Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Lời Kêu Cầu Bên Bờ Vực

Thi-thiên 22:1-21

"Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Đa-vít kêu cầu Đức Chúa Trời trong cảnh ngộ nào? Nguồn cứu giúp duy nhất mà ông trông cậy đến từ đâu? Bạn có kinh nghiệm nào giống như ông Đa-vít?

Thi-thiên 22 được Tân Ước trích dẫn nhiều nhất. Ông Đa-vít viết Thi-thiên này để mô tả kinh nghiệm bản thân, nhưng bởi Chúa Thánh Linh, ông cũng viết những lời tiên báo về Chúa Giê-xu, Đấng chịu khổ trên cây thập tự (câu 7-8, 16, 18). Vì thế, khi đọc Thi-thiên này chúng ta có thể hiểu ông Đa-vít nói với chúng ta: (a) về sự đau khổ của ông; (b) về sự thống khổ của Chúa Giê-xu; (c) về sự đau khổ nói chung mà con người phải chịu dưới hình thức này hoặc hình thức khác.

Hầu hết những đau khổ mà con người phải chịu được mô tả trong Thi-thiên này, nào là sự buồn nản, thất vọng, nào là sự nhục nhã, thù địch, đau khổ và sự chết. Chúa Giê-xu đã từng trải những nỗi khổ như thế. Ngài "bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta" (Hê-bơ-rơ 4:15). Có lẽ một trong những nỗi khổ giằng xé tâm hồn con người nhiều hơn hết là cảm giác cô đơn vì bị từ bỏ. Người chịu đau khổ cảm thấy bị Đức Chúa Trời cũng như bè bạn từ bỏ (câu 1). Dù ngày đêm kêu than nhưng dường như Đức Chúa Trời vẫn yên lặng. Vì sao? Vì Ngài muốn thử thách đức tin của ông Đa-vít, cũng như chúng ta. Cha Thiên Thượng đầy lòng từ ái, muốn chúng ta thưa với Ngài những nỗi buồn lo, bối rối như thế nào, rồi Ngài sẽ đáp lời, đem chúng ta ra khỏi sự buồn rầu, giúp chúng ta giải quyết những nan đề của mình.

Trong lúc đau khổ và tưởng chừng như không thể thoát chết (câu 14-16), ông Đa-vít than thở rằng ông là con giun chứ không phải con người (câu 6). Khi nói như thế, ông không có ý xem thường bản thân là tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Ông chỉ muốn nói lên nỗi đau khi bị khinh dể, chế giễu, nhục mạ (câu 6, 7). Kinh nghiệm bị Đức Chúa Trời và loài người từ bỏ giống như kinh nghiệm của ông Gióp. Rồi từ trong đau khổ, ông Đa-vít hướng lòng về Đức Chúa Trời là Đấng đã đem ông ra khỏi lòng mẹ. Ông tiếp tục kêu cầu Đức Chúa Trời giải cứu khỏi những kẻ sắp tiêu diệt ông. Ông Đa-vít nhận biết ngoài Ngài chẳng có sự cứu giúp nào khác (câu 11).

Nếu bạn đang cảm thấy thất vọng, ngã lòng và đang xa cách Đức Chúa Trời, bạn cần phải làm gì? Hãy để Lời Đức Chúa Trời trong Thi-thiên này khích lệ bạn. Hãy tạ ơn Chúa Giê-xu vì Ngài chịu tất cả thống khổ, cả sự chết cho tội lỗi của chúng ta để lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời nhậm, và để chúng ta kinh nghiệm được Đức Chúa Trời ở với chúng ta — Em-ma-nu-ên. Đấy là ý nghĩa của Chúa Nhật thứ ba trong Mùa Vọng này. Mời bạn suy ngẫm.

Lạy Chúa, con tin cậy nơi Ngài vì Ngài là Em-ma-nu-ên. Con cảm tạ Ngài.

(c) 2024 svtk.net