Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Hội Thánh

1.  Hội Thánh là gì?

Hội Thánh là tập thể của những người thờ phượng Đức Chúa Trời, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, và được liên kết với nhau trong Đức Thánh Linh khắp nơi trên thế giới.  Đại cộng đồng đức tin đó được gọi là Hội Thánh phổ thông.  Nếu một số người có cùng một niềm tin, ở cùng một địa phương, kết hiệp lại với nhau để thờ phượng Chúa và làm theo lời dạy của Ngài, thì tập thể đó được gọi là hội thánh địa phương.  Hội Thánh là thân thể thiêng liêng mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế.  

Hễ ai tin thờ Chúa thì được kể vào cộng đồng hội thánh bất kể thuộc ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa, hay phái tính nào.

2.  Tại sao gọi là “Hội Thánh,” nghe như có vẻ đại ngôn hoặc cường

      điệu quá chăng?

Thưa không phải vậy đâu.  Sở dĩ chúng ta dám nhận mình thuộc về “Hội Thánh” không phải vì chúng ta thánh thiện gì hơn ai, nhưng vì kể từ khi tin Chúa, tội lỗi chúng ta đã được Đức Chúa Trời tha thứ và xóa bỏ, tâm hồn chúng ta đã trở nên trong trắng và thánh sạch trước mặt Ngài.  Cho nên Kinh Thánh gọi chúng ta là “những thánh đồ” (Rô-ma 1:7) bởi địa vị nên thánh mà Chúa đã ban cho chúng ta.  Chúng ta là những người đã được Chúa gọi ra khỏi thế gian để thuộc riêng về Ngài, vì thế chúng ta được thuộc về “Hội Thánh” của Ngài, một danh hiệu Ngài ban, chứ chẳng phải chúng ta tự mình xưng nhận như thế.

3.  Hội Thánh bắt đầu khi nào?

Hội Thánh chính thức được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần vào năm thứ nhất của công nguyên, khi Đức Thánh Linh giáng lâm (Công Vụ 2), tức sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên được mười ngày, khoảng 2.000 năm trước đây.

4.  Mục đích của Hội Thánh là gì?

Hội Thánh được thành lập để các con cái Chúa có môi trường lành mạnh

      1) Thờ phượng Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

      2) Học Kinh Thánh để có tri thức thuộc linh hầu đức tin được

      vững mạnh và đời sống được biến đổi trở nên giống như

      Đức Chúa Giê-su.

      3) Khích lệ nhau trong nổ lực phục vụ Chúa và tha nhân để biến 

           thế giới nầy trở nên tốt đẹp hơn như lời Chúa dạy. 

     4) Rao giảng ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người, như lệnh Chúa

             truyền (Ma-thi-ơ 28:19-20; Mác 16:15).

5.  Hội Thánh thờ phượng Chúa như thế nào?

Tùy theo mỗi văn hóa mà sự thờ phượng Chúa mỗi khác.  Tuy nhiên, mục đích chính khi các tôi con Chúa nhóm lại để thờ phượng Ngài là tôn vinh, ca ngợi, dâng mọi vinh hiển cho Ngài, lắng nghe lời Ngài trong Kinh Thánh, dâng lời cầu nguyện lên Chúa, dự thánh lễ để hưởng mầu nhiệm của đức tin, và bày tỏ lòng biết ơn bằng lễ vật đem đến dâng cho Ngài.

6.  Hội thánh phải thờ phượng Chúa tại đâu?

Nếu nơi nào có thánh đường hay nguyện đường để các tôi con Chúa nhóm nhau lại thờ phượng Chúa thì tốt; còn không, các tôi con Chúa có thể nhóm lại ở bất cứ nơi nào để thờ phượng Ngài.  Vì thế nhà riêng, ngoài rừng, ngoài ruộng, bờ biển, trong hang động, khách sạn, hay bất cứ nơi nào cũng có thể làm nơi nhóm lại thờ phượng Chúa.

Vì nơi nào có hai ba người nhân danh Ta họp lại với nhau, Ta sẽ ở giữa họ.  (Ma-thi-ơ 18:20).

7. Sự thờ phượng chung như thế có cần thiết không?

Rất cần thiết.  Lời Chúa đã ví mỗi người trong chúng ta như một bộ phận trong thân thể (1 Cô-rinh-tô 12:12-31).  Nếu một bộ phận bị tách rời khỏi thân thể, bộ phận ấy không thể sống được.  Thân thể tiêu biểu cho hội thánh, còn mỗi bộ phận là mỗi chúng ta.  Vì thế, chúng ta phải chọn một hội thánh địa phương hoặc chọn một nhóm người cùng đức tin, để thờ phượng Chúa, học hỏi Lời Ngài, và làm những công việc Ngài muốn chúng ta làm, hầu đức tin chúng ta được sống mạnh.

Chúng ta đừng bỏ sự nhóm lại với nhau như một số người quen làm, nhưng chúng ta hãy khuyến khích nhau, và khi anh chị em thấy ngày ấy đến gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

(Hê-bơ-rơ 10:25).

8.  Làm sao hội thánh có tiền để chi phí và điều hành mọi công việc?

Do lòng yêu mến Chúa, các tôi con Chúa trong hội thánh mỗi khi đi thờ phượng Chúa thường mang theo một số tiền, trích ra từ lợi tức mình kiếm được trong tuần, để dâng lên Chúa.  Vì Chúa dạy, “Không ai đến ra mắt Ta mà đi tay không.” (Xuất Hành 23:15b).  Những món tiền dâng ấy được gom lại với nhau để trang trải mọi chi phí cho việc điều hành và phát triển hội thánh.  Hội thánh cần tiền để xây dựng và bảo trì cơ sở nhà thờ, nuôi người dành trọn thì giờ hầu việc Chúa, phụ cấp cho các nhân viên phục vụ cho hội thánh, thực hiện những chương trình và công tác của hội thánh như thờ phượng, Cơ-đốc Giáo Dục, đào tạo nhân sự, phục vụ xã hội, và đặc biệt là công tác truyền bá Đạo Chúa.

9.  Có mức quy định nào cho sự dâng hiến không?

 

Thời Cựu Ước, Chúa truyền cho dân Do-thái phải nộp thuế một phần mười để dùng vào việc thờ phượng Ngài.  Đến thời Tân Ước, Kinh Thánh không đề nghị rõ ràng một con số nào cả.  Vì thế, ngày nay nhiều tôi con Chúa dựa theo con số của Cựu Ước mà dâng hiến.  Trước khi Hội Thánh thành hình, Đức Chúa Giê-su cũng tán đồng việc đó (Ma-thi-ơ 23:23).  Tuy nhiên, từ khi Hội Thánh được thành lập, Kinh Thánh nói rất rõ: sự dâng hiến cho Chúa là do lòng yêu mến Chúa, theo lượng đức tin, và hảo tâm chứ không do bị ràng buộc bởi luật pháp Mô-se, như thời Cựu Ước.  Vì thế khi dâng hiến lên Chúa mà lòng bạn vui và cảm thấy sung sướng vì được vinh dự góp phần vào công việc nhà Chúa, thì sự dâng hiến như thế mới có phước.  Chúng ta dâng hiến lên Chúa không phải vì bị trói buộc nhưng vì lòng biết ơn và do tình yêu thôi thúc.

Hãy đem tất cả phần mười vào kho, để có lương thực trong nhà Ta.  Từ nay, các ngươi khá lấy điều nầy mà thử Ta, Chúa các đạo quân phán vậy, xem Ta có mở các cửa sổ trên trời, đổ phước xuống cho các ngươi, đến nỗi không chỗ chứa chăng.  (Ma-la-chi 3:10).

Xin anh chị em nhớ rằng ai gieo ít sẽ gặt ít, ai gieo nhiều sẽ gặt nhiều. Mỗi người hãy theo lòng mình đã định mà dâng hiến, không dâng một cách miễn cưỡng hoặc bị cưỡng ép, vì Đức Chúa Trời yêu người dâng hiến cách vui lòng. Đức Chúa Trời có khả năng ban cho anh chị em mọi ân phước cách dư dật, để anh chị em luôn được đầy đủ mọi mặt, hầu có thể chia sẻ một cách rời rộng trong mọi việc phúc thiện, như có chép rằng,

“Người nào rải của mình ra giúp người nghèo khổ,

Công đức của người ấy sẽ trường tồn mãi mãi.”

 (2 Cô-rinh-tô 9:6-9).

 

Đức Chúa Giê-su phán, “Vì của cải các ngươi ở đâu, lòng các ngươi cũng ở đó.”  (Ma-thi-ơ 6:21).

Của cải chúng ta dâng rời rộng cho công việc Chúa thì lòng chúng ta cũng hướng về công việc Chúa.  Người mình nói, “Đồng tiền dính liền khúc ruột,” cho nên sự dâng hiến của chúng ta quả có phản ánh lòng yêu mến Chúa của chúng ta vậy.

10.  Hội Thánh do ai lãnh đạo?

Tùy theo mỗi giáo phái mà thành phần được chọn lãnh đạo Hội Thánh mỗi khác.  Nói chung, thì từ trong vòng các con cái Chúa, một số người được Chúa kêu gọi dâng cuộc đời phụng sự Chúa.  Những người ấy thường phải trải qua một thời kỳ thử thách, huấn luyện, được phong thánh chức, rồi được sai phái, bổ nhiệm, hay được mời đến lãnh đạo một cộng đồng tín hữu tại một địa phương.  Người lãnh đạo ấy được gọi là mục sư, mục sư nhiệm chức, truyền đạo, truyền đạo tình nguyện, v.v..  Tại mỗi hội thánh địa phương các tín hữu hằng năm chọn lựa giữa vòng anh chị em mình những người có lòng hầu việc Chúa và có ơn lãnh đạo để đứng ra hiệp tác với mục sư mà lo điều hành và phát triển Hội Thánh.  Những vị ấy, tuỳ theo mỗi giáo phái, mà được gọi là Hội Đồng Lãnh Đạo, Ban Chấp Hành, hay Ban Chấp Sự, v.v. .  Tùy theo nhu cầu và khả năng của mỗi hội thánh, Hội Đồng Lãnh Đạo cũng có thể mời thêm các mục sư, truyền đạo, hoặc thuê thêm các nhân viên, về phụ lo công việc Hội Thánh, để Hội Thánh một ngày một phát triển.

11.  Tại sao có hội thánh do nam mục sư lãnh đạo, nhưng cũng có hội

      thánh do nữ mục sư lãnh đạo?

Tuỳ theo quan điểm thần học của từng giáo phái mà phụ nữ được giữ những vai trò lãnh đạo thuộc linh hay không.  Giáo phái nào cho phép phụ nữ lãnh đạo hội thánh, họ đã có lý do của họ dựa trên Kinh Thánh và thần học.  Giáo phái nào không cho phép phụ nữ lãnh đạo thuộc linh, họ cũng có lý do của họ dựa trên Kinh Thánh và thần học.  Bạn cảm thấy thích hợp với giáo phái nào, bạn nên gắn bó với giáo phái ấy để hầu việc Chúa, và cũng đừng nên lên án giáo phái khác vì họ không làm giống mình, nếu bạn chưa nghiên cứu và học hỏi kỹ lưỡng về giáo phái đó.  Hơn nữa, vẻ đẹp của Đạo Chúa là tính sáng tạo, đa dạng, đa sắc thái, chứ không phải một khuôn giống hệt nhau.  Một vườn hoa đẹp khi có nhiều thứ hoa qúy, muôn màu vạn sắc, thay vì chỉ có mỗi một thứ hoa.  Hội thánh chung của Chúa cũng như vậy.

12.  Trong Hội Thánh có những thánh lễ quan trọng nào?

Hội Thánh có rất nhiều thánh lễ: Lễ Giáng sinh, Lễ Thương Khó, Lễ Phục Sinh, Lễ Ngũ Tuần, hôn lễ, tang lễ, và nhiều lễ khác, nhưng quan trọng hơn cả là Lễ Báp-têm và Lễ Tiệc Thánh.

13.  Tại sao hai lễ ấy là quan trọng hơn các lễ kia?

Hai lễ ấy quan trọng hơn bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã thiết lập và dạy phải thi hành.  Ngoài ra, hai thánh lễ ấy chứa đựng lẽ mầu nhiệm của đức tin.

Tất cả uy quyền trên trời và dưới đất đã giao cho Ta.  Vậy hãy đi làm cho mọi dân tộc trở thành môn đồ Ta; hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh mà làm báp-têm cho họ, và dạy họ giữ tất cả những điều Ta đã truyền cho các ngươi.  Và nầy, Ta hằng ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.

(Ma-thi-ơ 28:18-20).

Rồi Ngài lấy một ổ bánh, tạ ơn, bẻ ra, đưa cho họ và nói, “Đây là thân thể Ta, vì các ngươi mà phó cho.  Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.” (Lu-ca 22:19).

Sau bữa ăn tối, Ngài lấy chén và cũng làm như vậy, rồi phán rằng, “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta. Hãy làm điều nầy, hãy thường uống chén nầy, để nhớ đến Ta.”  (1 Côr 11:25).

14.  Lẽ mầu nhiệm của đức tin của hai thánh lễ ấy là gì?

Lễ báp-têm đánh dấu ngày chúng ta lấy đức tin công khai xác nhận mình đồng chết và đồng sống lại với Chúa, bắt đầu một cuộc sống mới với Ngài.  Lễ báp-têm cũng là lúc chúng ta phó thác chính mình hoặc con thơ mình vào trong ân sủng của Chúa (trong trường hợp bạn công nhận phép báp-têm cho trẻ thơ). 

Khi dự Tiệc Thánh, một mặt chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh của Chúa, Đấng đã vì chúng ta mà chịu chết; một mặt khác chúng ta lấy đức tin hưởng nhận mầu nhiệm của sự hiệp nhất, sự thánh hóa, sự chữa lành, và sự sống đời đời trong thân thể và trong dòng huyết của Đức Chúa Giê-su.

15.  Ai có thể được hưởng nhận hai thánh lễ ấy?

Tùy theo giáo luật của mỗi giáo phái.  Một số giáo phái đòi hỏi chỉ những người lớn đã được báp-têm rồi mới được phép dự Tiệc Thánh.  Một số giáo phái không cho phép ai không phải là hội viên của giáo phái họ được dự Tiệc Thánh với họ cả.  Một số giáo phái khác lại tin rằng ân sủng của Chúa ban cho cách vô lượng vô biên, nên họ làm báp-têm cho trẻ sơ sinh và ban Tiệc Thánh cho mọi người có lòng tin, không nhất thiết là đã thọ lễ báp-têm hay chưa, miễn là đã tin Chúa thì được phép dự.  Thậm chí có giáo phái tin rằng một người lâu nay chưa hề tin Chúa, nhưng trước bàn Tiệc Thánh, người ấy muốn được dự, thì người ấy đang có lòng tin vào mầu nhiệm của thân và huyết Chúa, nên họ cũng cho phép người ấy được dự; vì họ cho rằng khi người ấy dự Tiệc Thánh là lúc người ấy bày tỏ lòng tin nơi Chúa vậy.

Dù chúng ta không biết thực hư về đức tin của mỗi người ra sao, nhưng thiết tưởng, chúng ta nên kính trọng sự khác biệt về phương diện tín lý của những giáo phái khác với giáo phái mình, mà không nên lên án hay chỉ trích chi cho buồn lòng nhau.  Chúng ta có thể tạm ví như gia phong mỗi nhà mỗi khác vậy.  Không vì cách sống trong gia đình người ta không giống gia đình mình mà chúng ta lên tiếng chê bai chỉ trích người ta.  Xin hãy dành sự xét đoán về tín lý ấy cho Chúa.  Mong chúng ta hãy nhớ lời Chúa dạy về sự xét đoán (Ma-thi-ơ 7:1-5).  Chúng ta thấy hợp với giáo phái nào thì hãy gắn bó với giáo phái ấy mà hầu việc Chúa.  Thiển nghĩ như thế là tốt hơn cả.

16.  Tại sao có nơi khi làm lễ báp-têm người thọ lễ phải được trầm

      mình dưới nước, còn có nơi chỉ dùng một ít nước mà thôi?

Đúng ra, khi làm lễ báp-têm, người thọ lễ nên được trầm mình hẳn dưới nước mới tốt; vì đó là một biểu tượng rất mạnh mẽ.  Trầm mình hẳn dưới nước làm hình bóng về sự chết hoàn toàn cuộc đời cũ, khi bước lên khỏi nước làm hình bóng về sự bắt đầu một đời mới trong Chúa.  Tuy nhiên, dù trầm mình hẳn, hay được rảy nước, hoặc được tưới một ít nước, tất cả đều cũng chỉ là biểu tượng.  Mà biểu tượng thì nước nhiều hay ít không là vấn đề quan trọng.  Điều quan trọng là được báp-têm bằng Đức Thánh Linh; tức được Đức Thánh Linh thanh tẩy tội lỗi, ban cho sự sống mới, và kết hiệp vào Hội Thánh.  Điều nầy chỉ có thể xảy ra khi chúng ta lấy lòng thành mà tin cho chính mình và trao thác con thơ mình vào ân sủng của Ngài (trong trường hợp bạn tin vào phép báp-têm cho trẻ thơ).

Lý tưởng nhất là làm phép báp-têm nơi một dòng sông hay dòng suối, tức nơi có nước sạch luôn luôn chảy.  Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có được một môi trường lý tưởng như thế.  Vì vấn đề vệ sinh chung, nhiều giáo phái cũng không muốn dùng một hồ nước nhỏ làm báp-têm cho nhiều người, nên chỉ dùng một ít nước tượng trưng.  Điều quan trọng khi làm báp-têm là phải dùng nước; vì nước là dung chất tiêu biểu phổ thông cho sự tẩy rửa.

17.  Tại sao một số giáo phái làm báp-têm cho trẻ thơ; con trẻ đâu

      biết gì mà làm báp-têm cho chúng?

Thật ra người lớn chúng ta cũng chưa hiểu rõ những mầu nhiệm của đức tin trong Lễ Báp-têm hay Tiệc Thánh huống chi là trẻ thơ.  Có gì bảo đảm rằng những người lớn thọ lễ báp-têm sẽ không bỏ Chúa hoặc không sống cuộc đời làm xấu hổ danh Chúa?  Tuy nhiên, một số người tin vào ân sủng của Chúa dồi dào và vô hạn cho mọi người, nên họ quyết định cho con thơ của họ được làm báp-têm. 

Theo họ, đây là truyền thống đã tiếp tục từ thời Hội Thánh đầu tiên, khi các đầy tớ Chúa làm báp-têm cho cả gia đình những người trở lại tin thờ Chúa (Công Vụ 10:47-48; 16:15; 16:33).  Họ tin rằng trong các gia đình đó thế nào cũng có các trẻ thơ.

Những người làm như thế tin rằng khi con mình còn thơ ấu, họ có trách nhiệm về linh hồn nó, nên họ muốn nó thuộc vào giao ước mới của Chúa, bằng cách dùng lễ báp-têm để con mình được đưa vào trong giao ước mới ấy.  Sau đó họ tiếp tục dạy dỗ con họ trong đường tin kính Chúa, để khi nó khôn lớn, đủ tuổi quyết định, nó sẽ học giáo lý và sẽ xác nhận đức tin trong Lễ Xác Nhận Niềm Tin.

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời truyền lịnh cho dân Do-thái phải làm phép cắt bì cho nam trẻ thơ mới tám ngày.  Trẻ thơ mới tám ngày nào hiểu biết gì, thế nhưng Chúa bảo phải làm, nếu cha mẹ muốn con mình được biệt riêng thuộc về cộng đồng con dân Chúa (Sáng Thế 17:9-14).  Phép báp-têm cho trẻ thơ ngày nay, đối với một số giáo phái, cũng có ý nghĩa tương tự như phép cắt bì cho trẻ thơ trong thời Cựu Ước. 

Tóm lại, bạn có quyền không cho con thơ của bạn thọ lễ báp-têm, nhưng mong bạn đừng bài bác đức tin của những người tin vào ân sủng của lễ báp-têm cũng bao gồm con thơ của họ.

Mong rằng trong chúng ta ai đã đạt đến mức nào thì hãy từ mức đó mà tiếp tục tiến lên.  (Phi-líp 3:16).

18.  Tại sao Tin Lành có quá nhiều giáo phái, trong khi Công Giáo

      chỉ có một giáo hội thôi?

Nếu bạn có dịp tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy Công Giáo cũng có một vài giáo phái nhỏ nữa, nhưng vì các giáo phái kia quá nhỏ, ít được ai nhắc đến, nên chúng ta cứ tưởng Công Giáo chỉ có một giáo phái.

Sở dĩ Tin Lành có nhiều giáo phái, theo thiển nghĩ, là do hai yếu tố chính: lịch sử và khuynh hướng tôn trọng tự do.  Khi cuộc cải cách giáo hội xảy ra vào thế kỷ thứ 16, do linh mục Công Giáo Martin Luther, người Đức, khởi xướng tại Đức Quốc, nhiều nơi trong thế giới Cơ-đốc Giáo lúc bấy giờ hưởng ứng.  Do vì phương tiện truyền thông không được như bây giờ, nên mạnh ai nấy làm, thành ra, đã đem đến hậu quả có nhiều giáo phái như hiện nay. 

Ngoài ra, những người lãnh đạo Tin Lành có khuynh hướng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người; nên ai muốn tin thế nào và thờ phượng Chúa thế nào thì để tuỳ ý người ấy.  Người Tin Lành chúng ta giảng đạo, giải nghĩa Kinh Thánh, nhưng không thích dùng giáo luật để bắt buộc người khác phải tin giống như mình.  Hậu quả là có nhiều giáo phái.  Nhưng nhiều giáo phái cũng tốt chứ không sao; giống như một vườn hoa có nhiều thứ hoa, theo thiển nghĩ, trông đẹp mắt hơn là chỉ có một loại hoa.  Hoặc như cha mẹ có nhiều con, mỗi người con mỗi tánh, khi các con khôn lớn và lập gia đình; chúng có gia đình riêng, có tự do riêng, và nề nếp riêng của gia đình chúng.  Điều đó cũng tốt và tự nhiên chứ không có gì là bất thường.

19.  Nếu tôi ở trong một giáo phái mà tôi không đồng ý với tín lý của

      giáo phái ấy thì tôi phải làm sao?

Việc đầu tiên là bạn nên gặp mục sư của bạn để xin giải thích những điều thắc mắc.  Ước mong bạn thông cảm rằng, “Nhập gia thì phải tùy tục.”  Mỗi giáo phái có niềm tin và truyền thống riêng của họ.  Bạn chọn giáo phái nào thì nên thuận phục theo giáo phái ấy.  Nếu bạn muốn thay đổi điều gì về tín lý, bạn phải theo giáo luật và hệ thống của giáo phái đó mà đề nghị sửa đổi qua các quyết nghị của đại hội; còn không thì bạn phải chọn một giáo phái nào thích hợp mà sinh hoạt thuộc linh.  Nếu tất cả các giáo phái hiện có trên thế giới mà bạn vẫn không tìm thấy một giáo phái nào thích hợp với mình thì chỉ còn cách: bạn phải tự mình lập ra một giáo phái mới cho mình mà thôi.

20.  Trường Chúa Nhật là trường gì vậy?

Thưa, Trường Chúa Nhật là chương trình giáo dục của mỗi hội thánh để dạy cho các tín hữu hiểu biết các lẽ đạo trong Kinh Thánh, hầu đức tin của họ được vững vàng và sâu nhiệm hơn trong Chúa.

Mỗi hội thánh thường có các lớp Trường Chúa Nhật khác nhau, tùy theo trình độ đức tin và tuổi tác của các học viên.  Các lớp nầy thường thường là miễn phí và do những người đã tin Chúa lâu năm, có kiến thức về Lời Chúa, và kinh nghiệm theo Chúa, hướng dẫn để giúp các bạn trong cùng hội thánh được tăng trưởng trong đức tin.  Vì thế, xin bạn cố gắng sắp đặt thì giờ trong ngày Chúa Nhật để đến học Trường Chúa Nhật, ngoài giờ thờ phượng Chúa.  Làm như thế sẽ rất tốt cho bạn và gia đình bạn, vì nó sẽ mang lại ích lợi lâu dài cho bạn.  Ngoài ra, sự chia sẻ đức tin và đóng góp ý kiến của bạn sẽ là điều ích lợi cho các bạn khác trong lớp.  Cho nên chúng ta có thể nói Trường Chúa Nhật của hội thánh là trường mà ai cũng có thể làm người dạy và ai cũng là người học.

21.  Trong hội thánh có nhiều ban, nhiều nhóm nhỏ, tôi biết phải

      tham gia vào ban hay nhóm nào?

Tất cả các ban và nhóm nhỏ trong Hội Thánh là những môi trường để bạn có cơ hội được gây dựng đức tin và hầu việc Chúa hợp với khả năng của bạn.  Bạn nên hỏi mục sư, Hội Đồng Lãnh Đạo, Ban Chấp Hành, hoặc người dẫn dắt bạn đến với Chúa mà chọn những ban nào hoặc nhóm nào thích hợp để tham gia.  Các ban và nhóm trong Hội Thánh là môi trường lý tưởng nhất để giúp bạn được gây dựng đức tin và phát huy ân tứ thuộc linh Chúa ban cho bạn.  Mong bạn hãy chọn ít nhất một ban, một nhóm, hay một giáo vụ nào đó trong Hội Thánh mà dự phần sinh hoạt.  Đừng nên không tham gia vào một ban hay nhóm nào.  Những ban hay nhóm nhỏ trong hội thánh giống như những tổ tế bào, một cơ quan, một bộ phận của một thân thể sống.

Tham gia vào các ban hay nhóm nhỏ của hội thánh để sinh hoạt cũng giống như các bắp thịt của thân thể được hoạt động.  Bắp thịt càng hoạt động thì càng khỏe.  Chỉ khi nào hoạt động quá độ mới mỏi đi một thời gian ngắn thôi.  Nhưng bắp thịt nào không hoạt động gì chắc chắn sẽ yếu đi.  Tham gia vào các ban hay nhóm nhỏ trong hội thánh để phục vụ chắc chắn sẽ giúp cho bắp thịt đức tin của bạn mạnh khỏe.

Nếu bạn có ơn tứ đặc biệt, những người lãnh đạo trong hội thánh có thể nhờ bạn lập ra một ban hay nhóm mới để phục vụ Chúa và tha nhân. 

Kinh Thánh dạy rằng đức tin mà không có hành động thì đức tin ấy sẽ chết (Gia-cơ 2:26).  Người Tin Lành đúng nghĩa là người có niềm tin nơi Chúa, có trí thức về niềm tin của mình, và hành động theo niềm tin của mình.