Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 47

Tăng Cường Đức Tin (2)

Trong bài trước, chúng ta đã có dịp bàn đến quan điểm về cuộc đời của những người không tin Chúa. Xin tóm tắt lại: Người đời nói chung thường có hai quan điểm chính về cuộc đời, quan điểm thứ nhất gọi là Ngẫu Nhiên, cho rằng tất cả đều do ngẫu nhiên, tình cờ mà ra cả; quan điểm thứ hai gọi là Định Mệnh, cho rằng cái gì phải xảy ra thì xảy ra, dù ta có làm gì đi nữa cũng vẫn xảy ra.

Người tin Chúa nhiều khi cũng vô tình theo các quan điểm của người đời mà không hay. Câu hỏi đặt ra là: tôi là người tin Chúa, có đối diện với các việc xảy ra cho tôi trong thế gian này như người không tin Chúa hay không? Khi những việc ấy xẩy ra cho tôi, khi những khó khăn liên quan đến cơm áo hay các quan hệ khác trong đời, tôi đối xử như thế nào? Tôi có phản ứng ra sao? Phản ứng của tôi có như người không tin Chúa chăng? Trong một cuộc chiến tranh chẳng hạn, tôi có phản ứng ra sao? Còn đau ốm, bệnh tật, mất mát thì sao? Ta có thể đi xa hơn nữa mà hỏi rằng: đức tin của tôi có ảnh hưởng nào đối với quan điểm về đời sống của tôi và giúp tôi như thế nào trong việc làm chủ hoàn cảnh? Tôi tuyên xưng là tín đồ của Chúa và có đức tin, câu hỏi là, đức tin đó có ảnh hửng vào từng chi tiết của đời tôi không? Đức tin ấy có luôn luôn quyết định phản ứng của tôi và đáp ứng tôi có đối với những việc đặc biệt nào đó hay không? Hay ta có thể nói như thế này. Đối với chính tôi và mọi người lối sống của tôi, quan điểm chung về đời sống và về một số vấn đề có rõ rệt là khác hẳn với người không tin Chúa hay không? Chắc chắn là phải khác.

Bài Giảng trên núi khởi đầu với các phúc lành, các lời dạy ấy mô tả những con người hoàn toàn khác với mọi người, khác như tối với sáng, như muối bỏ vào môi trường. Nếu chúng ta có căn bản khác người đời như vậy, chúng ta cũng phải khác trong quan điểm và trong phản ứng đối với mọi sự việc trong đời.

Khi một việc nào xảy ra làm ta bối rối khó chịu hay tức giận, ta có ngừng lại tự hỏi rằng: "Phản ứng của tôi như thế trên căn bản có khác gì nếu tôi là người không tin Chúa hay không?" không? Ta nên nhớ lời Chúa dạy ở cuối chương 5, rằng: "Nếu các ngươi chào anh em mình mà thôi, thì có hơn gì người khác đâu?" Đó chính là căn bản của vấn đề. Người tin Chúa là người làm điều gì hơn kẻ không tin Chúa. Người ấy phải là người hoàn toàn khác.. Nếu trong mọi chi tiết của cuộc đời người ấy, đức tin trong Chúa không được áp dụng gì cả, thì người ấy là tín đồ kém cỏi, hay là "người ít đức tin".

Ta có thể đặt một câu hỏi cuối cùng nữa là: Tôi có luôn luôn đặt mọi việc trong đời tôi và mọi việc xảy ra cho tôi trong phạm vi đức tin của tôi và nhìn việc xảy ra trong ánh sáng của đức tin đó hay không? Người không tin Chúa không thể làm như vậy, vì họ không có đức tin nơi Chúa. Người ấy không tin Chúa, hay là không biết gì về Chúa cả; người ấy không có được mạc khải về Đức Chúa Trời là Cha và mình là đứa con của Đức Chúa Trời. Người ấy không biết gì về các mục đích tốt đẹp của Đức Chúa Trời, người ấy chỉ biết có mình và phản ứng tự động theo bản năng đối với những gì xảy ra. Nhưng điều thực sự chứng tỏ ta là người tin Chúa Giê-xu là khi sự việc xảy ra cho chúng ta, chúng ta đem ngay chúng vào phạm vi của toàn bộ đức tin và nhìn vấn đề qua đức tin đó.

Khi gặp biến cố trên biển, Chúa Giê-xu hỏi các môn đệ: Đức tin các ngươi đâu? Nghĩa là, có đức tin tại sao không đem ra áp dụng? Khi nào gặp một việc gì làm khó chịu, người ngoài Chúa trong bản năng tự nhiên sẽ nổi nóng, tức giận lên hay bị tổn thương và chán chường. Nhưng người tin Chúa nói: Không, ta sẽ đem sự việc này đặt dưới phạm vi của mọi điều ta biết và tin về Chúa và mối quan hệ của ta với Ngài. Người ấy nhìn lại vấn đề kỹ hơn, và sẽ hiểu lời của tác giả thư Hê-bơ-rơ khi bảo rằng: 'Kẻ Chúa yêu thì Ngài cho roi cho vọt.' Vì người tin Chúa biết rằng theo một nghĩa, người ấy có thể thích việc đang xảy ra vì đặt việc ấy vào phạm vi của đức tin mà xét. Chỉ người tin Chúa mới làm như vậy được, người đời không có khả năng làm như thế đâu.

Như thế ta đặt câu hỏi tổng quát là: Có gì rõ rệt đối với tôi và mọi người là tôi không phải là người vô tín chăng? Thái độ và phản ứng của tôi trong đời sống như thế có chứng tỏ tôi là người tin Chúa không? Tôi có chứng minh giản dị và rõ ràng rằng tôi thuộc về một lĩnh vực cao hơn và tôi nâng tất cả mọi sự việc liên quan đến tôi lên lĩnh vực đó hay không? Chúa Giê-xu nói: "Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn thường tìm." Nhưng các ngươi không phải là dân ngoại. Hãy xác định cho rõ các ngươi là ai và sống cho đúng với tư cách của mình.

Lời Chúa cũng nói với chúng ta ngày nay. Hãy sống cho đúng tiêu chuẩn đức tin của mình; hãy xứng đang đối với sự kêu gọi cao cả trong Chúa Giê-xu. Chúng ta cần để ý môi miệng mình, ngôn ngữ mình. Ta phải giữ kỷ luật và chế ngự tất cả vì ta đặt tất cả trong phạm vi của Chúa và của cõi vĩnh hằng.

Lý luận thứ hai thực sự là một điều nhắc lại những gì Chúa chúng ta đã từng nói và nhắc nhở nhiều lần. Chúa nói: 'Vì Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.' Chúa đã lý luận về chim trời và hoa cỏ ngoài đồng, nhưng Chúa biết rõ chúng ta lắm, chúng ta có tính hay quên, nên Chúa nhắc lại: "Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi." Nguyên tắc thứ hai nhờ đó ta có thể tăng cường đức tin là, Người tin Chúa phải có lòng tin tích cực và chặt chẽ vào Chúa là Cha trên trời. Chúng ta nên nhớ rằng, không có gì xảy ra cho chúng ta mà Chúa không biết, hay là xa khỏi tầm của Chúa. Chúa biết tất cả mọi sự việc của đời ta. Vì sợi tóc trên đầu chúng ta Chúa cũng đã đếm, nên không thể có hoàn cảnh nào, sự việc nào thuộc về ta mà Chúa không hay biết được. Có thể nói, Chúa biết rõ mọi việc hơn ta. "Vì Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi." Đây là một câu thật quý trong toàn bộ Kinh-thánh. Bạn sẽ không bao giờ ở nơi nào mà Chúa không thấy bạn. Không có gì sâu kín trong tâm hồn bạn, trong tận con người của bạn mà Chúa không biết. Tác giả thư Hê-bơ-rơ đã diễn tả cái biết của Chúa như sau: "Tất cả đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải trình thưa lại."(Hê-bơ-rơ 4:13). Chúa là Đấng phân tích tư tưởng và ý định trong lòng. Chúng ta nên nhớ rằng không những chúng ta chỉ phải sống trong niềm kính sợ Chúa, nhưng chúng ta còn sống trong sự an nghỉ và hiểu biết về Chúa nữa. Chúa không những chỉ thấy những gì xẩy ra cho bạn khi bạn ngã bệnh, Chúa không những chỉ biết khi bạn đau khổ vì tang tóc và sầu muộn, Chúa biết rõ mỗi cơn đau của tâm hồn bạn, Chúa biết tất cả. Vì không có gì ở ngoài tầm hiểu biết của Chúa. Chúa biết rõ về chúng ta trong mọi khía cạnh của cuộc đời vì thế Chúa biết mọi nhu cầu nữa. Từ đó, Chúa Giê-xu đưa đến kết luận này: Các ngươi không bao giờ nên lo lắng âu sầu. Chúa ở với các ngươi trong cảnh huống đó, các ngươi không cô đơn đâu, vì Chúa là Cha của các ngươi. Người ở trần gian cũng lo lắng cho con cái. Người ấy ở với con, che chở bảo vệ và làm đủ việc có thể làm cho con. Đem nhân việc làm của người cha trần gian với vô tận, ta sẽ có những gì Chúa đang làm cho mỗi chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào.

Nắm vững lời dạy này, thì chắc chắn những nỗi lo lắng, căng thẳng, sầu muộn phải bị bỏ đi vĩnh viễn. Đừng bao giờ có phút giây nào nghĩ rằng mình bị bỏ lại một mình. Bạn không bao giờ cô đơn đâu. Chúa từng hứa với chúng ta rằng: "Ta chẳng lìa ngươi, cũng không bỏ ngươi đâu." Nhưng trên tất cả hãy nhớ rằng, Chúa biết tất cả về ta, về mọi hoàn cảnh, mọi nhu cầu, mọi vết thương; vì thế ta có thể an nghỉ và tin tưởng nơi Chúa hoàn toàn.

Điểm này đưa chúng ta đến lý luận thứ ba, đó là chúng ta phải tập trung vào việc kiện toàn mối tương giao của chúng ta với Chúa với đúng nghĩa Chúa là Cha trên trời của mình. Chúng ta phải tập trung tư tưởng vào việc hiểu biết Chúa là Cha trên trời, vì Chúa Giê-xu dạy: "Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa." Chúa dường như bảo rằng: Các ngươi đừng bận tâm về các vấn đề cơm áo, nếu các ngươi có lo, thì nên lo về mối tương giao giữa các ngươi và Cha trên trời. Đó chính là điều nên quan tâm hơn cả, là điều nên tìm kiếm hơn cả.

Một lần nữa Chúa dùng từ 'tìm kiếm'. Từ này có nghĩa là hết lòng, tích cực, sống về vấn đề đó. Chúa Giê-xu còn nói là 'trước hết'. Trước hết hãy tìm kiếm...Trước hết đây nghĩa là, tổng quát, trên nguyên tắc, trên tất cả, ưu tiên nhất. Chúa Giê-xu lại nhắc đến câu Ngài đã nói, Chúa như bảo rằng: Các ngươi quan tâm về những sự việc này và đặt chúng lên hàng ưu tiên. Không nên làm như vậy. Điều các ngươi nên đặt ưu tiên là nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài. Đây là điều Chúa đã dạy trong bài cầu nguyện mẫu. Ta cần nhiều thứ trong đời, nhưng khi đến với Chúa, không nói ngay: "Xin cho chúng con hôm nay lương thực đầy đủ," mà phải nói: "Lạy Cha chúng con ở trên trời. Danh Cha được tôn thánh. Nước Cha mau đến. Ý Cha được nên ở đất như trời." Rồi mới xin "Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ dùng." "Nhưng trước hết - không phải tìm kiếm cơm áo mà là - phải tìm kiếm nước ĐCT và sự công chính của Ngài." Nói khác đi, ta phải đưa chính mình vào vị trí đó trong tâm trí, hồn linh và ước muốn. Điều này phải là ưu tiên tuyệt đối.

Chúa có ý nói gì khi Ngài bảo: "Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời"? Chúa không bảo người nghe Chúa cách để trở thành môn đệ của Chúa, nhưng Chúa bảo họ cách sử sự cho ra người tin Chúa. Họ là những người đang ở trong nước Chúa, và vì họ đã ở trong rồi, họ phải tìm cho biết rõ hơn, nhiều hơn nữa. Họ cần làm như Phi-e-rơ dạy là: Hãy chắc chắn về sự kêu gọi và được lựa chọn của mình. Trong thực tế, có thể nói: vì là con của Cha trên trời, các ngươi cần tìm kiếm cho biết Cha rõ hơn nữa. Tác giả thư Hê-bơ-rơ diễn tả thật rõ ý nghĩa này: "Vì kẻ nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài." (Hê-bơ-rơ 11:6). Trong nguyên văn câu này còn có thêm chữ chuyên lòng tìm kiếm Ngài. Phải chuyên lòng tìm Chúa. Nhiều người tin Chúa nhưng mất đi bao nhiêu phúc hạnh vì không để tâm trí và thì giờ chuyên tâm tìm kiếm Chúa. Cầu nguyện mỗi ngày và chuyên lòng tìm kiếm Chúa cho biết Chúa thật rõ và yêu Chúa thiết tha hơn là việc khác nhau.

Hơn nữa, "hết lòng tìm kiếm nước ĐCT" còn có nghĩa là chúng ta phải nghĩ nhiều về nước Chúa và mối tương giao với Chúa, nhất là về tương lai vĩnh cửu của mình. Phao-lô đã triển khai ý này trong 2 Cô-rinh-tô 4:17,18 như sau: "Vì nỗi khổ đau nhẹ nhàng, tạm thời sẽ đem lại cho chúng ta vinh quang rực rỡ muôn đời. Chúng ta chẳng tìm tòi những điều thấy được, nhưng chú tâm vào những điều không thấy được; vì điều thấy được chỉ là tạm thời, còn điều không thấy được là trường tồn bất diệt."

Nhưng trong câu này Chúa nói: "Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước ĐCT và sự công chính của Ngài..." Tại sao lại có sự công chính ở đây nữa? Công chính đây là đời sống thánh thiện. Ta không những chỉ tìm kiếm nước Chúa trong nghĩa là đặt hết lòng quý mến của mình vào những việc trên trời, ta còn phải tích cực tìm sự thánh thiện nữa. Chúa đã dạy: "Phước cho những kẻ đói khát sự công chính vì sẽ được no đủ." Người tin Chúa phải tìm đến công chính, tìm đến chỗ giống như Chúa. Tích cực tìm thánh khiết và càng ngày càng tăng trưởng trong ân sủng và trong sự thông biết Chúa. Đó là cách tăng cường đức tin của mình.

Nghĩa là, ta càng trở nên thánh thiện bao nhiêu, ta càng gần Chúa bấy nhiêu. Ta càng gần Chúa bao nhiêu đức tin ta càng lớn hơn bấy nhiêu. Đây chính là kinh nghiệm với Chúa. Khi nào một biến cố xảy ra, ta chạy đến với Chúa cầu nguyện, mới nhận thấy rằng những ngày qua, tuần qua, tháng qua, có khi cả năm qua, mình đã hờ hững với Chúa không chuyên tâm tìm kiếm mặt Chúa. Có lẽ cầu nguyện máy móc chiếu lệ thì có, nhưng bây giờ phải hết lòng, phải chuyên tâm mới được. Ta cảm thấy mình có lỗi và thiếu lòng tin nơi Chúa. Quy luật tâm linh là: Ta càng sống gần Chúa bao nhiêu ta càng ít quan tâm đến những sự việc thuộc trần gian này và lòng tin ta càng chắc chắn nơi Chúa hơn.

Như thế, nếu cần phải lo lắng một điều gì quan trọng và ưu tiên hơn cả, thì điều đó phải là tình trạng tâm linh của mình, việc gần Chúa và tương giao với Chúa của mình. Nếu bạn quan tâm về tương giao với Chúa hơn cả, thì các mối lo lắng trong đời sẽ tan biến đi, và vấn đề cơm áo không còn là ưu tư nữa.

Hãy đặt Chúa, vinh quang của Chúa, mối tương giao của bạn đối với Chúa, việc gần Chúa và sự sống thánh thiện làm trọng tâm của đời sống, bạn sẽ thấy lời hứa của Chúa Giê-xu sẽ thực hiện trong đời bạn, đó là Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đáp ứng những nhu cầu của bạn nữa.

Cầu xin Chúa nhắc mỗi chúng ta luôn luôn các lời dạy của Chúa để cuộc đời mỗi chúng ta chứng nghiệm rằng lời Chúa là chân thật.