Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 49

Nguyên nhân và cách chữa lo lắng (2).

Trong việc tương giao với Chúa, có hai khía cạnh. Một mặt, chúng ta đã ký thác cuộc đời mình cho Chúa một lần và mãi mãi; mặt khác, chúng ta phải ký thác mỗi ngày. Theo một cách hiểu, Chúa đã cho chúng ta tất cả trong ân sủng một lần và mãi mãi. Nhưng Chúa cũng cho ta ân sủng từng phần và nhiều phần từng ngày một nữa. Chúng ta phải bắt đầu một ngày mới và tự nhủ: "Đây là một ngày sẽ đưa đến cho tôi một số các nan đề và khó khăn, tôi cần đến ân sủng của Chúa giúp tôi hôm nay. Tôi biết Chúa có ân sủng dư dật, Ngài sẽ ở với tôi khi tôi cần đến Chúa." Đây chính là điều Kinh Thánh dạy về vấn đề này, chúng ta phải học đặt tương lai hoàn toàn trong tay Chúa.

Như trong Hê-bơ-rơ hay là Hy-bá chương 13:8 chẳng hạn. Những tín hữu người Hê-bơ-rơ trải qua những khó khăn và thử thách, tác giả thư Hê-bơ-rơ bảo họ đừng lo lắng vì lý do này: "Chúa Cứu Thế Giê-xu hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi." Ta không phải lo lắng vì Chúa của ngày hôm qua, Chúa của ngày hôm nay và Chúa cũng của ngày mai. Ta không cần phải tiên đoán về đời sống, Chúa Cứu Thế là Đấng dẫn dắt ta hôm nay, ngày mai cũng vậy. Chúa không thay đổi, vĩnh hằng, luôn luôn như vậy. Như thế thay vì nghĩ đến ngày mai, hãy nghĩ đến tính không thay đổi của Chúa. Hãy xem cách sứ đồ Phao-lô diễn tả ý này trong 1 Cô-rinh-tô 10:13: "Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được." Đó là cái nhìn của người hết lòng tin cậy Chúa. Không có thử thách nào đến với ta mà Chúa không chuẩn bị sẵn cho ta lối thoát. Các thử thách đó sẽ không bao giờ vượt sức ta, và lúc nào cũng có cách cứu chữa.

Chúng ta có thể tóm tắt lại rằng, khi chúng ta học khôn ngoan để sống từng ngày một, đừng quên hôm qua và ngày mai, vì chúng ta cần học bí quyết đi với Chúa từng ngày, nương dựa vào Chúa từng ngày, và trình dâng lên Chúa những nhu cầu đặc biệt mỗi ngày. Chúng ta thường hay có khuynh hướng cố tồn chứa ân sủng cho tương lai. Như thế là thiếu đức tin. Hãy để tương lai cho Chúa lo hoàn toàn, với lòng tin chắc và quả quyết rằng Chúa sẽ luôn luôn đi trước ta. Chúa sẽ ở đó trước khi ta gặp khó khăn. Hãy quay lại ngắm nhìn Chúa, ta sẽ thấy Chúa hiện diện ở đó, Chúa biết rõ sự việc, Chúa biết rõ chính ta.

Đó là cốt lõi của lời Chúa dạy. Nhưng nếu phải giải thích thật chân thành và đầy đủ, chúng ta bắt buộc phải đề cập đến một nan đề ở đây. Xin đọc lại câu Kinh Thánh này: "Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy." Người thường, khi đọc câu Kinh Thánh này, hay nêu lên hai câu hỏi, đó là: Như vậy là người tin Chúa, ta có sai lầm khi phải để dành tiền, để dành vật dụng cho những ngày mưa gió hay không? Người tin Chúa có nên mua bảo hiểm hay không? Ta nên nhớ, lời Chúa dạy ở đây không phải bảo ta sống vô tư, không biết toan tính, lo xa, nhưng là đừng lo lắng. Đừng quá ưu tư về ngày mai. Chúa không bảo ta: Vì loài chim được nuôi no đủ mà không cầy cấy, gieo trồng, gặt hái, tồn chứa, nên loài người cũng không cần phải làm gì cả. Nghĩ như thế là sai lầm, vì chính Chúa đã định ra thời gieo trồng và gặt hái. Và khi người nông phu cầy cấy, thực ra là có tư duy đúng về ngày mai vì biết rằng, lúa không tự nhiên mọc lên được. Người ấy phải cầy đất, phải chăm sóc, rồi chờ đến mùa gặt lúa, đem về kho chứa. Theo một nghĩa thì đó là chuẩn bị cho tương lai, dĩ nhiên Kinh-thánh không phê phán gì về việc làm đó, mà còn dạy phải làm như vậy nữa. Vì đó chính là cách mà Chúa ấn định cho con người sống trên đời. Như vậy câu Kinh-thánh này không thể hiểu theo nghĩa Chúa khuyến khích lười biếng hay là không tính toan cuộc sống của mình. Vì chúng ta không ngồi đó mà chờ thức ăn và y phục chạy đến với mình, nghĩ như thế là trái ngược.

Chúng ta nên nhớ rằng Chúa luôn luôn dạy ta làm những điều nào đúng, hữu lý và chính đáng. Chúa chỉ khuyên bảo ta không bao giờ nên quá lo lắng, để cho ưu tư chế ngự cuộc đời mình hay là làm cho mình trở thành vô dụng. Khác biệt quan trọng là giữa suy nghĩ chín chắn và lo lắng vô lý quá độ. Chúa không lên án người cầy sâu quốc bẫm và gieo trồng, nhưng Chúa trách người nào sau khi đã làm như vậy, ngồi xuống lo nghĩ về những gì mình làm và tâm trí luôn luôn tập trung vào đó, nghĩa là bị nan đề của đời sống và sinh sống cũng như sợ hãi về tương lai ám ảnh. Đó chính là điều Chúa lên án, vì không những người ấy giới hạn tính hữu dụng của mình trong hiện tại, không những người ấy làm mình tê liệt vì lo sợ về tương lai, nhưng trên tất cả là người ấy để cho các điều lo lắng này chế ngự đời mình. Mỗi người trong đời này, vì hậu quả của cuộc sa ngã của tổ tông, đều gặp khó khăn cả. Nan đề và khó khăn là những điều không thể tránh được, vì ngay sự sống cũng là khó khăn rồi. Như vậy tôi phải đối diện và gặp khó khăn nhưng tôi không để cho ý nghĩ đó chế ngự tôi hay làm tôi tuyệt vọng. Vì khi tôi bị một nan đề nào đó làm chủ, tôi lo lắng ưu tư, và như thế là sai lầm. Tôi cần chấn chỉnh tư duy, suy nghĩ cho đúng và bỏ hẳn lo lắng ưu tư không cần thiết.

Ta còn đi thêm một bước nữa trong việc suy nghĩ rằng lo lắng về tương lai còn ngăn cản ta hữu dụng trong hiện tại. Trong đời sống có nhiều việc cần đến sự giúp đỡ và tiếp tay của ta, các việc đó cần tiếp tục làm mỗi ngày. Nhưng có những người quá ưu tư về cách mình sống như thế nào trong tương lai đến nỗi không còn thì giờ nào làm những việc công ích đang cần đến mình ngay trong hiện tại. Như vậy là sai lầm. Nếu tôi để ưu tư về tương lai làm tôi tê liệt trong hiện tại, tôi có lỗi vì quá lo lắng; nhưng nếu tôi chuẩn bị cẩn thận, với một tính cách rất hợp lý, rồi sống trong hiện tại với đầy đủ bổn phận, mọi việc sẽ xảy ra một cách tốt đẹp. Hơn nữa, không có chỗ nào trong Kinh Thánh ngụ ý rằng để dành, dự trữ hay là đóng bảo hiểm là sai cả. Nhưng nếu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến kiếm tiền, dành dụm, rồi lo nghĩ không biết như vậy có đủ cho cuộc sống tương lai không, thì đó là thái độ Chúa không muốn ta có.

Câu Kinh-thánh này có thể tai hại cho người nào có một trong hai lập trường cực đoan.

Có những người cho rằng người tin Chúa phải sống đầy đủ trong hiện tại, và không nên dự phòng gì về tương lai cả. Mặt khác có người lại cho rằng nhà thờ không nên thu nhận tiền dâng, vì tất cả nhu cầu có thể nhờ đức tin mà được cung cấp đầy đủ. Nhưng ta nên nhớ rằng chính Sứ Đồ Phao-lô đã dạy các tín hữu tại Cô-rinh-tô không những phải thu nhận tiền dâng, mà còn phải dành riêng một món tiền dâng thêm vào mỗi ngày đầu của một tuần lễ nữa. Ông cũng cho họ chi tiết về việc dâng hiến. Trong Kinh Tân Ước, ta cũng thấy nhiều lần Hội Thánh quyên góp giúp cho những người túng thiếu.

Có hai cách điều hành công việc Chúa trong Hội Thánh, và khi áp dụng trong công việc Chúa thì cũng áp dụng cho đời sống cá nhân được. Một số người được kêu gọi đến để làm một công việc về đức tin. Trong 1 Cô-rinh-tô 12 ta thấy trong số các ân tứ có ân tứ đức tin. Đây không phải ân tứ làm phép lạ, mà là ân tứ đức tin, một ân tứ đặc biệt. Đức tin này là gì? Đây không phải là đức tin tin để được cứu, vì người nào tin Chúa cũng phải có loại đức tin đó rồi. Đây là loại đức tin đặc biệt của những người như George Muller và Hudson Taylor. Những người có ân tứ đức tin đặc biệt chỉ cầu nguyện mà được Chúa ban cho nhiều điều kỳ lạ. Nhưng cũng có những người Chúa cho làm các việc lớn cho Chúa như tiến sĩ Billy Graham và cơ quan truyền giáo của ông vẫn thu nhận sự đóng góp của mọi tín hữu để duy trì công việc truyền giáo. Ngay như đài Phát Thanh Viễn Đông mà Đài Nguồn Sống là một thành phần, cũng thu nhận đóng góp tài chính của con dân Chúa khắp thế giới để hoạt động trong suốt 50 năm qua. George Muller và George Whitefield đều là giám đốc trại trẻ mồ côi. George Muller được Chúa gọi làm công việc này căn bản trên đức tin và cầu nguyện. Ông đã thành công. Goerge Whitefield cũng thành công trong một trại trẻ mồ côi khác trong việc kêu gọi tín hữu đóng góp để duy trì trại đó. Ông cũng thành công. Cả hai cách làm việc, Chúa đều ban phước lành cả.

Về đời sống cá nhân cũng vậy, có những người được Chúa kêu gọi đặc biệt sống đời sống hoàn toàn bằng đức tin, nên nhận thấy rằng để dành tiền hay đóng tiền bảo hiểm là không cần thiết. Nhưng nếu những người ấy coi những người khác để dành tiền và đóng bảo hiểm là không thiêng liêng, thì sai lầm. Mỗi người sống theo lượng đức tin Chúa cho mình. Không nên lên án người khác.

Tóm lại, ta có thể nói về Nguyên Nhân và Cách Chữa Lo Lắng như sau:

1. Những lời dạy của Chúa trong các chương đầu của Ma-thi-ơ là dành riêng cho người tin Chúa. Những lời hứa của Chúa cũng dành riêng cho con dân Chúa mà thôi.

2. Lo lắng luôn luôn là thất bại trong việc nắm vững và áp dụng đức tin. Đức tin không hoạt động tự động. Đừng bao giờ nghĩ rằng hễ mình có đức tin thì tự động mọi việc sẽ xảy ra tốt đẹp. Ta cần đem đức tin ra thực hành. Đức tin cũng không tự động tăng trưởng, ta cần phải nói chuyện và lý luận với đức tin như với một người khác. Thi Thiên hay có loại đối thoại này, chẳng hạn như: "Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta?" Đó là cách làm đức tin tăng trưởng. Ta cần tìm xem có gì sai trật trong đức tin của mình hay không? Một cách hay nhất là đem đức tin đến trước lời Chúa mỗi ngày để lập luận, so sánh, sửa đổi và quyết định mới. Làm như thế đức tin sẽ tăng trưởng.

3. Phần lớn của đức tin là từ chối các tư duy lo lắng. Đức tin là từ chối không suy nghĩ về những điều làm ta lo lắng, từ chối nghĩ về tương lai một cách sai lầm. Ma quỷ và tất cả kẻ thù của ta đều chỉ muốn ta làm như vậy. Nhưng người có đức tin phải khẳng khái nói rằng: "Không, tôi nhất định không lo lắng, tôi làm đầy đủ nhiệm vụ, tôi hành động đúng với niềm tin của tôi, và ngoài ra, tôi không suy nghĩ nữa." Đó là đức tin, nhất là đối với tương lai.

Bạn thân mến! Tư duy chúng ta luôn luôn hoạt động, nhưng người tin Chúa đặt ưu tiên suy nghĩ vào Chúa, vào những quan hệ của mình với Chúa. Lo sao cho quan hệ ấy càng ngày càng tốt hơn. Dành nhiều thì giờ để suy nghĩ, vun xới, chăm sóc quan hệ đó bằng cách cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tránh xa tội ác, sống tích cực, quan tâm đến người khác và nỗi khổ của người ta hơn của mình. Làm như thế, lo lắng sẽ tránh xa ta và càng ngày cuộc đời ta càng an bình, vui vẻ và thành công hơn. Bạn hãy thử xem.