Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Những Ngày Gian Truân

Truyền-đạo 12:1-7

"Trong tuổi thanh xuân, Hãy tưởng Đấng Tạo Hóa của con, Trước khi những ngày gian truân chưa ập đến, Trước khi những năm tháng đến gần mà con nói rằng: "Tôi không còn thấy thỏa lòng" (câu 1, BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Bắt đầu chương 12, tác giả khuyên chúng ta điều gì? Tại sao? Qua các câu 2-5, tác giả mô tả hình ảnh của người cao tuổi như thế nào? Suy nghĩ đến những ngày gian truân sẽ đến hay đã đến với bạn và những người thân trong gia đình, bạn quyết định sống và giúp nhau sống như thế nào trong những ngày ngắn ngủi trên đất?

Sách Truyền-đạo chương 12, Vua Sa-lô-môn nêu những lý do con người phải nghĩ đến Đấng ban cho mình những ngày sống trên trần thế khi còn trẻ, đừng để đến tuổi già và sự chết gần kề.

Ông ví sánh những ngày của tuổi già là "những ngày gian truân, hay hoạn nạn" với những hình ảnh tiêu biểu về sự suy yếu, hao mòn trong thân thể. Và ông khuyên chúng ta phải nghĩ đến sự thờ phượng và phục vụ Chúa "Trước khi ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao trở nên tối tăm, Và mây lại kéo đến sau cơn mưa" (câu 2), tức là trước khi sự suy yếu của tâm trí xảy ra. Người trẻ ít khi nghĩ đến tuổi già, nhưng thời gian qua nhanh và không lâu, mọi người đều nhận biết đời sống ngắn ngủi. Còn trẻ, trí óc minh mẫn, sáng suốt, hiểu biết, có trí nhớ tốt, phán đoán nhanh nhạy. Càng cao tuổi, trí óc càng mất dần những khả năng này. Người già thấy mình hết bệnh này đến bệnh khác. Bệnh tật, đau nhức tiếp nối nhau như những cơn mưa dai dẳng.

"Khi những người canh gác nhà run rẩy": bàn tay chúng ta "như những người giữ nhà" trở nên run rẩy, không còn sức làm việc, bảo vệ, săn sóc cho mình nữa. "Những người mạnh sức cong khom" là hình ảnh đôi chân đi đứng khó khăn. Người xay cối ngừng lại bởi vì số ít, mô tả hình ảnh răng rụng dần. "Nhiều người trông xem qua cửa sổ đã làng mắt," mắt trở nên mờ, không còn nhìn thấy sự vật rõ ràng nữa.

"Khi hai cánh cửa bên đường đóng lại" là hình ảnh đôi môi như hai cánh cửa phải ngậm lại. "Và tiếng cối xay nhẹ dần," ám chỉ về sự tiêu hóa kém vì nhai thức ăn yếu. "Lúc ấy người ta nghe tiếng chim kêu bèn chờ dậy," người già khó ngủ, ngay cả tiếng chim hót ngoài cửa cũng có thể đánh thức họ. Thính giác của người già suy yếu đến nỗi "tiếng con gái hát đều hạ hơi" — tức khó nghe rõ những giọng ca của người thiếu nữ.

"Và lại người ta sợ sệt mà lên cao, và hãi hùng lúc đi đường," rồi "Lúc ấy cây hạnh trổ bông" là hình ảnh chỉ về mái tóc bạc. "Cào cào trở nên nặng," người cao tuổi cảm thấy cơ thể nặng nề, chân tay nhấc lên không nổi. "Và sự ước ao chẳng còn nữa."

Ngày nay, y học có thể giúp cải thiện một số tình trạng nêu trên của người cao tuổi. Dù vậy, không ai có thể làm cho con người trẻ mãi không già để khỏi phải "đi đến nơi ở đời đời của mình." Vấn đề là nơi ở đời đời đó của mỗi người không giống nhau. Kinh Thánh khẳng định có hai nơi, một nơi ở đời đời với Đức Chúa Trời (Thiên đàng) và một nơi ở đời đời với ma quỷ (Địa ngục). Đức Chúa Trời nhân từ, yêu thương, nếu bạn đáp lại tình yêu của Ngài, tin nhận Chúa Giê-xu thì bạn được vào thiên đàng.

Theo lời khuyên của tác giả, bạn chuẩn bị đời sống mình trước "những ngày gian truân" thế nào?

Lạy Chúa, tuổi già sẽ đến với con, xin cho con thêm lòng kính sợ Ngài, để khi sống trong "những ngày gian truân" con sống bình an vì Chúa luôn ở với con.

(c) 2024 svtk.net