Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 54

Luật Vàng

Ma-thi-ơ 7:12 "Ấy vậy, hễ điều chi các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là kuật pháp và lời tiên tri."

Câu này trong bản Kinh-thánh diễn ý dịch là:

"Hãy làm cho người khác điều các con muốn người ta làm cho mình' Câu này đúc kết luật pháp Môi-se và các sách tiên tri."

Câu Kinh-thánh này thường được gọi là Luật Vàng hay là Kim Chỉ Nam của Hành Vi.

Câu Kinh-thánh này mở đầu với hay chữ "Ấy vậy" có nghĩa là không phải một lời dạy tách rời, nhưng có quan hệ với các lời đã dạy bên trên. Chúa Giê-xu vừa dạy về việc xét đoán kẻ khác, sau đó từ câu 7-11 có thể đặt trong ngoặc đơn, Chúa bảo muốn làm được những điều Chúa dạy thì phải kiên trì cầu nguyện, sẽ được ban cho, đến câu 12, Chúa tiếp tục nói về việc xét đoán.

Câu này dĩ nhiên là một cách diễn tả khác về lệnh truyền: Yêu người như yêu mình mà Chúa đã dạy ở chỗ khác. Chúa dường như bảo rằng: Nếu con gặp nan đề đối xử với người khác, thì đây là điều con nên theo. Ta không nghĩ về người khác, mà nên nghĩ về chính mình trước; ta có thể hỏi: Ta muốn như thế nào? Những điều làm ta vui lòng là gì? Những gì giúp ta và khuyến khích ta? Rồi sau đó lại hỏi: Ta không thích những gì? Những điều nào thường làm ta khó chịu nhất? Những điều nào ta ghét và cản trở ta? Ta có thể liệt kê ra làm hai cột trên một tờ giấy những điều ta thích và những điều ta ghét không những chỉ trong hành động, nhưng cả về lời nói và ý nghĩ nữa, bao gồm tất cả các vấn đề đời sống và hoạt động của ta. Câu hỏi đặt ra là: "Tôi thích người ta nghĩ về tôi như thế nào? Điều nào dễ làm cho tôi tổn thương nhất?"

Chúng ta thường hay đọc một câu như vậy hay là nghe một bài nói triển khai câu đó, hoặc là đọc trong sách, xem phim ảnh về thái độ này, rồi nói: Hay quá, đúng quá. nhưng không bao giờ đem áp dụng vào đời sống thực. Chúa Giê-xu, Người Thầy vĩ đại nhất biết rõ điều này, dạy rằng điều đầu tiên ta cần làm là đặt ra luật cho chính mình về các vấn đề đối xử. Đó là điều mỗi chúng ta nên làm.

Sau khi đã lập một bảng những điều chúng ta thích và những gì chúng ta không thích, mỗi khi phải đối xử với người nào về chuyện gì, ta chỉ cần tự hỏi: Trong hoàn cảnh của người ấy ta sẽ làm gì? Nghĩ gì?. Trong hành vi và cử chỉ của ta ta phải cân nhắc điều gì nên và không nên đối với người ấy căn cứ vào những gì chính ta thích và không thích. "Ấy vậy, hễ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ." Chúa dạy, nếu chúng ta đối xử theo cách ấy, chúng ta sẽ không bị sai lầm.

Nếu ta không thích người ta nói những lời không tử tế với mình, thì cũng không nên nói những lời không tử tế với người khác. Ta không thích những người khó tính, làm cho cuộc sống mình khó chịu, tạo nan đề cho mình và thường đưa mình đến chỗ bối rối. Vậy cũng không nên có các thái độ ấy đối với người ta. Chúa dạy giản dị là như vậy. Tất cả những sách giáo khoa về luân lý đạo đức và cách sống trong xã hội, và tất cả những sách nói về nan đề của con người đối đãi với nhau, đều có thể rút gọn lại trong câu: Điều gì muốn người khác làm cho mình, cũng hãy làm cho họ như vậy.

Đây là việc phải làm ngay. Tất cả các tư tưởng gia đều đồng ý rằng nan đề to lớn trong thế kỷ 20 chỉ là vấn đề giao tiếp. Đôi khi người ta hiểu lầm nan đề thế giới nằm ở các lĩnh vực xã hội, kinh tế hay chính trị, nhưng xét cho cùng vẫn là quan hệ giữa người với người. Nan đề chính là ở chỗ những gì tôi muốn và những gì người khác muốn. Có thể nói tất cả những cuộc va chạm, xáo trộn và mất hạnh phúc trong đời là vì lý do này. Chúa Giê-xu đã đi vào tận cốt lõi của vấn đề và cách giải quyết là: Hễ điều gì ta muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm điều ấy cho người. Nghĩa là khởi đầu suy nghĩ từ phía mình trước rồi hãy nghĩ đến kẻ khác, đem ra áp dụng, nan đề sẽ được giải quyết.

Chúa Giê-xu sau khi dạy câu kể trên, nói: "..vì ấy là luật pháp và lời tiên tri." Nghĩa là câu này gồm tóm, gói trọn tinh hoa của luật Chúa và những lời Chúa truyền qua các sứ giả của Ngài. Đây là cách Chúa gây cho người nghe phải chú ý. Có lẽ lúc ấy Chúa vẫn còn nhìn về phía nhưng nhà tu Do Thái Giáo, những người dạy đạo cho dân. Trước đó, Chúa đã nói rất dài dòng về các việc áp dụng luật Chúa sai lầm. Những câu quên thuộc được nhắc lại nhiều lần như: "Các ngươi có nghe người xưa nói rằng...... nhưng ta bảo các ngươi." Ý Chúa vẫn là cho người ta cái nhìn chính xác về luật Chúa đã ban. Chúa trở lại với vấn đề lệ luật trong câu này. Có thể nói một nửa số nan đề của chúng ta là do không hiểu nghĩa của luật Chúa, nghĩa là ý chính của điều luật là muốn ta làm gì. Chúng ta thường nghĩ rằng đó là một số giáo điều mà mình phải tuân thủ; trong khi đó quên hẳn tinh thần của điều luật. Chúng ta nghĩ luật Chúa phải tuân thủ máy móc như những gì không quan hệ và gần như vô cảm. Cũng như khi mua một cái máy về, có tờ chỉ dẫn thì cứ tuân theo thật sát là được. Đôi khi chúng ta cũng đối xử như thế với luật Chúa. Nghĩa là tưởng rằng cứ theo thật đúng không bao giờ đi sai, đi quá mức hay là chưa tới mức. Quan niện như thế là sai lầm.

Có lẽ chúng ta có thể đi xa hơn nữa, bảo rằng luật Chúa là một loạt những điều tiêu cực, cấm đóan. Dĩ nhiên trong luật Chúa có nhiều điều ta không được phép làm, nhưng Chúa đã trình bầy trong cả chương 5 rằng, luật lệ Chúa ban cho dân Chúa qua các thiên sứ và qua Môi-se hay Môi-se là luật tích cực, là điều thiêng liêng cao quý. Luật Chúa không bao giờ mang tính chất máy móc và sai lạc như các người thuộc dòng Biệt lập Pha-ri-si, các thầy dạy luật và những người tiếp nối họ thường chủ trương. Họ đã rút những điều thiêng liêng thành những điều máy móc. Chẳng hạn như họ cho rằng nếu họ không thực sự giết chết ai thì họ đã hoàn toàn giữ đúng luật; hay là không thực sự phạm tội gian dâm thì là người chân chính. Họ đã mang tội với Chúa vì không để ý đến tinh hoa của điều luật, tính chất thiêng liêng của nó, và trên tất cả là không thấy cùng đích và đối tượng cao cả của luật.

Trong câu này, Chúa tóm tắt tất cả thật gọn. Tại sao luật dạy ta là không nên tham của cải, vật sở hữu hay vợ của người láng giềng? Tại sao luật dạy: đừng giết người?; đừng trộm cắp?; đừng phạm tội tà dâm? Như vậy có nghĩa gì? Phải chăng luậg bảo ta là phải tuân giữ các luật này và các điều khoản liên quan như là luật của Quốc Hội đưa ra để quản trị và kiểm soát chúng ta trong các giới hạn nào đó? Không phải như vậy, đó không phải là mục đích của luật Chúa. Mục đích chính của luật và tinh thần của luật là chúng ta phải thương yêu nhau.

Tuy nhiên, là con người như chúng ta, bảo thương yêu nhau không không đủ, mà cần phải phân tích ra cho rõ. Vì do kết quả của việc tổ tông sa ngã mà chúng ta phạm tội, thành ra chỉ dạy: "Hãy thương yêu nhau" không đủ. Chúa Giê-xu đã phân tích ra và dạy: Khi con quý đời sống con, hãy nhớ rằng kẻ khác cũng quý đời sống họ như vậy, và nếu thái độ của con đối với người ấy đúng, con sẽ không giết người ấy, vì con biết rằng người ấy cũng coi mạng sống của mình quý như con quý mạng sống của con. Như thế nói rằng yêu thương người ấy nghĩa là con phải hiểu và ước ao làm điều tốt lành cho người ấy cũng như con muốn được điều tốt lành cho chính con vậy. Đó chính là luật lệ và lời tiên tri. Tất cả lời dạy của Chúa đều cô đọng tại điểm ấy.

Tất cả những chi tiết luật lệ trong Cựu Ước như khi thấy bò của hàng xóm đi lạc thì phải đưa nó về cho chủ nó như thế nào, hoặc là có gì tai hại xẩy ra trong trại của hàng xóm thì ta phải làm sao, không có ý dạy ta rằng: "Luật dạy rằng nếu thấy con bò nhà hàng xóm đi lạc thì ta phải đưa nó vế cho chủ nó, vì vậy tôi phải làm việc đó". Không phải như vậy, thật ra ta phải tự nhủ: "Người hàng xóm cũng giống y như ta, người ấy sẽ bị mất mát và buồn nếu con bò ấy đi lạc mất luôn. Nếu ta mất bò mà có ai đưa về cho ta sẽ mừng lắm, người hàng xóm của ta cũng vậy. Vì vậy ta sẽ đưa bò về cho người ấy."

Nói khác đi, ta phải quan tâm đến người hàng xóm, phải thương người ấy, và muốn giúp, muốn đem lại hạnh phúc cho người ấy. Mục đích chính của luật Chúa là đưa ta đến chỗ nhận thức như thế, và những trường hợp chi tiết chẳng qua là những dẫn chứng cụ thể cho ta thấy rõ vấn đề mà thôi. Vì vậy nếu ta không nhận ra tinh thần của điều luật, và mục đích của nó, ta hoàn toàn sai lạc.

Đó chính là cách Chúa Giê-xu giải thích luật lệ của Chúa ban cho dân Chúa. Ngày xưa đã thích hợp mà hiện đại còn thích hợp hơn, vì con người dù văn minh đến đâu, cũng vẫn phải sống với nhau và tình thương cũng vẫn là căn bản để xã hội trường tồn.

Chúa Giê-xu từng tóm tắt 10 điều răn trong câu: Kính Chúa, yêu người. Riêng trong các luật lệ về việc cư xử với nhau trong xã hội loài người, Chúa Giê-xu đưa ra câu: "Hãy làm cho người khác điều các con muốn người ta làm cho mình." Và Chúa thêm: "Câu này đúc kết luật pháp Môi-se và các sách tiên tri". Ta có thể nói đây là kim chỉ nam của cuộc giao tiếp với người trong mọi thời đại.

Nhưng trong việc áp dụng kim chỉ nam này thì sao?

Nhiều người khi nghe câu này tức khắc ca ngợi là hay là đẹp. Nhưng buồn thay người ta chỉ khen mà không đem vào áp dụng. Luật Chúa không phải để khen ngợi, nhưng để thực dụng. Chúa Giê-xu không giảng bài giảng trên núi để cho chúng ta bàn cãi, nhưng để chúng ta áp dụng vào cuộc đời. Chúa Giê-xu biết những người nghe lời Chúa trực tiếp trong thời đó cũng như ngày nay thường không áp dụng, nên sau đó Chúa dạy: "Ai nghe lời ta mà không làm theo, khác nào như người dại, xây dựng nhà trên bãi cát, có mưa sa, nước chảy, gió lay xô động thì nhà ấy đổ sập nhanh chóng. Nhưng người nào nghe lời ta mà làm theo, khác nào người xây nhà trên tảng đá, có mưa sa, nước chảy, gió lay xô động cũng không làm đổ được." Lời dạy của Chúa chính là nền móng vững chắc cho cuộc đời mỗi người. Nhiều cuộc đời tin Chúa mà thất vọng, đau khổ trong nhiều nan đề, phần lớn là vì không chịu áp dụng những gì mình đã nghe vào cuộc sống, hay nói khác đi, không đặt lời Chúa làm triết lý sống cho cuộc đời của mình, của gia đình mình.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người ta không áp dụng luật vàng này? Tại sao người ta không chịu tuân giữ? Tại sao người ta không chịu sống theo tiêu chuẩn ấy? Tại sao con người vẫn có những tranh chấp giữa nước này với nước khá, giữa những phe phái trong cùng một nước, giữa các gia đình với nhau, giữa một gia đình và giữa các cá nhân? Tại sao người ta có thể cãi nhau hay là đi đến chỗ mất hạnh phúc? Tại sao người này không muốn nói chuyện với người kia, hay là hai người thường tránh mặt nhau? Tại sao chỗ nào cũng thấy ganh ghét, nói xấu nhau, làm hại nhau và nhiều chuyện hư xấu khác liên tiếp xảy ra ngay chung quanh chúng ta?

Câu trả lời hoàn toàn nằm trong lĩnh vực thần học và Kinh-thánh thâm hậu. Những người dại dột thường nói rằng họ ghét thần học, nhất là thần học của sứ đồ Phao-lô. Họ nói rằng họ thích phúc âm giản dị, nhất là Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu. Nhưng nan đề chính không phải là thần học nào, hay bài giảng nào, mà là có áp dụng hay không? Thần học của Phao-lô chỉ là triển khai những gì cô đọng trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu mà thôi, vì vậy hễ ai thích Bài Giảng Trên Núi thì cũng phải quý thần học Phao-lô.

Bài Giảng Trên Núi và luật vàng mà chúng ta đang nghiên cứu đã có mặt trên đời gần hai nghìn năm nay, và trong mấy trăm năm gần đây nhất người ta đã làm đủ cách để cải tiến đời sống nhân loại, nâng cao giáo dục, phát triển mọi bộ môn nghệ thuật và triết học, nhưng nhân loại vẫn không chịu áp dụng luật vàng. Tại sao vậy? Chính chỗ này ta phải nói về thần học. Phát biểu đầu tiên của Phúc Âm là, con người đầy tội ác và sai trái. Con người là một tạo vật đã bị tội ác trói buộc và thống trị nên không thể tuân giữ luật vàng được. Phúc Âm luôn luôn khởi đầu dạy như vậy. Nguyên tắc đầu tiên của thần học là: Cuộc sa ngã của con người và tội ác trong con người. Ta có thể nói như thế này: Con người không áp dụng luật vàng, là điều tóm tắt tất cả luật pháp và các lời tiên tri, vì toàn bộ thái độ con người đối với luật Chúa là sai lầm. Con người không thích luật lệ, nhưng rất ghét. Thư La-mã 8:7 ghi rằng: "Chiều theo xác thịt là chống lại Đức Chúa Trời. Xác thịt không chịu vâng phục và không thể vâng phục luật Đức Chúa Trời." Vì vậy đưa luật ra cho dân chúng là vô ích. Không ai thích luật và không muốn thấy luật lệ. Người ta có thể ngồi nghe luật và nói là hay là tốt, nhưng đem luật ra áp dụng người ta tức khắc ghét bỏ ngay, và chống lại mãnh liệt.

Nhưng vì sao người ta có thái độ như vậy? Theo Kinh-thánh con người chúng ta đều bẩm sinh là như vậy. Trước khi chúng ta ghét luật lệ, trước khi chúng ta có thái độ sai đối với luật, chúng ta đã có thái độ sai đối với Đức Chúa Trời là Đấng ban luật ra. Luật lệ của Chúa là một biểu lộ về ý chí thánh thiện của Ngài, đó là một phát biểu về bản chất và cá tính của Đức Chúa Trời. Con người ghét luật lệ Chúa vì bản tính tự nhiên là ghét Chúa. Vì con người tự nhiên sau khi sa ngã trở thành thù nghịch, một kẻ xa lạ đối với Chúa. Con người vì vậy ghét Chúa và tất cả những gì thuộc về Chúa.

Khi con người ghét Chúa thì chỉ còn biết chính mình. Chúa Giê-xu dạy: Hãy thương người như chính mình. Nhưng đó chính là điều con người không muốn làm, vì chúng ta quá ích kỷ, chỉ nghĩ về mình mà thôi. Chúng ta yêu mình và có thái độ hoàn toàn sai đối với kẻ khác. Con người sau khi sa ngã là hoàn toàn vị kỷ, lúc nào cũng chỉ quan tâm về mình. Đây không phải là chuyện tưởng tượng, mà là thực sự. Theo bản năng tự nhiên, chúng ta hoàn toàn vị kỷ. Chúng ta thường không thích người ta nói hay nghĩ về mình một cách sai lạc, nhưng không bao giờ nhận thức rằng người khác cũng vậy, vì chúng ta không bao giờ nghĩ đến người khác. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, và ghét Chúa, vì Chúa chính là đấng can thiệp vào tình trạng vị kỷ và độc lập ấy. Con người muốn tự mình làm tất cả, nhưng Đấng Siêu việt thách thức con người và vì vậy con người không ưa thích Ngài.

Như vậy lý do mà con người không áp dụng luật vàng là vì con người vị kỷ. Khi đã vị kỷ như vậy, con người sẽ đi đến chỗ tìm cách tự thỏa mãn, tự bảo vệ, tự quan tâm. Cái tôi lúc nào cũng đặt lên hàng ưu tiên, và lúc nào cũng muốn điều gì cho chính mình. Trong một cuộc tranh cãi, người này nói rằng: Tôi có quyền hưởng nhiều hơn. Người kia nghĩ: nếu anh ta được nhiều hơn thì chắc chắn ta phải bị thiệt thòi. Vì vậy mà tranh cãi để được phần hơn và cay đắng buồn giận nhau nếu không được như ý. Xét cho cùng, mọi nan đề đếu bắt nguồn từ cái tôi cả. Các cuộc tranh chấp từ cá nhân đến quốc tế, đều có thể bắt nguồn từ cái tôi. Vì người ta chỉ nghĩ đến "nước tôi", "quyền lợi của tôi", người nước khác cũng nghĩ như thế, chính vì chủ trương mình là quan trọng cho nên thế giới mới có những cuộc chiến tranh. Tất cả chỉ vì không áp dụng luật vàng và tiếp tục sống trong chiều hướng sa ngã của tổ tông và phạm tội.

Ta hãy nói về mặt tích cực. Làm thế nào áp dụng luật vàng vào đời sống? Nghĩa là làm thế nào cho thái độ và hành động của ta phù hợp với những gì Chúa dạy ở đây?

Câu trả lời theo các sách phúc âm là phải bắt đầu với việc đối xử với Chúa. Trong phúc âm, điều răn lớn nhất là: "Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà kính yêu Chúa của ngươi" Tiếp theo là điều răn thứ hai: "Ngươi phải yêu người lân cận như mình." Ta nên để ý đến thứ tự của hai điều răn này. Ta không bắt đầu với người lân cận, mà bắt đầu với Chúa trước. Các cuộc tương giao giữa cá nhân, giữa các nhóm và giữa cả các nước sẽ không bao giờ tốt nếu không bắt đầu với Chúa. Ta không thể yêu người lân cận như mình nếu không kính yêu Chúa trước. Ta không thể nào thấy rõ mình và người lân cận cho đến khi ta nhìn vào chính mình và người lân cận qua cái nhìn của Chúa. Vì chúng ta do Chúa và vì Chúa mà được tạo dựng, nên mối tương giao giữa chúng ta và Chúa phải được giải quyết tốt trước khi nói đến việc nào khác.

Bắt đầu với Chúa có nghĩa là để tất cả những chuyện tranh cãi và bất hòa cũng như các nan đề sang một bên và nhìn lên Chúa. Chiêm ngưỡng Chúa trong vẻ thánh khiết quyền năng của Ngài và hạ mình tôn thờ Chúa, vì chỉ một mình Chúa đáng cho ta tôn thờ. Khi nhìn lên Chúa như vậy, ta quay lại nhìn mình và đồng loại, sẽ thấy thật nhỏ bé và vô nghĩa. Không những thế, ta sẽ thấy mình là những tội nhân bất khiết và quên hẳn những quyền lợi của mình. Ta nhận thấy mình nhơ bẩn xấu xa. Đây không phải là tình trạng mà Kinh-thánh vạch chỉ, mà còn là kinh nghiệm của những ai tìm đến với Chúa nữa. Nếu một người tự nhận là tín đồ Chúa mà chưa bao giờ thấy mình thật là nhơ nhuốc tội ô trước Chúa thì rất đáng nghi ngờ. Vì không ai ra mắt Chúa mà không cảm thấy mình bất xứng và tội ác. Cái biết về Chúa khiến ta hạ mình xuống thành tro bụi. Trong địa vị tro bụi đó, ta không còn nghĩ đến ưu quyền hay giá trị của mình gì nữa, cũng chẳng cần bảo vệ hay bào chữa gì cả vì ta cảm thấy mình bất khiết, bất xứng và nhơ nhuốc.

Khi đã nhìn lên Chúa, ta cũng có cái nhìn khác về đồng loại. Ta sẽ thấy mọi người không còn là những người đáng ghét, hay là đang chiếm đoạt quyền lợi của ta, đang muốn đánh bại ta trong các cuộc bon chen về tiền bạc, địa vị, danh vọng v.v. Nhưng họ và chính ta chỉ là các nạn nhân của Sa-tan và tội ác. Chúng ta đang bị trói buộc trong tội và chờ đợi cuộc trừng phạt của Chúa. Cái nhìn này cho ta biết ta và những người khác đều ở trong tình trạng đáng thương cả. Ta và người đều cần đến với Chúa để được hưởng ơn tha thứ và làm con của Chúa. Khi ấy ta sẽ thấy thích người lân cận của mình, và muốn làm những gì ta muốn người cũng làm cho mình.

Như thế khi ta nhìn lên Chúa ta nhận ra những điều huyền diệu về Chúa, ta sẽ thấy chính mình và vị trí của mình đối với Chúa; Chúa không đối đãi với ta theo những gì ta có hay ta là, nhưng Chúa luôn ra ơn thương xót cứu vớt. Chúa vẫn ban cho ta những ân huệ tốt nhất, mặc dù chúng ta là những tội nhân tệ hại nhất. Đó chính là tình thương. Chúa không nhìn chúng ta trong những thất bại về đạo đức luân lý của chúng ta, nhưng Chúa nhìn chúng ta qua tình thương và ân huệ của Ngài. Chúa đối đãi với chúng ta theo lòng thương của Chúa.

Chúa Giê-xu lý luận như vậy sau khi Ngài bảo: Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp và hãy gõ cửa cửa sẽ mở. Chúa có ý dạy rằng: Các con nên đối xử với người lân cận trong cái nhìn của ta, cái nhìn cuả tình thương. Vì từ đó các con sẽ không chú trọng về lợi của mình nữa, mà xét đến lợi của người khác.

Bài học Chúa dạy thật thâm sâu. Muốn áp dụng, cần đến với Chúa trước, đối xử với Chúa cho đúng trước, ta sẽ biết cách mà sống với con người. Luật vàng chỉ có thể thực hiện khi ta bằng lòng tin Chúa và được Chúa biến đổi.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân huệ để làm theo lời Chúa dạy.