Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Hậu Quả của Việc Gian Tham

Ê-xê-chi-ên 26:1-21

"Vì thế, Chúa Giê-hô-va phán: Hỡi Ty-rơ! Này, Ta sẽ chống lại ngươi. Ta sẽ khiến nhiều nước chống lại ngươi như biển nổi ba đào. Chúng sẽ hủy phá những vách thành Ty-rơ, và triệt hạ tháp của nó" (câu 3, 4a BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Ty-rơ có mối quan hệ nào với Ít-ra-ên? Ty-rơ tỏ thái độ nào khi thấy người Ít-ra-ên bị lưu đày và đất nước họ bị tàn phá? Ông Ê-xê-chi-ên nói tiên tri gì về Ty-rơ? Bạn học được gì về bản tính của Đức Chúa Trời và quyền tể trị của Ngài?

Ty-rơ là một nước nhỏ nhưng thịnh vượng nhờ vào việc giao thương bằng đường biển. Ty-rơ trong quá khứ từng trao đổi, mua bán với Ít-ra-ên, đồng thời liên minh với Ít-ra-ên để chống lại thế lực của Ba-by-lôn. Phần lớn gỗ quý và một số vật liệu xây dựng cần dùng cho đền thờ Giê-ru-sa-lem và một số cung điện của Vua Đa-vít được nhập khẩu từ Ty-rơ. Dù có mối giao hảo như thế, nhưng khi Ít-ra-ên bị Ba-by-lôn chiếm đóng, thay vì thương tiếc cho đồng minh, Ty-rơ lại tỏ ra vui mừng. Ty-rơ xem bi kịch xảy ra cho Ít-ra-ên là cơ hội bằng vàng để đạt sự thịnh vượng về mặt kinh tế và được lợi thế về mặt chính trị (câu 2).

Đang khi dân tộc Ít-ra-ên gần như tuyệt vọng, Tiên tri Ê-xê-chi-ên rao truyền sứ điệp sâu sắc nhằm chống lại Ty-rơ. Đức Chúa Trời không vui về sự đau khổ của dân Ngài và Ngài không để yên cho những người trục lợi trên sự đau khổ, mất mát của người khác. Tiên tri Ê-xê-chi-ên nói rằng lực lượng quân sự hùng mạnh của Vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ tàn phá Ty-rơ (câu 7-16). Một năm sau khi tiến chiếm Giê-ru-sa-lem, người Ba-by-lôn bắt đầu bao vây Ty-rơ. Cuối cùng họ chiếm được các vùng ngoại thành chính yếu của Ty-rơ, giết các cư dân trong khu vực này và tàn phá các dinh thự lớn. Khoảng 250 năm sau, đạo binh của A-lịch-sơn Đại đế dùng gạch đá của những dinh thự bị san bằng này đắp thành một con đường ra đến tận pháo đài trên đảo dường như bất khả xâm phạm của Ty-rơ, san bằng cả những ghềnh đá là nơi ngư dân ở đó thường dùng làm nơi phơi lưới của họ.

Giao hảo vì lợi ích cá nhân là điều không xa lạ trong thời của Tiên tri Ê-xê-chi-ên, cũng như thời đại của chúng ta. Vì tham lam mà bất chấp sự đau khổ của người, nhằm thâu đạt quyền lực hoặc của cải cũng không phải là điều hiếm thấy. Hành động như thế là chống lại Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương và công bằng. Vì đã hành động như thế nên Ty-rơ chỉ còn là một phế tích để cảnh tỉnh những ai chủ trương mưu lợi cho bản thân trên sự đau khổ của người khác.

Các mối quan hệ của bạn nhằm mục đích gì? Bạn quan tâm như thế nào đến phúc lợi của người khác?

Lạy Chúa, con nhận biết mọi sự đều ở dưới sự tể trị đầy ân sủng và công chính của Ngài. Xin dùng con và hết thảy con dân Ngài thực thi sự công chính và thể hiện tình yêu của Ngài trên khắp đất.

(c) 2024 svtk.net