Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Lợi Ích của Chịu Khổ

I Phi-e-rơ 4:1-11

"Vậy, vì Đấng Cơ Đốc đã chịu khổ trong thể xác, thì anh chị em cũng phải trang bị cho mình bằng thái độ như vậy, vì ai chịu khổ trong thể xác, thì dứt khỏi tội lỗi. Cho nên, bao lâu người ấy còn sống trên đất sẽ không theo dục vọng con người, nhưng theo ý muốn Đức Chúa Trời" (câu 1, 2 NIV-VPNS).

Câu hỏi suy ngẫm: Đau khổ giúp gì cho chúng ta? Sứ đồ Phi-e-rơ có ý gì khi bảo con dân Chúa chịu khổ trong thể xác để sống theo ý muốn Đức Chúa Trời? Chịu khổ vì Chúa Giê-xu và đi theo thế gian, điều nào tốt hơn? Vì sao? Vì sao chúng ta phải có trách nhiệm đối với những anh chị em cùng đức tin? Trách nhiệm đó như thế nào?

Cuộc sống càng dễ dàng, chúng ta càng dễ khinh suất và phạm tội. Vậy, Đức Chúa Trời cho phép đau khổ xảy ra để rèn tập chúng ta. Giống như lửa thử vàng, thử thách tôi luyện để Đức Chúa Trời có thể lấy đi những cáu cặn trong đời sống chúng ta (Thi-thiên 66:10). Chúa Giê-xu đã chịu khổ để cứu chuộc chúng ta. Khi có đồng tâm tình như Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ vui lòng cùng Ngài chịu khổ. Ai cùng Ngài chịu khổ cũng sẽ cùng vui hưởng sự vinh quang với Ngài.

Sứ đồ Phi-e-rơ nêu lên một thực tế: Khi chúng ta không sống theo thế gian thì thế gian sẽ chống lại chúng ta (câu 4). Nhưng đừng vì thế mà rúng động vì họ sẽ phải khai trình với Đức Chúa Trời và chịu đoán phạt (câu 5). Chúng ta cần nhận thức: Không có cơ hội thứ hai cho những người hư mất sau khi chết, và câu 6 trong phần này không có liên quan đến câu 19-20 trong phân đoạn trên. Từ đó, câu này có thể được diễn ý như sau: "Hiện giờ có những người đã chết về mặt thân xác nhưng linh hồn họ sống với Đức Chúa Trời. Họ là những người bị thế gian phê phán. Nhưng họ đã nghe và tin Phúc Âm trước khi chết. Họ chịu khổ và chịu chết bởi đức tin của họ, nhưng họ đang sống với Đức Chúa Trời." Chịu khổ vì Đấng Cơ Đốc và được ở với Đức Chúa Trời tốt hơn là đi theo thế gian rồi bị hư mất.

Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc rằng, Chúa Giê-xu sẽ sớm trở lại và các thánh đồ phải có trách nhiệm đối với nhau. Trách nhiệm này thể hiện qua sự yêu thương, cầu nguyện và giúp đỡ nhau. Tình yêu thương che đậy tội lỗi. Điều này nhắc chúng ta không nên rêu rao tội lỗi của người khác. Ông cũng nhắc Cơ Đốc nhân mở lòng cũng như rộng mở nhà mình, vì ngày nay lòng hiếu khách của Cơ Đốc nhân có nguy cơ bị mai một. Cuối cùng, Cơ Đốc nhân phải trung tín phục vụ Đức Chúa Trời ngay cả khi bị bức hại. Chúa sẽ ban ơn và thêm sức cho chúng ta để phục vụ Ngài.

Bạn dùng ơn Đức Chúa Trời ban cho để chịu khổ cũng như phục vụ người khác thế nào? Sự trở lại của Chúa Giê-xu tác động thế nào trên đời sống bạn?

Lạy Chúa, xin giúp con thấy được lợi ích của chịu khổ để hết lòng phục vụ và sẵn sàng chịu khổ trong lúc chờ đón Chúa tái lâm.

(c) 2024 svtk.net