Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Yên Lặng

Thi-thiên 46:10; Truyền-đạo 2:22-23

"Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất" (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Mỗi ngày bạn để ra bao nhiêu tiếng xem truyền hình, nghe radio, nghe nhạc, hay chơi các trò chơi điện tử? Nếu không có những thứ đó, cuộc sống của bạn có thay đổi gì không? Theo Truyền-đạo 2:22-23 thì sự lao khổ đưa đến điều gì? Thi-thiên 46:10 có mệnh lệnh nào? Khi yên lặng và nhận biết Đức Chúa Trời, sẽ giúp gì cho bạn? Giữa những bận rộn, bạn tập yên lặng để nghe tiếng Chúa như thế nào?

Trong thế kỷ thứ 21 này, dường như mọi người đều quá bận rộn. Nền văn minh nhân loại đẩy cuộc sống gắn liền với những phương tiện tối tân. Nếu một ngày không có điện thoại cầm tay, truyền hình, radio, máy vi tính, không xe gắn máy, xe hơi... liệu chúng ta sẽ sống thế nào? Nhiều người gưœi điện thư chúc mừng sinh nhật, gọi điện cho nhau mặc dù chỉ ở cách nhau chưa đầy 20 bước! Chúng ta bị lệ thuộc vào thế giới "ảo" đến nỗi không còn muốn tham dự vào thế giới "thực" nữa.

Các bạn trẻ có hằng trăm người "bạn" trên mạng nhưng chưa hề bắt tay nói chuyện với người hàng xóm của mình. Trong Hội Thánh, chúng ta có một nhóm nhỏ là đủ, không cần biết đến những người khác dù vẫn gặp nhau hằng tuần. Ngay cả với Chúa cũng vậy, dường như chúng ta gắn với các thiết bị nhiều hơn là gắn với Chúa. Trong sách Truyền-đạo 2:22-23, Vua Sa-lô-môn dự đoán rằng chúng ta, những người sống sau ông hơn 3 ngàn năm, đang "lao khổ, cực lòng, làm việc, đau đớn, buồn rầu, chẳng được an nghỉ, hư không." Chúa tạo dựng chúng ta để chúng ta tương giao với Ngài và với nhau, như thế những điều gì cản trở hai mối quan hệ này cần phải được loại bỏ. Nói một cách khác, các thiết bị nêu trên đang phục vụ chúng ta hay chúng ta đang phục vụ chúng?

Chúng ta khó mà hưởng sự yên lặng giữa thế giới đầy âm thanh, xáo trộn này. Yên lặng đòi hỏi phải kiên nhẫn chờ đợi và điều này làm chúng ta không an tâm, cảm thấy vô ích và thừa thải. Cho nên chúng ta bật máy truyền thanh, truyền hình, hay máy nghe nhạc lên. Chung quanh chúng ta đầy dẫy những âm thanh, những lời nói khẩn cấp, lộn xộn, vô bổ, bực tức, xúc phạm, thuyết phục, và dụ dỗ. Dần dần, chúng ta mất đi khả năng phân biệt lời nói nào là quan trọng, cần ghi nhớ. Khi học Kinh Thánh, chúng ta muốn "đi ngay vào chủ đề," tóm tắt cho xong để còn làm việc khác nữa. Khi nghe giảng, chúng ta muốn nghe những lời nói hùng hồn, những câu danh ngôn đáng nhớ, những ví dụ, câu chuyện cảm động, chúng ta quên ngay Lời Chúa khi ra khỏi nhà thờ. Trong Thi-thiên 46, tác giả mời chúng ta đến (yên lặng) nhìn xem các công việc của Đức Giê-hô-va, hãy (yên lặng) biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ ở cùng chúng ta (câu 8-10). Tiên tri Ha-ba-cúc nói: "Nhưng Đức Giê-hô-va ở trong đền thánh của Ngài, trước mặt Ngài, cả đất hãy làm thinh!" (2:20). Chính Chúa Giê-xu cũng thường tìm kiếm sự yên lặng để thông công với Đức Chúa Trời: "Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện" (Lu-ca 5:16). Mời bạn bắt đầu thói quen thuộc linh yên lặng, bằng cách biệt riêng một khoảng thời gian, tắt hết mọi nguồn âm thanh chung quanh, và lắng nghe tiếng Chúa nói chuyện với mình. Yên lặng giống như chúng ta trút nước ra khỏi ly để dọn chỗ đựng nước mới. Trong yên lặng, chúng ta dọn lòng mình để chuẩn bị lắng nghe tiếng Chúa, để Ngài tương giao với chúng ta. Bạn sẽ tìm thấy sự an bình, thoải mái, sung mãn của một đời sống trong đó Chúa là Chủ, là CHÚA, là trung tâm của trái tim mình.

Xin Chúa giúp con thu xếp thì giờ, dẹp qua một bên tất cả những âm thanh lộn xộn của thế gian, học yên lặng, hầu tương giao và lắng nghe tiếng của Ngài phán bảo với con.

(c) 2024 svtk.net