Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Những lời cảnh cáo

Trong đời sống có khi chúng ta làm những điều vô ý thức đến nỗi có thể nguy hại cho tâm linh đó là những hành động mà Chúa không chấp nhận. Chúng ta nên sáng suốt tìm ra những điều ấy. Riêng Truyền Đạo có ghi lại một vài điều mà chung ta nên quan tâm:

Khi người vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình. Thà lại gần mà nghe, hơn là dâng của tế lễ như kẻ ngu muội; vì nó không biết mình làm điều sai trái. Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời. Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao; còn nhiều lời thì sanh ra sự ngu dại. Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại: vậy, khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả. 5:1-5

Tác giả mở đầu một loạt lý luận mới với lời cảnh cáo: Hãy giữ chừng chân mình. Nói theo ngôn ngữ thời đại là: Cẩn thận, hãy giữ ý tứ. Tác giả có ý bảo rằng, việc đến nhà Chúa là một điều phải thận trọng, vì có khi chúng ta đến với tinh thần hay thái độ sai lầm. Làm như thế Chúa không bằng lòng và phương hại cho chúng ta. Thái độ bên ngoài phản ánh tình trạng tâm hồn chúng ta. Phần Kinh-thánh này chỉ trích hình thức thờ phượng chứ không chỉ trích lòng thành. Phê bình thái độ những người giả hình, nghĩa là hành động không đi đôi với tâm hồn.

Người Do-thái lúc nào cũng vâng theo lời dạy của Chúa cho đúng từng chấm từng nét. Họ giữ các lễ nghi theo đúng truyền thống, vào đền thờ theo định kỳ, cúi lạy theo nghi thức. Nhìn bên ngoài họ nhất nhất vâng theo mệnh lệnh Chúa truyền dạy. Nhưng bên trong họ chống lại. Lối thờ phượng của họ trở thành thói quen và máy móc vô cảm. Truyền Đạo sau khi đã nói nhiều về những nét hư không dưới ánh mặt trời, ông ta bảo mọi người: vì ta sống giữa cõi hư không, hãy cẩn thận để khỏi hành động vô nghĩa trong một địa hạt dễ hành động, đó là hình thức lễ nghi bề ngoài trong việc thờ phượng.

Chỗ người ta thường làm nhục chúa và xúc phạm đến Ngài không phải là ở những nơi xa lạ, nhưng chính là trong nhà thờ. Nơi mà người ta dễ làm mất ý nghĩa của việc thờ phượng nhất lại chính là lúc thờ phượng. Vì người ta có thể chỉ thực hành theo thói quen cho xong, chứ không thực sự thờ phượng Chúa. Làm như thế khác nào một cuộc trình diễn không có hồn. Người ta vào nhà thờ xem lễ, rồi ra về, trong lòng không vương một chút thiêng liêng nào!

Tác giả nói đến bốn điều trong việc thờ phượng:

1. Hiện diện của chúng ta trong chỗ thờ phượng. Tác giả nói: Khi người vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình. Thà lại gần mà nghe, hơn là dâng của tế lễ như kẻ ngu muội; vì nó không biết mình làm điều sai trái. Chúng ta nên nhớ rằng khi đến chỗ thờ phượng chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn để nghe. Nghe đây tức là sẵn sàng chịu dạy bảo và tuân hành. Ta đến nhà Chúa không phải để được Chúa ghi nhận là ta chuyên cần đi thờ phượng, nhưng là để chờ đợi lời dạy Chúa dành cho mình. Nhiều người chuẩn bị chỉnh tề đi nhà thờ, nhưng không chuẩn bị tấm lòng. Không cầu nguyện và hạ mình hứa nguyện xin nghe lời Chúa và tuân thủ. Nếu đến nhà thờ để gặp gỡ, mua bán, làm dịch vụ thì hoàn toàn sai trái. Như thế hiện diện của chúng ta trong nhà Chúa là để lắng nghe lời dạy của Ngài.

2. Chuẩn bị cho việc thờ phượng. Thà lại gần mà nghe, hơn là dâng của tế lễ như kẻ ngu muội; vì nó không biết mình làm điều sai trái. Hiện diện để lắng nghe lời Chúa chứ không phải đến nhà thờ để lấy điểm, kiểu tốt lễ dễ thưa như đối với con người hư hoại. Nhiều người nghĩ rằng muốn được phước hạnh, hanh thông thì phải đi lễ cho nhiều và dâng tiền cho hậu, như thế ta xin gì mà Chúa chả cho! Đây là việc hối lộ Chúa. Đến nhà Chúa theo kiểu chiếu lệ, tâm trí vẫn bận rộn với mọi ưu tư mà mình phải đối đầu và cư xử với Chúa kiểu không thẳng thắn, làm sao Chúa đón nhận được. Tại đây không phê bình về lễ nghi hay lễ dâng, mà chỉ trách về lối thờ phượng nặng phần trình diễn và hình thức. Không phải cứ đến nhà thờ nhiều, dâng tiền nhiều là được Chúa tiếp nhận và hậu đãi. Nhưng cần tập trung ý tưởng, khiêm cung và hứa nguyện giao kết. Nhiều người đến nhà thờ thấy rất mệt mỏi, chỉ mong lễ chóng xong để còn ra về cho nhanh. Tác giả bảo: Hãy coi chừng chân mình. Nghĩa là phải nghĩ đến việc tôn thờ Chúa ngay từ khi cất bước ra đi. Thờ phượng có ý nghĩa khi chuẩn bị kỹ. Chuẩn bị thái độ, chuẩn bị tấm lòng biết lắng nghe và thuận phục. Cần xin Chúa tha thứ thanh tẩy trước khi bước vào nhà thờ là nơi thánh. Có như thế cuộc thờ phượng mới đạt và ta mới thấy thỏa lòng.

3. Thái độ cầu nguyện. Tác giả bảo: Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời. Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao; còn nhiều lời thì sanh ra sự ngu dại. Thường ta thấy có những người vào nhà thờ cầu nguyện rất dài và rất văn hoa, không biết ở nhà riêng người ấy có cầu nguyện được như thế không? Tác giả khuyên: Khá ít lời. Vì khi cầu nguyện, chúng ta thưa chuyện với Chúa cao cả, vĩnh cửu, vô biên, vô hạn ở trên trời, nên phải lựa lời cho thích hợp. Chúa không cần văn hoa bóng bẩy cho lắm, nhưng Ngài ưa thích những lời chân thành từ trong tâm hồn dâng lên. Đôi khi chúng ta có thói quen nhắc lại những điều mà Chúa đã biết cả rồi, như thế là không thực tế. Cầu nguyện là ca ngợi, thưa trình, cảm tạ, thờ phượng. Chính vì thế mà lời cầu nguyện phải lựa chọn cẩn thận. Khi vào nhà thờ ta cầu nguyện với Chúa là rất đúng, nhưng nghe lời Chúa và vâng phục phải được chú trọng, nếu không việc thờ phượng sẽ thất bại.

4. Những lời hứa. Tác giả dạy: Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại: vậy, khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả. Đừng cho miệng ngươi làm cho xác thịt mình phạm tội, và chớ nói trước mặt sứ giả của Đức Chúa Trời rằng ấy là lầm lỗi. Sao làm cho Đức Chúa Trời nổi giận vì lời nói ngươi, và Ngài làm hư công việc của tay ngươi? Chúng ta phải cẩn thận trong lời hứa nguyện. Nếu biết không làm nổi thì đừng khấn hứa.

Tóm lại, trong bài hôm nay chúng ta học được các điểm sau đây về việc thờ phượng:

Sẵn sàng nghe lời Chúa dạy và tuân hành.

Phải chuẩn bị cẩn thận cho việc đi nhà thờ thờ phượng.

Phải biết cách cầu nguyện.

Phải cân nhắc trước khi hưá với Chúa điều gì và phải giữ lời hưá.