Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 56

Con Đường Hẹp

Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:13,14 "Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến chỗ hủy diệt; nhiều người đi vào cửa ấy! Còn cửa hẹp và đường chật dẫn vào sự sống, lại có ít người tìm đến."

Hai câu Kinh-thánh trên đây không có ý bảo chúng ta chiêm ngưỡng tính chất của nước trời hay là cuộc đời người tin Chúa một cách khái quát. Đây không phải là lời mời đến và quan sát một quang cảnh tuyệt vời, hay là ngồi trên một khán đài nhìn vào nơi trình diễn. Đây là lời kêu gọi tham dự, hành động. "Hãy vào..." hai chữ này vừa mời vừa khuyến khích, như sau khi được giới thiệu đầy đủ mọi chi tiết về một nơi, bây giờ kêu gọi tham dự.

Đây là một lời kêu gọi hành động. Nghĩa là Phúc âm của Chúa Giê-xu hay các nguyên tắc của nước trời là những gì đòi hỏi một quyết định và một cam kết. Đây là một mệnh lệnh không thể nào trốn tránh được. Đây không phải là một thứ triết lý để ta nghiên cứu rồi so sánh với các thứ triết lý khác. Nghĩa là không thể nào nghe mà không có thái độ; và nếu quan tâm của chúng ta về các điều dạy này chỉ thuần tuý trí thức, không ảnh hưởng gì đến cuộc đời, thi Kinh-thánh Tân Ước bảo rằng chúng ta chưa phải là môn đệ của Chúa.

Dĩ nhiên đây là một triết lý sống huyền diệu, nhưng không phải để đọc, để chiêm ngưỡng mà là một điều gì chế ngự cả cuộc đời của chúng ta. Giáo lý này đến với chúng ta cũng như khi Chúa Giê-xu tiếp xúc với con người. Khi Chúa gặp Ma-thi-ơ, Chúa bảo: "Hãy theo ta!" Ma-thi-ơ đứng dậy đi theo Chúa. Phúc âm của Chúa cũng vậy. Chúa không bảo: "Hãy xem ta đây, khâm phục ta đi!" Nhưng Chúa gọi: "Hãy theo ta!". Đó là lời kêu gọi quyết định, cam kết.

Đây cũng là một điều rất quan trọng. Không phải là chỉ mô tả những vinh quang, những vẻ đẹp và những huyền nhiệm của một con đường hẹp mà chúng ta sẽ nhìn thấy vì đang còn ở xa. Đây là con đường ngay trước mặt phải bước vào.

Vì vậy chúng ta cần tự hỏi một câu rất đơn giản là: Tôi có thật sự dấn thân vào con đường hẹp này hay không? Đây có phải là điều sẽ chế ngự cả cuộc đời tôi hay không? Tôi đã thấy rõ những gì tôi cần phải làm, tôi có bằng lòng tuân hành những lời dạy đó hay không? Những lời dạy ấy có hướng dẫn cuộc đời tôi không? Có chế ngự và kiểm soát mọi quyết định và hành động của tôi không? Dĩ nhiên đây là một hành động rõ rệt của ý chí. Lời kêu gọi đó như thể bảo tôi tự nhủ rằng: "Xác nhận đây là điều Chúa dạy và tiếng gọi của Chúa, tôi xin vâng theo, dù cuộc đời có ra sao chăng nữa và hậu quả nào cũng vậy. Con đường này bây giờ là cả cuộc đời của tôi, tôi tin và hành động như lời dạy truyền."

Những người tin Chúa trong các thời đại trước thường dạy các tín hữu rằng nên lập giao ước với Chúa. Nghĩa là sau khi đã nhận định rõ mọi điều, những người ấy phải ngồi xuống lấy giấy viết ra những cam kết của mình với Chúa rồi ký tên ở dưới, đề ngày vào, y như một tờ cam kết buôn bán ở đời. Sau đó dâng lên cho Chúa, như những người lính đầu quân, bằng lòng nhận lệnh của quân đội và triệt để tuân hành. Sở dĩ ngày xưa người ta làm như vậy vì rất nhiều người chỉ đến với Chúa trong tư thế người quan sát hay khán giả chứ không chịu thực hành gì cả. Ngày nay cũng thế, vẫn có những người chỉ chiêm nghiệm Chúa mà không bao giờ thực sự bước vào con đường hẹp với Chúa.

Nguyên tắc thứ hai là: Sau khi đã nhìn vào lời Chúa dạy và quyết định sẽ hành động, tôi bắt đầu tìm ra cánh cổng hẹp đó. Ta nên chú ý lối nói của Chúa ở đây: "Còn cửa hẹp và đường chật, dẫn vào sự sống, lại có ít người tìm đến." Cánh cửa hẹp này cần cố ý tìm đến. Ý chính là ta phải rời từ chỗ tổng quát đến chỗ đặc biệt. Trong kinh nghiệm, chúng ta thường thấy một điều nguy là người ta thường nghe hay đọc lời Chúa dạy, gật đầu đồng ý, nhưng không bao giờ chịu áp dụng gì cả. Như thế có nghĩa là chưa đi tìm cửa hẹp.

Tìm cửa hẹp tương tự như sau khi đã thu nhận lời Chúa dạy, biểu lộ sự đồng ý, ta tự nhủ: "Trên thực tế, tôi phải làm gì đây?" Đó chính là tìm cửa hẹp. Tìm cửa hẹp không dễ đâu, rất khó. Trước tiên ta phải ra khỏi con đường mình đang theo đuổi để đi tìm cửa hẹp. Ta cần phân tích chính mình, thành thật với mình, và quyết tâm nói rằng: ta sẽ tiếp tục cho đến khi ta biết mình phải làm gì. Nhiều người không bao giờ đi đến quyết định nào cả vì không có quyết tâm. Đọc tiểu sử các danh nhân, ta thấy nhiều người tìm cửa hẹp khá lâu. Những người ấy kiêng ăn, ép mình, cầu nguyện, không biết phải làm những gì. Nhưng vì cố công tìm cửa hẹp, họ đã tìm thấy và bước vào. Về một phương diện, chúng ta ai cũng làm như vậy cả. Nghĩa là chúng ta không chịu nghỉ cho đến khi biết rõ là mình đang đi trên đường hẹp thật sự. Đó chính là "vào cửa hẹp". Ta chỉ có thể bước vào cửa hẹp sau khi đã tìm được.

Bước thứ ba là, sau khi đã quyết định vào cửa hẹp và tìm thấy cửa, bước vào rồi, phải thẳng bước tiến tới. Ta phải cam kết và tự nhắc mình rằng mình là ai và đang làm gì. Như thế nghĩa là vào cửa hẹp và tiếp tục đi. Không phải chỉ vào, mà tiếp tục tiến tới. Người tin Chúa mỗi ngày cần tự nhắc mình rằng: "Tôi là con của Chúa; tôi là người đặc biệt; tôi không giống người nào cả; tôi thuộc về gia đình của Chúa. Chúa đã chết thay tôi và đã đưa tôi từ chỗ tối tăm trần gian vào nước Chúa. Tôi đang trên đường lên trời, tôi đã định hướng rõ. Nhưng tôi còn phải trải qua đời này. Tôi biết cuộc đời nhiều thử thách và cám dỗ. Tôi biết những âm mưu tinh tế của Sa-tan, nhưng tôi không thuộc về nó. Tôi chỉ là mọt lữ khách, một người khách lạ, một mình theo Chúa trên con đường này." Khi tự nhắc mình như thế, ta sẽ cam kết tiến bước trên con đường hẹp.

Tại sao tôi phải đi trên đường hẹp này là một điều ta cần nhắc lại luôn luôn.

Lý do thứ nhất Chúa Giê-xu đưa ra để khuyên ta vào cửa hẹp và đường chật là tính chất của hai loại đời sống mở ra trước mắt chúng ta và sẵn sàng cho chúng ta bước vào. Một con đường rộng bước vào bằng chiếc cổng rộng, và con đường kia hẹp, đi vào bằng cửa cũng hẹp. Ta chỉ cần nhận ra tính chất thật của mỗi con đường thì sẽ không còn phải đắn đo ngần ngại gì cả.

Con đường rộng của trần gian là con đường thu hút nhiều người đến nỗi họ buông thả linh hồn bất diệt vào đó. Người ta chỉ muốn được thỏa mãn ngay tức khắc những thèm muốn của thể xác, nhưng không hay rằng tất cả những gì đẹp đẽ, cả thế gian chạy theo đó, sẽ tàn tạ nhanh chóng và đưa đến các đau khổ khó giải. Đó là một cuộc sống trống rỗng và tạm bợ. con người sống trong đó không bao giờ được thỏa mãn, không bao giờ biết giá trị thật. Con đường rộng trống rỗng và vô dụng về phương diện tri thức, đạo đức và mọi khía cạnh giá trị khác.

Còn con đường hẹp thì sao? Con đường ấy tương phản hẳn. Đó là loại đời sống Chúa Giê-xu nói đến trong toàn bộ bài giảng trên núi. Loại đời sống làm cho tri thức thỏa mãn, tinh thần sảng khoái và thấy ý nghĩa và giá trị thật của đời sống. Những người chưa tin nhận Chúa không thể nào thấy được vinh quang và huyền nhiệm của cuộc đời tin Chúa. Phao-lô nói rằng: Chúa đời này làm mù lòng họ. Vì thế nên họ không thể nhìn từ con đường rộng mà thấy gì hay đẹp trong con đường hẹp. Nhưng khi người nào được ơn Chúa soi dẫn thấy được đôi chút vinh quang, huy hoàng và ưu quyền của cuộc đời cao đẹp này, thì người ấy sẽ không còn thèm khát điều gì khác trong đời nữa. Nếu người nào ta tự xưng là đi trên đường hẹp mà còn chạy theo những nẻo đường khác là người chưa thật sự nhìn thấy vinh quang của Chúa.

"Cửa rộng và con đường thênh thang sẽ đưa đến chỗ diệt vong." Còn "Cửa hẹp và đường chật dẫn đến đời sống vĩnh hằng." Người nào đi đường mà không nghĩ đến nơi mình đến thì thật là người dại dột. Nếu đi đường chỉ để đi mà thôi thì thật là vô lý và không có ý nghĩa nào cả. Ta cần để ý ngay đến nơi mình đến trước khi khởi hành. Nếu ai cũng đặt câu hỏi đó và trả lời dứt khoát được, thì đời sống nhân loại đã thay đổi hẳn rồi. Phao-lô đã nói rõ, mục đích và nơi đến của con đường rộng là hổ nhục, khổ sở và diệt vong. "Tiền công của tội là chết" - đây là cái chết về tâm linh và xa cách hoàn toàn với Đức Chúa Trời trong đau thương, tuyệt vọng và hối tiếc. "Nhưng ân huệ của Đức Chúa Trời là đời sống vĩnh hằng nhờ Chúa Giê-xu Chúa chúng ta." Nếu khi nào bạn đã tin Chúa rồi mà đời sống dường như chán nản, hãy nghĩ ngay đến tận cùng của con đường mình đi. Sau đó hãy nghĩ đến những gì người đời đang hưởng và cuối cùng của con đường họ đang tiến bước. Cuộc đời không phải lúc nào cũng vui tươi hoan lạc, vì còn tuổi già tật bệnh, đau khổ và cái chết. Đến một lúc không còn hút xách, rượu chè, cờ bạc, trai gái nữa được. Trên giường nằm chờ chết những người ấy sẽ suy nghĩ gì? Họ sẽ có tương lai là gì? Không có gì cả. Không còn gì ngoài ra kinh hãi, rùng rợn, dày vò và diệt vong. Đó là cuối cùng của cuộc đời đi trên đường thênh thang hiện tại. Đây không phải là chuyện bịa đặt, vì mọi người đều biết rõ như vậy.

Con đường hẹp khác hẳn. Con đường ấy đưa ta đến đời sống phong phú. Khởi đầu là một cuộc đời mới, cái nhìn mới, những ước muốn mới, mới tất cả; rồi khi ta tiến bước, mọi kinh nghiệm sẽ lạ lùng hơn, huyền nhiệm hơn. Mặc dù đường hẹp không có những vui thú tạm bợ nhưng cuộc đời thật vinh quang thỏa mãn, và đích đến là cõi vĩnh hằng bất diệt. ta đang bước vào một cơ nghiệp mà Phi-e-rơ gọi là "không hư hoại, không hoen ố, không phai tàn" mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho mỗi chúng ta.

Một lý luận khác trong hai câu Kinh-thánh này là, nếu không vào cổng hay cửa hẹp tức là đang đi trên con đường rộng. Cuộc đời này chỉ có hai con đường đó, nếu không đi trên đường này thì chắc chắn đang đi trên đường kia. Không thể nào có ai đang ở giữa hai con đường ấy được. Nhiều người không tin Chúa, vẫn cho rằng mình đã đi trên đường hẹp vì cách sống thánh thiện của mình. Thực ra, ai không tin Chúa là chống lại Chúa, mặc dù người ấy không tuyên bố như vậy. Không quyết định giữa việc theo Chúa hay không tin Chúa, cũng chính là đã chống lại Chúa. Vì không quyết định cũng đã là quyết định. Như thế, mỗi chúng ta hoặc đang đi trên đường hẹp hay đang đi trên đường rộng, không có chỗ nào trung gian hay trung lập cả.

Một câu hỏi mà mọi người nên đặt ra, nhất là những người sống trong trần thế, cứ từ thú vui này sang thú vui khác, những người coi làm việc thành thật là điều làm cho chán nản, hay chỉ là một cách kiếm tiền để trở lại tìm thêm thú vui nữa. Trong con đường ấy có gì? Được lợi gì? Có gì làm cho thích thú thỏa mãn không? Giá trị tinh thần sau cùng là gì? Có gì đặc biệt trong lối sống ăn diện hợp thời trang và có ảnh chụp trên các báo chí của đời? Giá trị thật của những lời khen ngợi tán tụng của người đời là gì? Ta hãy nhìn vào cuộc đời của những người sống cho các mục đích đó, phân tích cho kỹ, nhất là mục tiêu cuối cùng của họ. Phải thành thật nhận rằng: thật là trống rỗng. Không có gì trong ấy cả, vì chỉ là mặt ngoài và trống rỗng. Nhưng ngoài lòng tin đặt nơi Chúa ra cũng khó hiểu tâm trạng của những người sống trong mức sống như thế. Những người ấy có tâm trí, nhưng dường như không sử dụng trong những ảo ảnh, lừa dối, dại khờ của đời này. Vì tất cả cuộc đời trống rỗng ấy chỉ là hào nháng, biểu diễn, bóng hình và sắc vẻ.

Bây giờ thử nhìn vào cuộc đời bên kia xem khác biệt là gì? Con đường rộng trống rỗng và vô dụng về phương diện tri thức, đạo đức và tất cả mọi khía cạnh khác. Nó để lại một vị ghê tởm trong miệng người, ngay khi sống ở đó, và đưa người đến chỗ ganh ghét và ganh tỵ cùng với đủ loại những điều gọi là không xứng đáng cho đời người. Nhưng con đường kia, biểu tượng bằng những lời dạy trong Bài Giảng Trên Núi, ta thấy thật là huyền diệu. Hãy đọc Kinh-thánh Tân Ước bạn sẽ thấy đó chính là thức ăn thật của tri thức. Đây là những lời dạy cần cho tâm trí khiến bạn phải suy nghĩ, chấp nhận, quyết định, vì đây là những điều làm cho bạn được thỏa mãn thật và lâu bền.

Điều khó cho người chưa tin nhận Chúa là họ không bao giờ thấy được vinh quang và huyền diệu của đời sống tin Chúa. Cuộc đời ấy cao quý, thánh sạch và ngay lành biết bao! Nhưng họ không bao giờ nhìn ra được. Họ hoàn toàn bị che khuất, không thấy được. Như Phao lô đã nói: Chúa đời này làm mù lòng họ. Nhưng một khi đã thấy đôi chút vinh quang, huy hoàng và ưu thế của lời kêu gọi cao quý này, thì người ấy chắc chẳng còn muốn thèm khát điều gì hơn nữa. Ta nên thực tế và thẳng thắn trong nhận định này. Bất cứ người nào gọi đời sống tin Chúa là đường hẹp mà vẫn còn thèm khát con đường khác, là công khai tuyên bố rằng người ấy chưa thật sự thấy vấn đề.

Hai cuộc đời đó có đặc tính và chất lượng khác nhau. Kinh Tân Ước luôn luôn trình bầy điểm tương phản giữa hai cuộc đời ấy. Các thư tín trong Tân Ước luôn luôn nhắc lại các lý luận đó. Các tác giả Tân Ước dường như bảo rằng: "Lẽ nào đã thấy rõ như vậy, các bạn còn muốn trở lại con đường cũ sao?" Vì "Cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến chỗ huỷ diệt." còn "Cửa hẹp và đường chật, dẫn vào sự sống". Người không nghĩ đến cuối cùng của con đường mình đi là kẻ khờ dại. Người nào đi đường để mà đi thôi thì thật là nghịch lý và mâu thuẫn. Đó chính là lý luận của Kinh-thánh từ đầu cho đến cuối. Hãy để ý đến lúc cuối cùng, chỗ cuối cùng của cuộc đời.