Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Đức Chúa Trời Ôi! Xin Thương Xót Con

Thi-thiên 51:1-19

"Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng" (câu 10 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời cầu nguyện của Vua Đa-vít có những phần chính nào? Bạn học được gì về Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện này? Vì sao lòng thương xót của Đức Chúa Trời rất cần cho Vua Đa-vít và cả chúng ta ngày nay? Có tội lỗi nào bạn muốn trình dâng lên Chúa? Bạn sẽ lập một kết ước mới nào với Ngài?

Tuy Vua Đa-vít là người "trọn lành và ngay thẳng" (1 Các Vua 9:4), nhưng ông cũng có những thất bại. Khi lên ngôi vua, ông thờ ơ với nhiệm vụ quân sự của mình, ham muốn vợ người khác. Ông phạm tội tà dâm, và cuối cùng mưu sát một trong 30 dũng sĩ của mình. Dù Đức Chúa Trời đầy thương xót, nhân từ (câu 2), Ngài cũng là Đấng Công Chính và Thánh Khiết, Ngài muốn ông Đa-vít phải đau khổ vì tội lỗi của ông, sau đó Ngài phục hồi ông bởi ân sủng của Ngài. Vua Đa-vít đã đáp ứng bằng nỗi đau buồn vô hạn và ăn năn sâu xa. Thi-thiên này đã trở thành kiểu mẫu cho vô số Cơ Đốc nhân, những người mong mỏi nếm trải lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

Lời xưng tội. Vua Đa-vít không đưa ra lý do nào để biện hộ, ông nhận hết trách nhiệm về mình, trình tất cả tội lỗi của ông trước mặt Chúa (câu 1, 2). Trên hết, ông vạch ra vấn đề chính: mọi tội lỗi đều chống lại chính Đức Chúa Trời (câu 4). Hiển nhiên tội lỗi gây ra những hậu quả cho con người, như những gì đã xảy ra cho bà Bát Sê-ba, ông U-ri, bé trai sơ sinh, cả cộng đồng, Vua Đa-vít và cả hoàng gia.

Sự thanh tẩy. Hàm ý của câu 4 là, nếu mọi tội đều chống lại Đức Chúa Trời, thì chỉ Ngài mới có thể giải tội cho. Trong tội lỗi, con người khốn khổ cùng cực, chỉ Đức Chúa Trời thương xót mới giải cứu con người. Vì vậy, Vua Đa-vít dùng nhiều từ ngữ miêu tả tội lỗi của mình để cầu xin ơn thanh tẩy từ Đức Chúa Trời (câu 1, 2, 7). Ông khao khát một tấm lòng mới, với những động cơ và ước muốn mới. Chỉ Chúa Thánh Linh mới có thể đem đến sự biến đổi này (câu 10-12).

Sự hiến dâng. Phần cuối Thi-thiên cho thấy Vua Đa-vít kết ước phục vụ Chúa và con dân Ngài, dạy dỗ, và thờ phượng với một tấm lòng mới (câu 13-17). Chúng ta cũng phải biết ơn Chúa sâu sắc, bởi lòng thương xót mà Ngài tha thứ và đổi mới chúng ta.

Khi phạm tội, bạn thật sự ăn năn sâu xa như Vua Đa-vít hay tìm cách chống chế? Hãy dành thời gian, áp dụng ba bước: Xưng tội, thanh tẩy, hiến dâng của Vua Đa-vít để dâng lên Chúa lời cầu nguyện và cảm tạ Ngài.

Cảm tạ Chúa vô cùng, bởi lòng thương xót của Ngài, Chúa tha thứ và biến đổi con, để con có thể sống và phục vụ Ngài với tấm lòng mới và thanh sạch.

(c) 2024 svtk.net