Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Tang Chế và Than Thầm

Ê-xê-chi-ên 24:1-27

"Hỡi con người, bằng một tai họa bất ngờ Ta sẽ cất khỏi con điều mắt con ưa thích; nhưng con không được than thở, không được khóc lóc, và không được đổ nước mắt" (câu 16 Baœn Truyền Thống Hiệu Đính).

Câu hỏi suy ngẫm: Đạo quân nào bao vây và triệt hạ thành Giê-ru-sa-lem? Tiên tri Ê-xê-chi-ên hầm xương thịt trong chiếc nồi đồng ten rét có nghĩa gì? Vì sao Tiên tri Ê-xê-chi-ên không được khóc khi vợ ông qua đời? Tội lỗi nào bạn phạm gây đau khổ gần đây nhất? Bạn làm gì sau khi phạm tội?

Vào ngày các đạo binh Ba-by-lôn tiến đến và bao vây Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Trời bảo Tiên tri Ê-xê-chi-ên hầm thịt, xương trong một chiếc nồi đồng đã ten gỉ trước mặt nhiều người. Ông đun lửa và hầm cho đến khi cạn nước, xương thịt cháy thành than. Sau đó ông tiếp tục đun chiếc nồi không trên than lửa để làm sạch ten đồng và cáu cặn ở trong nhưng vô hiệu. Chiếc nồi ten rét và đầy cáu cặn (do xương bị cháy) không cách chi làm sạch được, tượng trưng cho thành Giê-ru-sa-lem, và xương thịt cháy thành than có nghĩa cư dân của Giê-ru-sa-lem sẽ bị thiêu cháy và bị diệt bởi gươm giáo trong chiến dịch nhằm triệt hạ Giê-ru-sa-lem của người Ba-by-lôn. Sứ điệp không lời nhưng thật đanh thép và đáng sợ nhằm chống lại Giê-ru-sa-lem và cho cư dân trong thành hiểu rằng một lần nữa Đức Chúa Trời thanh tẩy Giê-ru-sa-lem, một thành phố đầy sự gian tham, bất kính và làm đổ máu vô tội.

Ngày nay, hằng năm vào tháng tám, người Ít-ra-ên vẫn dành một ngày để than khóc về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem. Người ta thường than khóc về sự ra đi của người thân và về đất nước bị kẻ thù giày xéo. Nhưng ở đây, Tiên tri Ê-xê-chi-ên không được than khóc về sự qua đời của người vợ mà ông yêu thương cho đến khi được tin thành Giê-ru-sa-lem thất thủ (câu 15-24). Ông không được than khóc vì sự mất mát cá nhân thật nhỏ nhoi so với sự mất mát lớn lao của dân tộc. Bởi thảm họa quá lớn và đáng sợ đang giáng xuống dân tộc của Tiên tri Ê-xê-chi-ên, nên không cho phép ông than vãn về sự ra đi của người thân mình trước mặt người khác.

Nếu người Ít-ra-ên trung tín với Đức Chúa Trời và chân thành giữ gìn giao ước thì họ không rơi vào hoàn cảnh đau thương như thế. Nếu họ tuân giữ luật pháp, họ không bị diệt, bị đày ải, lưu lạc trong nhiều thế kỷ và ngày nay, hằng năm họ không phải đổ nước mắt tại bức tường than khóc. Chúng ta thường lơ là trong sự vâng phục Chúa, rồi sau đó than van "nếu, phải chi, giá mà..." thì đã trễ. Hãy nhớ Đức Chúa Trời yêu thương cũng là Đức Chúa Trời thánh khiết và công chính. Ngài cảnh cáo khi chúng ta phạm tội, Ngài đoán phạt khi chúng ta bất tuân. Đừng quên giá của tội lỗi là sự chết.

Khi phạm tội bạn phải trả giá nào? Điều gì bạn cần làm khi Chúa cảnh cáo?

Lạy Chúa, xin giúp con nhạy bén trước những lời cảnh cáo của Ngài về tội lỗi, giúp con trung tín với Ngài dù phải đối diện với bất cứ thử thách nào.

(c) 2024 svtk.net