Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Sự Tự Do Thật

Ga-la-ti 2:1-10

"Nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do" (Giăng 8:36).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Sứ đồ Phao-lô nhắc đến việc cắt bì ở đây? Sự tự do mà Sứ đồ Phao-lô có được là tự do nào? Những điều nào cho biết bạn là người tự do khỏi sự ràng buộc của tội lỗi?

Sứ đồ Phao-lô viết thư tín này để chống lại những điều giảng dạy sai lầm nhằm bài bác chức vụ sứ đồ mà chính Chúa Giê-xu đã phó thác cho ông. Ông cũng khẳng định rằng Phúc Âm mà ông đang rao giảng đã được chính Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông. Vì thế, ông vẫn cứ trung tín rao truyền Phúc Âm, dù cho giới lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem có chấp nhận hay không. Điều đáng mừng là các ông Gia-cơ, Sê-pha và Giăng công nhận chức vụ của Sứ đồ Phao-lô và căn dặn rằng đang khi hành đạo, ông phải quan tâm đến người nghèo (câu 9, 10). Bản chất của Phúc Âm mà ông rao giảng là sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, quốc tịch, giàu nghèo, địa vị, học thức. Mọi người đều nhận được sự tha thứ khi tin cậy Chúa Giê-xu.

Đối với người Giu-đa, cắt bì là vấn đề hệ trọng để phân biệt người Ít-ra-ên với Dân Ngoại. Trong thời ông Áp-ra-ham, cắt bì liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời thánh khiết. Tuy nhiên, nếu vì muốn gìn giữ và phát triển Do Thái giáo, hay vì lý do khác như muốn làm suy yếu Cơ Đốc giáo, hoặc cố tình đặt ân sủng dưới luật pháp, tức buộc người tin theo Chúa Giê-xu phải chịu cắt bì, thì người Giu-đa đã phạm sai lầm nghiêm trọng.

Sứ đồ Phao-lô tin rằng phép cắt bì, một nghi lễ chính ông từng trải qua, không thuộc về chân lý của Phúc Âm. Vì các tín hữu Ga-la-ti và vì hết thảy những người tin, trong đó có chúng ta, nên Sứ đồ Phao-lô chiến đấu để bảo vệ chân lý của Phúc Âm. Nhờ đó, ngày nay chúng ta không còn phải đấu tranh với vấn đề cắt bì hay không cắt bì, hoặc với những điều luật của Do Thái giáo. Chúng ta nhận được sự cứu rỗi không cần phải tuân giữ luật của Do Thái giáo mà người Giu-đa muốn áp đặt. Chúng ta sống dưới ân sủng, tự do trong ân sủng. Khi nào chúng ta không sống như thế, thì có thể chúng ta đang trở lại tình trạng làm tôi mọi (câu 4).

"Tự do thuộc linh" có ý nghĩa gì với bạn? Và được bày tỏ như thế nào trong đời sống thường ngày của bạn?

Lạy Chúa, bởi ân sủng của Ngài con được tự do, không còn bị ràng buộc bởi tội lỗi nữa. Xin giữ con để con không bao giờ trở lại với tình trạng nô lệ cho tội lỗi và xác thịt như trước kia.

(c) 2024 svtk.net