Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Dâng Điều Quý Nhất

Sáng-thế Ký 22:1-18

"Đức Giê-hô-va phán: Vì con đã làm điều này, không tiếc con mình, dù là đứa con duy nhất của con, nên Ta lấy chính mình mà thề rằng, Ta sẽ ban phước dồi dào cho con" (câu 16-17a BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa ra lệnh cho ông Áp-ra-ham điều gì? Có nghịch lý không? Vâng lệnh Chúa, ông Áp-ra-ham muốn giết con mình làm sinh tế có cuồng tín không? Chuyện gì xảy ra khi ông Áp-ra-ham cầm dao định giết cậu Y-sác? Qua câu chuyện này, chúng ta học được những bài học gì?

Chúa ra lệnh cho ông Áp-ra-ham giết con mình làm sinh tế dâng lên Ngài. Việc này có vẻ như mâu thuẫn với lời hứa của chính Ngài cho ông Áp-ra-ham: "Bởi Y-sác sẽ có một dòng dõi được gọi theo tên con" (Sáng-thế Ký 21:12). Hơn nữa, nó mâu thuẫn với chính luật pháp Chúa ban: "Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: Con hãy bảo với người Ít-ra-ên rằng, bất cứ người Ít-ra-ên hoặc ngoại kiều nào cư ngụ trong xứ Ít-ra-ên mà đem một trong số các con cháu mình dâng cho Mo-lóc thì chắc phải bị xử tử" (Lê-vi Ký 20:1-2). Mo-lóc là thần của xứ Am-môn, láng giềng của người Ít-ra-ên. Người Am-môn có tập tục giết trẻ con dâng cho thần Mo-lóc để làm vui lòng tà thần này.

Vâng lệnh Chúa, ông Áp-ra-ham muốn giết con mình làm sinh tế có cuồng tín không? Hành động của ông Áp-ra-ham tưởng như vâng phục cách cuồng tín. Nhưng tra xét kỹ, ta thấy có mấy điều đáng lưu ý. Câu 5 ghi: "Ông nói với hai đầy tớ: ‘Các ngươi ở lại đây với con lừa, ta và đứa trẻ sẽ đi đến chỗ kia để thờ phượng rồi sẽ trở lại’." Động từ "sẽ trở lại" thuộc về số nhiều, với lòng tin là cả hai cha con đều trở về. Bản NIV và bản NKJV đều dịch là "chúng ta sẽ trở lại." Hê-bơ-rơ 11:19 cho biết: "Ông (Áp-ra-ham) nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền khiến kẻ chết sống lại, nói theo nghĩa bóng, ông thật đã nhận lại con mình từ cõi chết." Vậy ông Áp-ra-ham không cuồng tín khi dâng cậu Y-sác làm tế lễ, vì ông tin rằng Chúa sẽ khiến cậu Y-sác sống lại dựa theo lời hứa của Chúa về hậu tự của ông qua người con này.

Câu 1 cho biết Đức Chúa Trời thử đức tin ông Áp-ra-ham chứ không có ý để cậu Y-sác chết, nên thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trời gọi tên ông Áp-ra-ham hai lần để lưu ý và bảo ông đừng giết con mình. Hơn nữa, Chúa đã chuẩn bị trước một con chiên đực có sừng mắc trong bụi cây để ông Áp-ra-ham dùng làm sinh tế thay thế cậu Y-sác. Ông Áp-ra-ham nhận thức được sự chuẩn bị trước nên ông đã trả lời với con mình cách chắc chắn, đồng thời đặt tên cho địa điểm là "Giê-hô-va Cung Ứng (Sắm Sẵn)" (câu 8, 14). Rồi Chúa phán rằng Ngài sẽ ban phước dồi dào trên ông, trên hậu tự ông. Và tất cả các dân tộc trên thế giới nhờ dòng dõi ông mà được phước. Điều này ứng nghiệm qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Việc ông Áp-ra-ham dâng cậu Y-sác làm tế lễ là hình bóng về Đức Chúa Cha hy sinh Con Một của Ngài chết thế tội cho chúng ta (Rô-ma 8:32).

Qua câu chuyện này, chúng ta học được những bài học gì? (1) Chịu thử nghiệm đức tin là chuyện bình thường trong đời sống con dân Chúa. Thông thường, đời sống thuộc linh của chúng ta tăng trưởng qua những thử nghiệm (Gia-cơ 1:2-3). (2) Khi chúng ta sẵn lòng dâng lên Chúa điều quý nhất trong cuộc sống, không tiếc gì với Ngài thì Ngài sẽ ban phước dư dật cho chúng ta.

Nếu Chúa muốn bạn dâng cho một nhu cầu cấp bách nào đó, bạn có sẵn lòng dâng không? Tại sao?

Lạy Cha yêu thương, xin cho con nhận ra rằng Chúa đã ban điều quý nhất cho con để con có thể sống hiến dâng và luôn sẵn lòng dâng điều quý nhất cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net