Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 45

Ít Đức Tin (2)

Bài trước chúng ta đã định nghĩa rõ như thế nào là Ít Đức Tin, hay là Đức Tin Nhỏ. Xin nhắc lại: Đức Tin Nhỏ là loại đức tin để được cứu rỗi. Loại đức tin này ngừng lại tại đó, không phát triển thêm và cũng không tiến vào những kinh nghiệm hưởng trọn các lời hứa của Chúa trong Kinh-thánh.

Chúng ta đã nói đến Ít Đức Tin hay Đức Tin Nhỏ một cách tổng quát. Nay xin đi vào chi tiết và nhìn theo khía cạnh phân tích tỉ mỉ hơn. Chúng ta phải làm như vậy mới có thể áp dụng vào thực tế, vì đề tài này là để thực dụng chứ không phải chỉ để suy niệm mà thôi.

Không có gì tai hại hơn là coi Phúc Âm hay lời dạy của Chúa Giê-xu chỉ là những gì ta suy niệm khi ở nhà thờ hay là khi ta dành thì giờ nghiên cứu. Không, lời dạy của Chúa là để áp dụng vào cả cuộc đời ta.

Ít đức tin trước tiên có nghĩa là ta bị hoàn cảnh chế ngự thay vì ta làm chủ hoàn cảnh. Hình ảnh này quá rõ rệt, đó là những người bị đời sống chi phối. Những người ấy ngồi đó tuyệt vọng vì một đám mây mù lo lắng về lương thực, nước uống và áo quần cũng như nhiều thứ khác vây phủ lấy mình. Những điều lo lắng này đè nặng lên họ và họ trở thành nạn nhân. Đó là hình ảnh Chúa nêu lên, và chúng ta thấy cho đến ngày nay vẫn đúng. Khi nào có các biến cố xẩy ra, ta thường bị chúng làm cho khó chịu khổ sở. Nhưng hình ảnh của một người tin Chúa nêu trong Kinh Thánh là phải làm chủ hoàn cảnh. Người ấy còn phải "vui mừng trong thử thách" nữa chứ không phải chỉ đứng thẳng dậy với một thái độ chịu đựng can đảm mà thôi. Người ấy không chịu nhường chỗ hay than vãn; người ấy cũng không có thái độ gọi là cắn răng mà chịu. Không, người ấy phải vui ngay trong nghịch cảnh. Chỉ những ai có đức tin thật mới có thể nhìn đời theo kiểu này, và có thể lên đến mức sống cao như vậy. Nhưng theo lời dạy của Chúa, thái độ này người tin Chúa thực hiện được.

Tại sao người ít đức tin để cho những việc đời làm chủ và nhận mình chìm xuống? Trả lời cho câu hỏi này là: theo một phương diện, đức tin ít có nan đề là không suy nghĩ. Nói khác đi, ta phải có toàn bộ ý niệm về đức tin thật là chính xác. Đức tin theo Chúa Giê-xu dạy trong phần này chính là suy nghĩ, tư duy; và nan đề chính của người ít đức tin là không chịu suy nghĩ. Người ấy để cho hoàn cảnh hành hạ mình. Đó là thảm kịch của đời sống. Đời sống đến với chúng ta như một người cầm cái chày vồ và đập vào đầu chúng ta, đến nỗi chúng ta không còn khả năng suy nghĩ, chúng ta bất lực và bị thua bại. Cách để thắng hoàn cảnh, theo Chúa Giê-xu là suy nghĩ. Suy nghĩ đây cũng không phải là suy nghĩ thường, nhưng là dành nhiều thì giờ nghiên cứu lời dạy của Chúa với quan sát và rút ra những bài học.

Kinh-thánh rất là logic. Chúng ta đừng bao giờ coi đức tin như là một cái gì hoàn toàn huyền bí. Chúng ta không ngồi yên trên ghế chờ những chuyện lạ xảy ra cho mình. Đó không phải là đức tin trong Chúa. Đức tin chính yếu là tư duy. Hãy nhìn những con chim ngoài kia, hãy nghĩ về chúng và rút ra những kết luận về thân phận mình. Hãy nhìn hoa cỏ trên đồng nội, hãy chiêm nghiệm.

Nan đề của nhiều người là họ không suy nghĩ. Thay vì suy nghĩ, họ đặt câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi đây? Tôi phải làm gì đây? Đó là thiếu suy nghĩ; là đầu hàng, là thua. Chúa dạy chúng ta là phải suy nghĩ, và suy nghĩ theo kiểu Chúa dạy. Đó chính là tinh chất của đức tin. Đức tin có thể định nghĩa lại là: Nhấn mạnh vào suy nghĩ khi mọi việc dường như chỉ chực đánh ngã người ấy. Nan đề của người ít đức tin là thay vì kiểm soát tư tưởng, tư tưởng lại bị những thứ gì kiểm soát và người ấy cứ đi vòng vo mãi không ngừng. Đó chính là lo lắng ưu sầu. Mỗi đêm khi bạn nằm hàng mấy tiếng đồng hồ không ngủ được, tôi có thể biết rõ bạn sẽ làm gì, bạn đi vòng, đi vòng mãi trong những nỗi lo lắng không lối thoát của mình. Bạn cứ trở đi trở lại một số các chi tiết đau thương, khó chịu về một việc nào hay người nào đó. Đó không phải là suy nghĩ mà là thiếu suy nghĩ, hay không suy nghĩ. Tức là để cho một việc nào, một người nào chế ngự tâm trí của mình và bị dẫn đến một tình trạng khốn khổ, chán nản gọi là lo lắng.

Như vậy ít đức tin là không chịu suy nghĩ hay là để cho đời sống làm chủ tư tưởng của mình thay vì suy nghĩ về hoàn cảnh cho thật chính xác.

Ít đức tin còn có thể mô tả là không nhận lấy những lời dạy trong Kinh Thánh ở giá trị bề mặt và tin những lời ấy hoàn toàn. Người ít đức tin là người bỗng nhiên thấy mình gặp khó khăn và bị hoàn cảnh thử thách. Người ấy phải làm sao đây? Người ấy nên trở về với lời Kinh Thánh và tự nhủ rằng: "Ta phải nhận lời dạy của Chúa theo đúng nghĩa của nó." Tất cả con người tự nhiên bên trong chúng ta và ma quỷ bên ngoài chúng ta đều chỉ muốn ngăn cản chúng ta làm điều này. Chúng ta nghĩ rằng những lời dạy đó là dành cho các môn đệ của Chúa hai nghìn năm về trước, chứ không phải dạy chúng ta ngày nay, vì thời đại đã thay đổi nhiều. Nhưng đó là những tư tưởng sai lạc. Khi đọc Kinh Thánh, ta phải tâm niệm rằng: Mọi lời tôi đọc hôm nay là nói trực tiếp cho tôi; những gì Chúa nói cho người dòng Biệt-lập cũng là nói cho tôi; vì có những điều trong tôi tương đương với những lỗi lầm của người Biệt-lập đời xưa và xếp hạng tôi chung với hạng người đạo đức giả. Tất cả những lời hứa trong Kinh Thánh cũng là dành cho tôi. Chúa không thay đổi; hai nghìn năm qua, Chúa vẫn vậy và nguyên tắc của Chúa vẫn tuyệt đối và vĩnh hằng. Tôi phải cầm Kinh Thánh và tự nhắc mình như vậy. Tôi đọc và nhận trực tiếp cho chính mình, tôi không gạt bỏ. Ít đức tin là không chịu nhận ra lời dạy của Kinh Thánh cho riêng mình.

Chúng ta đi thêm bước nữa thực tế hơn. Ít đức tin thực sự nghĩa là không nhận ra phần áp dụng của việc được cứu rỗi, và lập trường do từ cứu rỗi đưa đến. Đó chính là điều Chúa biện luận ở đây. Một nửa số khó khăn của chúng ta trong đời là do sự việc chúng ta không nhận ra rõ những áp dụng của giáo lý cứu rỗi mà mình tin. Lý luận này được đề cập đến trong mỗi lá thư trong Kinh Tân Ước.

Trước tiên là phần tuyên ngôn về giáo lý, mục đích nhắc ta nhớ rõ mình là ai, và khi tin Chúa, mình là người nào. Sau đó là phần thực hành, thường là rút ra từ phần đầu. Nghĩa là nêu lên một nguyên tắc rồi nói, do đó... đây chính là cách Chúa áp dụng trong phân đoạn Kinh Thánh này. Chúng ta lo lắng về thức ăn và áo quần. Nan đề chính là chúng ta không nhận ra rằng mình là con cái của Cha trên trời. Nếu nhận thức như vậy chúng ta sẽ không bao giờ lo lắng nữa. Nếu chúng ta chỉ có một ý niệm mờ nhạt nào đó về mục đích của Chúa cho cuộc đời mỗi chúng ta, thì lo lắng không thể nào xảy ra được nữa.

Như trường hợp Phao-lô cầu nguyện cho Hội Thánh Ê-phê-sô. Ông bảo họ rằng ông cầu nguyện cho mắt tri thức của họ mở ra, để họ có thể biết hi vọng của người Chúa đã lựa chọn và cơ nghiệp vinh quang phong phú Ngài dành cho con cái Ngài. Cầu xin Đức Chúa Trời cho anh em được biết quyền năng vô cùng lón lao của Ngài đang tác động trong chúng ta, là người tin nhận Ngài. Như thế ta thấy việc biết và hiểu rõ quan trọng như thế nào. Thư tín của Phao-lô thường đặt nặng vấn đề này.

Nan đề của người tin Chúa là không nhận thức mình là con cái của Chúa, và không thấy các mục đích của Chúa dành cho cuộc đời mình. Ta đã thấy Chúa so sánh ta khác với hoa cỏ. Hoa cỏ nay còn ngoài đồng, nhưng ngày mai đã làm chất để đốt. Còn con cái Chúa đã được định cho vinh quang. Tất cả những mục đích và lời hứa đều dành cho chúng ta và đã được định cho chúng ta, và việc ta cần làm là chỉ nhận thức và sống đúng trong tư cách con của Chúa là đủ. Chừng nào ta bừng tỉnh, nhận ra mình là con của Chúa thì lo lắng của đời ta sẽ tan biến ngay.

Phao-lô lý luận như thế này: Trước là người tội lỗi, ta còn nhờ máu Chúa mà được tha thứ, nay ta sạch tội rồi, hẳn Ngài sẽ cứu ta khỏi hình phạt khủng khiếp Đức Chúa Trời dành cho thế gian. Đức Chúa Trời đã không tiếc chính Con Ngài, nhưn hi sinh con để cứu chúng ta, hẳn Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta mọi sự luôn với Con Ngài. Ai dám kiện cáo chúng ta là người Đức Chúa Trời lựa chọn? Vì Đức Chúa Trời đã tha tội chúng ta. Ai dám kết án chúng ta? Vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết, sống lại và hiện nay ngồi bên phải Đức Chúa Trời, đang cầu thay cho chúng ta." Chúng ta có thể gặp các nan đề, khó khăn, buồn bực, nhưng "Trong mọi sự đó, chúng ta sẽ nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần." Như thế điều căn bản nhất là nhận thức mình là con của Cha trên trời.

Ta có thể nói cách khác. Chúng ta phải nhận Chúa là Cha trên trời của mình. Đây cũng là một điều mà người tin Chúa chậm nhận ra. Chúng ta tin Chúa, nhưng vẫn khó nhận ra Chúa là ai, mặc dầu mở miệng vẫn nói lạy Cha. Chúa Giê-xu từng nói: Cha ta và Cha các ngươi. Đức Chúa Trời đã thành Cha của chúng ta nhờ Chúa Giê-xu. Chúng ta cần phải học biết gì về Cha trên trời? Sau đây là một vài điểm quan trọng:

Trước tiên, ta phải nghĩ đến các mục đích không thay đổi của Chúa dành cho con cái Ngài. Con cái của Chúa đã có tên ghi trong sách Sự Sống của Chiên Con từ trước khi sáng lập thế gian. Chúng ta đã được chọn từ trước khi lập nền thế gian. Mục đích của Chúa dành cho chúng ta không biến chuyển và thay đổi, tức là đưa chúng ta vào cõi vĩnh hằng phúc hạnh. Điều này được nhắc lại nhiều lần trong Kinh-thánh theo cách nói khác nhau, như : "Những người được chọn theo sự biết trước của Chúa."; "được biệt riêng ra cho Chúa Cứu Thế."; "được thánh hóa, và được Thánh Linh biệt riêng ra." v.v. Khi người tin Chúa tin những điều như vậy, họ có thể đối diện với cuộc đời trần gian này một cách hoàn toàn khác. Đây chính là bí quyết của vô số đời sống người tin Chúa mà người đời không sao hiểu được.

Thứ hai là hãy nghĩ đến tình thương của Chúa. Thảm kịch của đời sống là chúng ta chưa biết đủ về tình yêu của Chúa. Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu tại Ê-phê-sô biết được tình yêu của Chúa. Nếu mỗi chúng ta biết rõ tình thương của Chúa và an nghỉ trong tình yêu đó, toàn thể cuộc đời chúng ta sẽ biến đổi. Tình thương đó có thể thấy dễ dàng khi ta nhìn qua việc Ngài đã sai Chúa Giê-xu vào trần gian cứu chúng ta.

Thứ ba là ta phải nghĩ đến quan tâm của Chúa đối với chúng ta. Đây là lý luận của Chúa Giê-xu: Nếu Chúa quan tâm về loài chim nhỏ bé vô giá trị kia, thì Ngài quan tâm đến chúng ta nhiều hơn đến mực nào? Một chỗ khác trong Phúc âm ghi: Chúa Giê-xu nói: "Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi." Thế mà chúng ta vẫn lo đủ thứ. Nếu nhận thức rằng Chúa quan tâm đến ta rất nhiều, Ngài biết mọi sự việc của đời ta, cả đến những chi tiết nhỏ nhất trong ta, chắc ta sẽ sống vui hơn và an bình hơn.

Thứ tư là nghĩ đến quyền năng của Chúa. Cha trên trời là ai? Chính là Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật này. Ngài cũng là Đấng duy trì mọi vật. Chúa chế ngự kiểm soát tất cả. Khả năng của Chúa không giới hạn. Khi ta suy niệm những điều này, ta nhớ đến lời Thi Thiên nói rằng: "Hãy yên lặng và nhận biết rằng ta là Chân Thần." Chữ yên lặng ở đây có nghĩa là: Hãy từ bỏ tất cả những ý nghĩ sai lầm và nhận thức rằng ta là Đức Chúa Trời. Đây là lời Chúa cho ta ngày nay. Ta hãy dẹp bỏ những tiếng ồn ào gây rối loạn trong lòng mình, và hãy để Chúa vĩ đại làm chủ, an bình sẽ đến với ta. Ta cũng nên nhớ rằng quyền năng của Chúa hoạt động, thi thố vì chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng: Quyền năng vô cùng lớn lao của Chúa đang tác động trong chúng ta là người tin Chúa. Do quyền năng phi thường ấy... (Ê-phê-sô 1:19) Ngài có thể thực hiện mọi điều vượt quá mức chúng ta cầu xin và mong ước. (Ê-phê-sô 1:20). Đọc những câu này ta có thấy lo lắng là vô lý không? Lo lắng chỉ có nghĩa là ta không chịu suy nghĩ, không chịu đọc Kinh Thánh, hay có đọc cũng chỉ cho có lệ, hoặc là có thành kiến nào đó, chỉ hiểu theo nghĩa bóng chứ không thấy lời Chúa là xác thực.

Như vậy, ít đức tin chính là do việc không áp dụng những gì mình biết và chủ trương tin nhận vào các hoàn cảnh và chi tiết của đời sống. Câu chuyện Chúa ngủ trên thuyền trong cơn bão ngày xưa nhắc ta về việc áp dụng này. Các môn đệ lại đánh thức Chúa, bảo rằng: "Thầy không lo chúng ta chết sao?" Chúa Giê-xu trả lời làm họ ngạc nhiên: "Đức tin các ngươi đâu?" Chúa dường như bảo: Các ngươi thường có đức tin, nhưng sao không áp dụng vào thực tế, đức tin đâu? Như thế nói là mình có đức tin không có nghĩa gì cả, phải áp dụng đức tin, phải thấy đức tin hiển hiện trong bất cứ lúc nào. Chỉ có những người yếu đuối mới ngừng lại ở chỗ đức tin được cứu rỗi và khi gặp khó khăn, bối rối lo lắng.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta sống với đức tin, tiến bước trong hiểu biết về Chúa, vì như vậy cuộc đời mới thật sự an nghỉ trong Chúa.