Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 46

Tăng Cường Đức Tin (1)

Ma-thi-ơ 6:31-33

"Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.".

Trong các câu này Chúa đưa ra phương pháp tích cực đối với tình trạng ít đức tin. Ta đã tìm hiểu ý nghĩa 'ít đức tin' là gì, nhưng như thế chưa đủ, vì mục đích của Chúa là ta phải có đức tin lớn hơn. Chúa bắt đầu lời dạy của Chúa với: "Vì vậy...", hay "Ấy vậy..." Nghĩa là với những căn bản này, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?' Đây là phần nhắc lại lời giáo huấn căn bản.

Phần nhắc lại này Chúa dường như bảo rằng, không nên lo lắng mà cũng đừng nên có thói quên nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Không nên lo nghĩ mà cũng không nên nói ra. Rồi Chúa đưa ra lý luận mới: "Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn thường tìm; vì Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi."

Trong bài này chúng ta sẽ nghiên cứu ba điểm chính, ba nguyên tắc mà nếu ta nắm vững, và hiểu rõ, ta sẽ đi đến chỗ có đức tin lớn hơn.

Lý luận chính của Chúa ở đây là: Chúng ta là người tin Chúa Giê-xu vì vậy chúng ta phải khác dân ngoại tức là những người không tin Chúa Giê-xu. Nếu ta muốn tăng cường đức tin thì điều đầu tiên ta phải nhận ra rằng lo lắng về ăn uống, về áo quần và về cuộc sống này, là sống y hệt như những người không tin Chúa.

Chúa định nói gì trong một phát biểu như thế? Chữ dân ngoại hàm ý những người không tin Chúa. Dân tộc Do-thái là dân tộc Chúa chọn lựa. Họ là những người có được lời truyền của Chúa và biết Chúa. Những người khác trên đời được gọi là dân ngoại. Như vậy chúng ta phải phân tích xem Chúa lý luận như thế nào?

Dân ngoại là những người không có mạc khải từ Chúa vì vậy không biết Chúa. Đây là điểm mà Kinh Thánh Cựu Ước nhấn mạnh nhiều, và phân biệt rõ dân Chúa với dân ngoại. Phao-lô lý luận về điểm này trong thư Rô-ma 3:2 rằng: "Lời phán của Chúa đã truyền cho họ." Chúa đã mạc khải đặc biệt chính Ngài cho dân tộc Do-thái, không những chỉ qua việc gọi Áp-ra-ham và các cá nhân khác, nhưng chủ yếu là qua việc ban luật pháp và những lời dạy truyền của các tiên tri. Dân ngoại hoàn toàn không biết gì về những điều đó; họ cũng không được mạc khải đặc biệt như vậy, và cũng không biết Chúa. Dân ngoại không có Kinh Thánh Cựu Ước và vì thế, không có cách nào để biết Chúa cả. Đó là những điểm chính về dân ngoại, họ không biết một tí gì về Chúa cả, họ sống trong thế gian này không có Chúa.

Chúng ta có thể đi xa hơn nữa mà nói rằng, dân ngoại không biết gì về mạc khải về Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu và cũng không biết gì về kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Họ hoàn toàn không biết quan điểm về sự sống theo như Kinh-thánh dạy. Họ không biết rằng "Đức Chúa Trời thương yêu nhân loại đến nỗi đã ban cho Con duy nhất của Ngài, để ai tin nhận Con đó sẽ không bị hư vong, mà được sự sống vĩnh hằng." Dân ngoại không biết gì về "những lời hứa rất quý rất lớn" hay là về những lời thề ước mà Chúa đã ban cho con dân Chúa trong trần gian này. Dân ngoại không biết và chưa bao giờ nhận được những điều ấy cả. Họ sống trong cõi tăm tối thật sự về sự sống trong thế gian và làm thế nào để sinh tồn, cũng như số phận đời đời của họ. Tầm nhìn của họ về cuộc đời hoàn toàn bị đóng khung trong tư tưởng của họ, họ thiếu hẳn thứ ánh sáng từ trên cao ban xuống.

Thường người đời có hai quan điểm chính. Một số người tin rằng mọi việc trong đời là do ngẫu nhiên tất cả. Quan điểm này có khi gọi là "Lý thuyết về sự Ngẫu Nhiên", dạy rằng mọi sự việc xảy ra đều không có nhịp độ hay lý do nào cả, và ta không thể nào biết điều gì sẽ xãy ra kế tiếp. Đó là chủ trương của những người như Tiến Sĩ Julian Huxley, cho rằng cái gì cũng là ngẫu nhiên và bất ngờ xảy ra cả. Những người như thế cho rằng cuộc đời không có một mục đích nào cả. Không có khuôn mẫu, thứ tự hay một sự sắp xếp nào; tất cả đều là tình cờ. Quan điểm này rất xưa nhưng vẫn còn được người thời nay tin nhận. Có thể nói nửa nhân loại có quan điểm này và quan điểm ấy ảnh hưởng đến toàn bộ thái độ của họ đối với bất cứ điều gì xảy ra.

Quan điểm thứ hai gọi là "Định Mệnh", hoàn toàn ngược lại với quan điểm ngẫu nhiên. Quan điểm này dạy rằng, cái gì phải xảy ra thì xảy ra. Dù ta có nói hay làm gì chăng nữa, việc vẫn xảy ra. Vì vậy tranh đấu hay cố gắng là ngu dại. Ta cứ sống và tin rằng sự việc sẽ không đến nỗi tai hại lắm đối với mình đâu, rồi ra ta sẽ có một cuộc đời dễ chịu thoải mái trong trần gian này. Định mệnh thuyết dạy rằng, ta không thể hành động gì cả về đời sống, vì có những thế lực và những yếu tố kiểm soát ta không có cách nào thoát ra được, và giữ chặt ta trong vòng tay của một thuyết định mệnh. Như vậy không có mục đích nào trong tư duy hay lo lắng. Nhưng định mệnh thuyết cũng dẫn đến lo lắng như thường, vì những người như thế luôn lkuôn lo không biết có gì sẽ xảy ra.

Như vậy Ngẫu Nhiên và Định Mệnh là hai quan điểm chính của dân ngoại, hay những người không tin Chúa. Ta cần nắm vững hai quan điểm đó vì đôi khi người tin Chúa cũng vô tình rơi vào một trong hai quan điểm này mà không hay. Người tin Chúa ngược lại, tin lời dạy của Kinh Thánh, nhất là qua bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu, về một giáo lý gọi là 'chắc chắn'. Giáo lý này dạy rằng: Đời sống không chế ngự bằng nhu cầu mù lòa, nhưng một số sự việc rất chắc chắn vì chúng ta sống trong tay của Đức Chúa Trời vĩnh hằng. Như thế, nếu bạn tin Chúa, bạn sẽ đặt giáo lý chắc chắn lên trên quan điểm ngẫu nhiên và định mệnh. Có những khác biệt rất quan trọng giữa các quan điểm này -- quan điểm của người tin Chúa và quan điểm của người ngoài Chúa. Chúa Giê-xu nói rằng, nếu ta sống một cuộc đời đầy bất an và lo âu, tâm linh ta thực sự đã chết và đang theo quan điểm sống của người ngoài Chúa, hay dân ngoại.

Quan điểm căn bản của ta như thế nào về cuộc đời trên trần gian này, sẽ định ra cách ta sống và chế ngự toàn bộ thái độ sống của ta. Người ta bảo rằng: 'Nghĩ sao sống vậy'. Ta có thể quan sát lối sống và cách một người phản ứng đối với các sự việc xảy ra chung quanh mà biết được triết lý sống của người ấy. Chính vì vậy mà trong những cơn khủng hoảng, người ta mới nhận rõ bản lĩnh của mỗi người.

Khi một người đã có quan điểm về đời sống trần gian này như người ngoài Chúa, thì người ấy cũng sẽ có quan điểm khác về đời sau. Quan điểm của người ngoài Chúa về đời sau là một biên cương đầy bóng tối. Quan điểm này phản ánh qua tất cả các chuyện thần thoại của các dân tộc. Cái gì cũng không chắc chắn cả. Nếu có quan điểm về đời sau như vậy, thì đời này là tất cả đối với người ấy, và sẽ tận dụng cuộc đời này vì đó là cuộc đời duy nhất mà người ấy biết. Hơn nữa, người ấy hoặc là sẽ cố gắng tiên đoán chuyện ngẫu nhiên xẩy ra hay là cố làm cho quan điểm về định mệnh lánh xa mình.

Người ấy sẽ nói: ta phải tận dụng đời sống vì ta có biết chuyện gì sẽ xẩy ra đâu. Vì vậy triết lý sống của người ấy sẽ là 'Hãy ăn uống, và hưởng thụ khoái lạc.' Đó chính là lối sống phổ thông ngày nay chung quanh ta. Chúa Giê-xu tóm tắt là: Đó là điều dân ngoại vẫn thường tìm. Chữ 'tìm' ở đây rất đáng suy nghĩ. Đây là hành động cố gắng, tích cực, tiếp tục, và thực sự sống như thế.

Nhưng cũng qua tất cả những điều này, ta đến một câu hỏi: Chúng ta có sống như vậy hay không? Chúa dạy, nếu tất cả những điều đó là ưu tiên trong đời sống ta và nếu chúng chế ngự cuộc đời và tư duy của chúng ta, thì chúng ta có hơn gì những người chưa tin Chúa hay không biết Chúa. Chúng ta cũng đời như tâm trí của người đời. Nhiều người ngày nay sống rất là đời. Nếu nói về sự cứu rỗi thì người ấy trả lời rất chính xác, nhưng nếu ta nghe người ấy nói về đời sống trên đất này, ta sẽ nhận ra là người ấy đang có triết lý của người ngoài Chúa. Vì người ấy lo lắng về ăn uống, luôn luôn nói về tiền của, địa vị và những gì mình sở hữu. Những thứ này thực sự đã chế ngự người ấy. Đó là theo như dân ngoại, vì người tin Chúa không bị những thứ này khống chế. Người tin Chúa thực sự không vui hay không buồn vì những thứ này, vì đó chỉ là điều kiện sống.

Đây là một phương cách rất tốt để gia tăng đức tin của chúng ta và giới thiệu chúng ta đến quan niệm của Kinh-thánh về cuộc đời đức tin. Dân Chúa, con cái của Chúa là phải sống cuộc đời đức tin; họ phải sống trong ánh sáng của đức tin mà họ tuyên xưng. Câu hỏi đặt ra là: Tôi là người tin Chúa, có đối diện với các việc xảy ra cho tôi trong thế gian này như người không tin Chúa hay không? Khi những việc ấy xảy ra cho tôi, khi những khó khăn liên quan đến cơm áo hay các quan hệ trong đời, tôi đối xử như thế nào? Tôi có phản ứng ra sao? Phản ứng của tôi sẽ giống y như người không tin Chúa chăng? Trong một cuộc chiến tranh chẳng hạn, tôi có phản ứng ra sao? Còn đau ốm, bệnh tật, mất mát thì sao?