa Giê-xu. Bà Domatilla là cháu nội của hoàng đế Vespasian và là cháu gái của vị hoàng đế đang trị vì, tức là hoàng đế Domitian. Hơn thế nữa, hai con trai của ông bà Flavius đã được chọn làm người nối ngôi hoàng đế Domitian. Tuy nhiên, vì tin Chúa ông Flavius bị xử tử, vợ ông, bà Domatilla bị đày ra đảo Pontia. Người ta tin rằng một người nô lệ tên là Nê-rê đã làm chứng cho vợ chồng vị quan nói trên tin Chúa.

Những chi tiết trên tuy không thể kiểm chứng được nhưng cũng cho chúng ta thấy cách Chúa dùng những người phục vụ Ngài hết lòng, và những phương cách Chúa dùng để truyền bá đạo Ngài ra khắp chốn. Điều nầy nhắc chúng ta nhớ rằng dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh hoặc địa vị nào, dù chúng ta thuộc thành phần nào trong xã hội, hãy tận dụng mọi cơ hội để nói về Chúa cho những người chúng ta gặp mỗi ngày. Biết đâu chúng ta sẽ được Chúa dùng làm móc nối quan trọng, đưa những người Chúa chọn đến với Chúa để Chúa dùng họ vào những công việc vĩ đại sau nầy.