Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 65

Mối Thông Công Giữa Các Hội Thánh

16:21-27

21 Ti-mô-thê, kẻ cùng làm việc với tôi chào anh em, Lu-si-út, Gia-sôn và Sô-xi-ba-tê, là bà con tôi cũng vậy. 22 Tôi là Tẹt-tiu, người chép bức thơ nầy, chào thăm anh em trong Chúa. 23 Gai-út là người tiếp đãi tôi cùng tiếp đãi cả hội thánh, chào anh em. 24 Ê-rát, quan kho bạc thành phố, và Qua-rơ-tu, người anh em chúng ta, cũng chào anh em nữa. 25 Ngợi khen Đấng có quyền làm cho vững chí anh em theo Tin Lành của tôi và lời giảng Đức Chúa Giê-xu Christ, theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước, 26 mà bây giờ được bày ra, và theo lịnh Đức Chúa Trời hằng sống, bởi cách sách tiên tri, bày ra cho mọi dân đều biết, đặng đem họ đến sự vâng phục của đức tin, - 27 nhơn Đức Chúa Giê-xu Christ, nguyền xin vinh hiển về nơi Đức Chúa Trời khôn ngoan có một, đời đời vô cùng! A-men.

Rô-ma 16:21-24 là phần các Bạn của Phao-lô ở thành Cô-rinh-tô gởi lời thăm các tín hữu trong Hội Thánh tại La-mã. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem những người nầy là ai.

1. Ti-mô-thê. Người con tinh thần của sứ đồ Phao-lô, là người gần gũi, thân cận với Phao-lô nhất và cũng là người mà Phao-lô trông mong sẽ tiếp nối chức vụ của ông. Trong thư gởi cho Hội Thánh tại Phi-líp, Phao-lô viết về Ti-mô-thê như sau: “Thật vậy, tôi không có ai như người (Ti-mô-thê), đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em” (Phi-líp 2:20).

2. Lu-si-út. Đây có lẽ là Lu-si-út, người quê ở Sy-ren, được nhắc đến trong Công vụ 13:1. Ông là một trong các vị tiên tri và giáo sư dạy đạo tại thành An-ti-ốt, là những người đã cầu nguyện cho Phao-lô và Ba-na-ba khi hai người bắt đầu chức vụ truyền giáo.

3. Gia-sôn. Người đã cho sứ đồ Phao-lô ở lại trong nhà trong thời gian vị sứ đồ giảng dạy tại thành phố Tê-sa-lô-ni-ca. Vì cho Phao-lô ở trong nhà, ông Gia-sôn đã bị những người chống Phao-lô gây khó khăn, kéo đến tòa án để kiện và hành hung (Công vụ 17:5-8).

4. Sô-xi-ba-tê. Có lẽ là ông Sô-ba-tê, người thành Bê-rê, là người đã đem tiền cứu trợ đến thành Giê-ru-sa-lem cùng với Phao-lô (Công-vụ 20:4).

5. Tẹt-tiu. Người chép thư cho sứ đồ Phao-lô. Thường những người chép thư (viết theo lời đọc của tác giả) không để lộ tên tuổi nhưng làm việc âm thầm. Đây là lần duy nhất trong cả bộ Tân Ước, người chép thư để tên mình vào bức thư. Ngoài Tẹt-tiu, còn có nhiều người khác làm thư ký cho các vị sứ đồ.

6. Gai-út. Là một trong hai người được Phao-lô làm phép báp-têm tại thành phố Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 1:14). Ông là người rộng rãi và hiếu khách. Phao-lô cho biết không những Gai-út tiếp đãi ông nhưng cũng tiếp đãi cả Hội Thánh. Sứ đồ Giăng cũng khen Gai-út rất nhiều về tính rộng rãi và tử tế của ông với mọi người trong hội thánh (III Giăng 1-8).

7. Ê-rát. Một nhân viên cao cấp trong chính quyền tại thành Cô-rinh-tô. Ông là trưởng ty ngân khố và là một tín hữu trong Hội Thánh Cô-rinh-tô.

8. Qua-rơ-tu. Kinh Thánh không ghi thêm chi tiết nào về Qua-rơ-tu, có lẽ ông cũng là một tín hữu rường cột tại Hội Thánh Cô-rinh-tô và là người Phao-lô quen biết nhiều.

Nhìn lại những người được kể tên trong chương 16 của Thư Rô-ma, chúng ta thấy hai điều đặc biệt:

(1) Phao-lô rất giỏi về cách dùng chữ để mô tả đặc tính của từng người, ông chỉ nói một câu ngắn là đủ để cho người đọc biết người đó như thế nào.

(2) Mỗi người đều có những đặc điểm hay đặc tính gắn liền với mình mà người khác chỉ cần tiếp xúc một vài lần đã có thể nhận ra.

Chúng ta cũng có những đặc tính riêng biệt, có thể chúng ta không biết nhưng mỗi khi nghĩ đến chúng ta, người khác sẽ nghĩ ngay đến đặc tính đó. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ma-ri là người có nhiều công khó vì anh em; Bẹt-si-đơ, người đã làm việc nhiều cho Chúa; Gai-út là người tiếp đãi tôi cùng tiếp đãi cả hội thánh...” Nếu một ngày kia có người cũng viết về chúng ta thì họ sẽ viết như thế nào? Những điều họ viết có là gương sáng cho người khác noi theo không?

Sau những lời thăm hỏi, Phao-lô đã viết những dòng chữ cuối cùng để kết thúc lá thư. Ông kết thúc bằng một lời chúc phước và lời tóm tắt về Phúc Âm. Qua lời tóm tắt nầy, chúng ta thấy được những đặc điểm và ý nghĩa cao siêu của Phúc Âm. Những đặc điểm đó là:

1. Phúc Âm (Tin Lành) giúp con người đứng vững trong đức tin (c. 25). Trong 1:16 Phao-lô nói: “Phúc Âm là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” Bây giờ ông nói thêm: “Đó là quyền làm vững chí anh em.” Người tin Chúa nhận được sức mạnh từ nơi Chúa để được cứu và cũng chính sức mạnh đó giúp tín hữu đứng vững trước làn sóng tội lỗi của đời cũng như trước những khó khăn và sự đe dọa của người chung quanh.

2. Phúc Âm là của Chúa Cứu Thế Giê-xu (c. 25). Phúc Âm bắt nguồn từ Chúa Giê-xu và đã được truyền đến mọi người qua những người Chúa dùng. Nếu không có Chúa Giê-xu chúng ta không có Phúc Âm và nếu không có người đi truyền bá Phúc Âm thì cũng sẽ không ai biết đến để tiếp nhận Phúc Âm. Vì thế, bổn phận của chúng ta, những người đã được nghe Phúc Âm là phải dùng đủ mọi cách để truyền bá Phúc Âm khắp nơi, cho tất cả mọi người. Chúa đã hi sinh để ban cho chúng ta Tin Mừng Cứu Rỗi, bổn phận của chúng ta là đem Tin Mừng đó đến cho mọi người.

3. Phúc Âm được bày tỏ qua Thánh Kinh (c. 26). Các sách tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như các sách trong Tân Ước cho chúng ta thấy rõ Phúc Âm mà Chúa muốn truyền đạt cho con người. Vì thế chúng ta phải đọc Kinh Thánh và giúp người khác học biết về Kinh Thánh. Hơn nữa, vì Thánh Kinh trình bày Phúc Âm nên khi nói về Phúc Âm, chúng ta không thể không nói đến Thánh Kinh.

4. Phúc Âm dành cho tất cả mọi người (c. 26). Không phải vì người Do-thái không tiếp nhận Phúc Âm nên Chúa mới đem Phúc Âm đến cho các dân tộc khác. Ngay từ buổi sáng thế, Chúa đã hoạch định chương trình cứu rỗi cho cả nhân loại, vì thế Phúc Âm không phải chỉ cho người Do-thái nhưng là cho tất cả mọi người trên đất nầy.

5. Phúc Âm đưa con người đến chỗ vâng phục Đức Chúa Trời (c. 26). Không phải vâng phục vì bị bắt buộc hay vì sợ hình phạt, nhưng là sự vâng phục tự nguyện, phát xuất từ tấm lòng kính yêu Chúa và tin cậy Ngài hoàn toàn. Sự vâng phục nầy chỉ có khi chúng ta thật lòng yêu Chúa và để Ngài làm chủ đời sống.

Phúc Âm của Chúa Giê-xu là điều quan trọng nhất và quý giá nhất trong cuộc sống con người. Phúc Âm đem đến cho chúng ta sự cứu rỗi, đời sống có ý nghĩa và bình an trong tâm hồn.

 

 

 

 

 

SÁCH THAM KHẢO

 

Boice, James Montgomery, Romans, An Expositional Commentary (Grand Rapids, Michigan: Baker Books, 1995).

Bruce, F. F., The Letter of Paul to the Romans. Tyndale New Testament Commentaries (Leicester, England: Inter-Varsity Press, 1999).

Cranfield, C. E. B., A Critical and Exegetical Commentary on the Epistle to the Romans (Edinburgh: T & T Clark, 1987).

Harrison, Everett F., Romans. The Expositor’s Bible Commentary (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 1984).

Morris, Leon, The Epistle to the Romans. The Pillar New Testament Commentary (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, 1988).

Moo, Douglas J., The Epistle to the Romans, The New International Commentary on the New Testament (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans 1996).

_______________, Romans. New Bible Commentary 21st Century Edition (Downers Grove, Illinois: Inter-Varsity Press,  2003).

Schreiner, Thomas R., Romans, Baker Exegetical Commentary on the New Testament (Grand Rapids, Michigan: Baker, 1998)

Stott, John R. H., The Message of Romans, (Downers Grove, Illinois: Inter-Varsity Press, 1994).