Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 55

Cửa Hẹp

Ma-thi-ơ 7:13,14 "Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến chỗ hủy diệt; nhiều người vào cửa ấy! Còn cửa hẹp và đường chật dẫn vào sự sống, lại có ít người tìm đến."

Hai câu Kinh-thánh này có thể gọi là các câu mở đầu cho phần áp dụng lời dạy trên núi của Chúa Giê-xu.

Mục tiêu của Chúa Giê-xu trong bài giảng trên núi là cho người tin Chúa nhận định về tính chất của mình và chỉ cho họ phương cách biểu lộ tính chất ấy trong đời sống hằng ngày. Người theo Chúa phải nhận ra chính mình trong tám phước lành, thế gian sẽ không thích họ và tìm cách bách hại họ, Tuy nhiên họ không được lánh đời đi tu, họ phải vào đời như muối và ánh sáng. Họ có nhiệm vụ giữ cho xã hội khỏi hư thối và tan rã, và họ phải làm ánh sáng, vì trần gian là bóng tối dầy đặc.

Sau khi đã dạy như vậy, Chúa sang phần áp dụng thực tế về những nguyên tắc đã nêu. Chúa Giê-xu cho họ biết ngay rằng cuộc đời mà họ phải sống hoàn toàn khác hẳn với cuộc đời của bất cứ người theo tôn giáo nào khác đương thời. Chúa so sánh lời dạy của Ngài với giáo lý của nhưng người Dóng Biệt Lập hay là các giáo sư dạy giáo luật. Họ chính là những người tự xưng là thánh nhân, nhưng Chúa bảo các môn đệ phải sống hơn hẳn những người ấy. Chúa tiếp tục dạy môn đệ cách cứu tế, cách cầu nguyện và kiêng ăn. Sau cùng Chúa dạy về thái độ tổng quát đối với thế gian này và thái độ đối với nhau trong việc đoán xét. Chúa đã nêu ra các nguyên tắc để áp dụng.

Tới đó Chúa dường như dừng lại hỏi các môn đệ rằng: "Như vậy các anh đã rõ mục đích của tôi, bây giờ các anh làm sao đạt được mục đích đó?"

Chúa Giê-xu tự trả lời câu hỏi mà Ngài đặt ra bằng cách đặt trước mặt chúng ta hai cánh cổng. Cánh cổng bên trái rất lớn và dẫn vào một con đường rộng, và một đám đông người đang lũ lượt đi vào đó. Cánh cổng phía bên phải lại rất nhỏ, dẫn vào một con đường thật hẹp, chỉ có vài người vào nơi đó.

Chúa muốn người tin Chúa chọn vào cửa hẹp và bước đi trên con đường hẹp đó. Điều đầu tiên ta lưu ý là cuộc đời của người chọn tin Chúa khởi đầu rất là hẹp. Hẹp ngay từ lúc bắt đầu. Đó là điểm chính yếu trong việc truyền bá phúc âm. Chúng ta phải cho mọi người biết con đường chật hẹp đó và mọi người cần chuẩn bị thái độ để chấp nhận.

Con đường chật hẹp đó đòi hỏi ta phải bỏ lại đằng sau nhiều điều, và phải vào với hành trang nhẹ nhàng, không vướng mắc.

Chúng ta phải bỏ lại đằng sau những gì?

1 Trước tiên là thế tục.

Chúng ta bỏ lại đằng sau một đám đông, một lối sống trần tục. Ta phải nhận định rằng khi làm môn đệ Chúa, ta đã trở thành một người đặc biệt và khác thường. Ta đã tách ra khỏi đám đông, khỏi trần thế, khỏi lối sống thông thường. Cuộc sống của người tin Chúa không bao giờ được mọi người ca ngợi, đám đông cổ võ đâu. Nếu ta muốn nổi danh, muốn được mọi người biết đến, chắc phải vào cửa rộng, vì nơi ấy đông người và dễ dãi hơn. Con đường theo Chúa rất cô đơn.

Từ khi còn bé đi học, ta muốn sống như các trẻ em khác, áo quần, giày dép phải như mọi người. Khi lớn lên, vào xã hội, ta cũng muốn cư xử, nói năng, ăn mặc không khác gì người nào cả, vì như thế cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng tin Chúa làm ta khác với mọi người từ lối ăn mặc cho đến tư tưởng,

quan niệm, lời nói, cử chỉ và việc làm.

Ta như đang bị đám đông lôi kéo theo, bỗng dừng lại, một mình đổi hướng và bị cả đám đông chế diễu. Việc làm này hoàn toàn khó khăn nếu không nhận định rõ vì sao mình phải ngừng lại và giá mình phải trả là gì. Nhưng đây là quyết định quan trọng nhất của một đời người: tách rời khỏi đám đông và đổi hướng.

Cánh cửa hẹp mà ta chọn sẽ đưa ta đối diện với Chúa, đối diện với nan đề của đời sống con người với linh hồn và cả số phận của ta.

2. Điều thứ hai mà ta phải từ bỏ là lối sống của thế tục.

Cuộc từ bỏ này khó hơn. Rời khỏi đám đông thì dễ nhưng bỏ lối sống của đám đông ấy khó hơn nhiều. Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cuộc đời đi tu. Nhưng đi tu chưa phải là bỏ lối sống thế tục. Vì đi tu chỉ là rời bỏ thế tục trong hình thức, từ bỏ đám đông, xa cách những con người mà thôi. Ngay ở nơi tu trì, tinh thần thế tục vẫn có mặt. Điều này cũng thấy rõ trong nhiều người đã tin Chúa nhưng vẫn còn mang tinh thần thế tục và lối sống thế tục. Họ đem những điều này vào trong Hội Thánh, vì vậy Hội Thánh mới lắm nan đề. Những người này không từ bỏ tinh thần thế tục, nghĩa là vẫn còn lòng tham, ích kỷ và kiêu căng.

Nếu sống theo thế tục trong một môi trường sống mới mà thôi thì vẫn chưa phải là môn đệ Chúa. Nói khác đi, muốn vào cửa hẹp, ta phải bỏ lại bên ngoài cửa những gì làm cho vừa lòng người thế gian.

Theo Chúa là bằng lòng từ bỏ những gì thuộc về thế tục, vì lối sống mới trong Chúa không thể nào dung nạp một phần nào thuộc về thế tục được.

3. Điều thứ ba ta cần từ bỏ là "cái tôi" của mình.

Nếu ta muốn thật sự vào lối sống hẹp hòi trong Chúa, ta phải nhất quyết để cái tôi bên ngoài. Đây là trở ngại lớn nhất cho cuộc đời theo Chúa. Từ bỏ thế gian và lối sống thế tục đã quan trọng, mà từ bỏ cái tôi lại còn quan trọng hơn nữa.

Cái tôi chính là con người bẩm sinh theo dòng A-đam, sa ngã phạm tội. Phao-lô dạy: "Hãy lột bỏ con người cũ." vì người tin Chúa được trở thành con người mới. Trên lối đi hẹp hòi với Chúa, không có đủ chỗ cho cả hai con người. Con người cũ phải để lại. Hơn nữa, lời Kinh Thánh dạy là cái tôi không có chỗ trong vương quốc của Chúa.

Tân Ước dạy nhiều về việc từ bỏ cái tôi và tính kiêu căng. Mở đầu Bài Giảng Trên Núi là "Phước cho những kẻ nghèo khó trong tâm linh" Không ai bẩm sinh mà muốn nghèo khó trong tâm linh, nhưng ngược hẳn lại. Tất cả chúng ta sinh ra đều có một bản chất kiêu hãnh, và thế gian làm đủ mọi cố gắng để khuyến khích sự kiêu hãnh đó từ lúc chúng ta ra đời. Thành ra điều khó nhất trên đời là trở thành nghèo khó trong tâm linh. Đó là hạ mình trước kiêu hãnh, nhưng là việc làm quan trọng nhất. Bên ngoài chiếc cổng hẹp có treo một tấm bảng nhỏ, ghi: "Hãy để "cái tôi" ở ngoài." Làm sao ta có thể cầu phước cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ lợi dụng chúng ta, nếu chúng ta không cảm biết tâm linh mình nghèo khó? Làm thế nào theo Chúa, làm con của Cha trên trời, và yêu kẻ thù, nếu chúng ta vẫn tự lên mình, luôn luôn bào chữa, chỉ lo cho thân mình?

Chúng ta đã nói qua các việc này từng chi tiết một, nhưng nay chúng ta thử nhìn lại một cách tổng quát, khi Chúa kêu gọi chúng ta vào cửa hẹp. Cái tôi không thể nào tồn tại trong không khí này; thực ra, cái tôi phải bị đóng đinh trên thập giá rồi.

Đừng phán xét để khỏi bị phán xét. Hãy làm cho người điều ta muốn người làm cho mình., v.v. Chúa đã dạy ngay từ ban đầu, không nên có một ảo tưởng nào về điều này. Nếu ta nghĩ theo Chúa là một cuộc đời nổi danh và được người khen ngợi, thì nên dừng lại suy nghĩ trở lại bước thứ nhất, ngay từ khi sắp vào cổng hẹp. Vì người vào cổng ấy phải để lại cái tôi ở ngoài. Chúa Giê-xu từng dạy: "Ai muốn theo ta, hãy tự bỏ mình đi, vác thập giá mà theo ta." Nhưng từ bỏ mình không có nghĩa là tự kiềm chế mình đối với một số lạc thú ở đời hay là những điều mà ta ưa thích, nhưng nghĩa là từ khước cả những điều đúng cho chính mình nữa, nghĩa là để con người của mình ở ngoài, và đi vào cửa hay cổng hẹp với lời tuyên bố như Phao-lô rằng: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Cứu Thế sống trong tôi."

Đó là điều thứ nhất. Chiếc cổng này rất hẹp và khởi đầu trên con đường chật của cuộc đời theo Chúa, là bằng lòng để bản ngã ở bên ngoài.

Nhưng cổng hẹp và chật còn mang nghĩa khó khăn nữa. Lối sống của người theo Chúa là lối sống khó khăn. Đây không phải là một cuộc đời dễ dãi. Cuộc đời theo Chúa quá vinh quang và huyền diệu đến nỗi không thể dễ dãi được. Cuộc đời sống như Chúa Cứu Thế làm sao dễ dàng được? Tiêu chuẩn của Chúa rất khó - cảm tạ Chúa. Tội nghiệp cho những người chỉ muốn những gì dễ dãi và tránh khó khăn. Đây là loại cuộc đời cao nhất trong nhân sinh, cũng vì cao và khó như thế nên chật hẹp. Chúa nói: "Lại có ít người tìm đến." Dĩ nhiên là như thế. Người ta thường đi hỏi thuốc quanh hơn là đến thẳng với thầy thuốc, người ta hay đi nhờ những người không chuyên nghiệp hơn là nhà chuyên môn. Ai ai cũng cứ theo thói thường mà sống, nhưng khi ta muốn đạt đến chỗ cao quý hơn, giá trị hơn, ta sẽ thấy không mấy người làm như mình. Đời sống tin Chúa cũng vậy; đó là loại đời sống cao quý và chỉ có một số ít người tìm đến mà thôi, vì rất khó. Ta không cần nói nhiều ở đây vì qua Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu chúng ta cũng đã hiểu cuộc đời theo tiêu chuẩn của Chúa khó khăn như thế nào.

Chật và hẹp còn mang nghĩa chịu khổ nữa, vì nếu muốn sống cho đúng tiêu chuẩn của Chúa thì chắc chắn sẽ bị người đời làm khó dễ. Người đời luôn làm khó dễ và bách hại những người tin theo Chúa và sống đời thánh thiện. Chúa Giê-xu chính là thí dụ điển hình hơn cả. Trong nhân loại chưa từng có ai sống thánh thiện, vô tội, thương người như Chúa, nhưng cũng ít ai từng bị bách hại và ngược đãi như Chúa. Phao-lô dạy trong Kinh Tân Ước rằng: "Những ai muốn sống đời hẳn hoi như Chúa Cứu Thế, thì chắc chắn sẽ bị bách hại." Ai lại thích bị bách hại bao giờ? Ta còn không thích bị chỉ trích phê bình hay là bị đối xử tàn tệ, đừng nói đến ưa bị bách hại. Nhưng Chúa dạy, vào cửa hay cổng hẹp là chấp nhận con đường bách hại. Vì vậy muốn theo Chúa, phải chuẩn bị để chịu khổ.

Ta phải chuẩn bị vì sẽ bị hiểu lầm. Bị ngay những người gần nhất, thân nhất với mình hiểu lầm. Chúa Giê-xu nói rằng, Chúa đến không đem hòa thuận mà đem gươm. Gươm phân chia mẹ với con, hay cha với con, và những người trong gia đình mình lại là những kẻ thù ác độc nhất. Tại sao vậy? Vì ta đã được dành riêng ra. Ta đã được tách rời ra khỏi gia đình, đã vào cổng hẹp hòi là nơi không chấp nhận toàn gia đình, nhưng từng người một. Khi ta tin Chúa, ta thực sự không bị xa rời gia đình trong không gian và thời gian, nhưng trong tâm linh, đó chính là chỗ ta bị hiểu lầm và phải chịu khổ, vì không giải thích được.

Con đường theo Chúa mở đầu bằng một cánh cổng hay cửa hẹp và chính con đường cũng hẹp và khó đi vô cùng. Cuộc đời theo Chúa khó từ lúc đầu cho đến cuối cùng. Người ta bảo rằng hành trình theo Chúa không có chỗ nghỉ, không có ngày nghĩ lễ, nhưng cứ tiếp tục mãi không dừng. Đường vừa hẹp, kẻ thù lại nhiều trên suốt đường ta đi.

Nghe nản quá phải không quý vị? Ta cần thực tế hơn. Cuộc sống theo Chúa là một cuộc chiến chống lại toàn bộ chủ quyền, sức mạnh, tối tăm, tội ác trong khi còn phải sống trên đời này. Có những cạm bẫy cám dỗ trên đường đời, ta cần cảnh giác và sẵn sàng tránh thoát, từ đầu tiên cho đến cuối cùng.

Người theo Chúa cần được cảnh giác về cánh cửa hẹp, con đường chật, khó khăn khổ cực này. Vì thế ta cần phải tính giá phải trả trước khi quyết định theo Chúa. Con đường theo Chúa chật hẹp, khó khăn, nhưng đó là con đường duy nhất giải thoát ta ra khỏi tội ác trong cuộc đời và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.

Lòng tin nơi Chúa và quyền năng của Chúa sẽ đưa ta vào cuộc đời theo Chúa và ân huệ cũng như ân sủng của Chúa sẽ được ban cho để ta chạy mà không mệt, đi mà không mòn mỏi. Bạn hãy vững lòng, vì theo Chúa vẫn là con đường hạnh phúc thật đang mở ra trước mắt bạn.