Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Ngài Là Nơi Thánh

Ê-xê-chi-ên 11:1-25

"Vậy nên, khá nói cùng chúng nó: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Phải, Ta đã dời chúng nó nơi xa trong các dân tộc, đã làm tan tác chúng nó trong nhiều nước, Ta còn sẽ tạm là nơi thánh cho chúng nó trong các nước chúng nó đi đến" (câu 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Đức Chúa Trời sai Tiên tri Ê-xê-chi-ên nói tiên tri nghịch cùng các trưởng lão tại cửa thành? Việc ông Phê-la-tia ngã chết cho thấy điều gì? Có lời hứa nào, có niềm hy vọng nào cho dân sót ở đây? Bạn nguyện cầu thế nào cho dân tộc mình như Tiên tri Ê-xê-chi-ên?

Cửa thành là nơi các trưởng lão của một thành phố dùng làm nơi thi hành công lý và giám sát việc thực thi luật pháp của Đức Chúa Trời. Nhưng những trưởng lão mà Tiên tri Ê-xê-chi-ên nhìn thấy ở đây lại là những con người "toan tính sự gian ác và bày đặt mưu gian" (câu 2) thay vì suy nghĩ những điều tốt lành và hành động để giúp dân giúp nước. Thay vì họ đưa ra những lời khuyên khôn ngoan và hướng dẫn mọi người dân trong thành đi theo đường lối Đức Chúa Trời, họ lại xui giục dân chúng từ bỏ Ngài. Họ khuyến khích dân chúng xây dựng nhà cửa và xem đấy là dấu hiệu của sự an lạc. Họ chống lại Đức Chúa Trời bằng cách bảo cư dân của Giê-ru-sa-lem đừng tin vào lời tiên tri về việc người Ba-by-lôn sẽ chiếm thành. Đây là lý do Đức Chúa Trời sai ông Ê-xê-chi-ên nói tiên tri nghịch cùng họ (câu 4).

Các trưởng lão của Giê-ru-sa-lem nghĩ rằng họ sẽ được bình yên trong thành Giê-ru-sa-lem kiên cố có hào sâu, có tháp canh, nhưng Đức Chúa Trời đã đuổi họ ra khỏi thành và phó họ cho ngoại bang. Giê-ru-sa-lem không còn là nơi an toàn, nhưng sẽ bị chà nát và cư dân trong thành sẽ bị bức hại và tan lạc. Việc ông Phê-la-tia ngã chết cho thấy sự đoán phạt sẽ sớm xảy đến trên tất cả các trưởng lão gian ác của Giê-ru-sa-lem. Tiên tri Ê-xê-chi-ên hiểu được ý nghĩa của sự kiện này và vì thế, ông nài xin Đức Chúa Trời thương xót dân tộc ông (câu 13).

Đức Chúa Trời đã đáp lời Tiên tri Ê-xê-chi-ên. Ngài cho ông thấy rằng dân sót lại sẽ không bị diệt. Điều này có nghĩa là những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn sẽ được Ngài gìn giữ. Họ là những người thân thuộc của Tiên tri Ê-xê-chi-ên. Đức Chúa Trời hứa gìn giữ họ và Ngài là "đền thờ" khi họ bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Ngài là niềm hy vọng của những người bị lưu đày nơi xứ lạ.

Đức Chúa Trời là niềm hy vọng như thế nào trong cuộc đời, khi bạn ở trong thế gian này? Hôm nay, bạn chia sẻ sứ điệp hy vọng cho những ai?

Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương thế giới này như chính Ngài. Nguyện đời con và những gì con có phần nào đáp ứng nhu cầu thuộc thể lẫn tâm linh của những người đang sống quanh con.

(c) 2024 svtk.net