Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Dấu Xác Nhận Phẩm Hạnh

I Sa-mu-ên 22:1-23

"Đa-vít nói với A-bia-tha: ...chính tôi là nguyên nhân cái chết cả nhà cha của anh. Hãy ở với tôi, đừng sợ gì! Vì ai tìm hại mạng sống anh là tìm hại mạng sống tôi. Ở bên tôi, anh sẽ được an toàn" (câu 22, 23 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Đa-vít tiếp tục ẩn náu những nơi nào? Điều nào cho thấy Đức Chúa Trời không bỏ ông Đa-vít một mình? Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết thảm thương của gia đình Thầy Tế lễ A-hi-mê-léc và dân thành Nóp? Bạn thấy việc vâng lời mù quáng và đa nghi tai hại như thế nào?

Khi náu ẩn ở hang đá A-đu-lam, có những người sầu khổ, mắc nợ tìm đến với ông Đa-vít, trong số này có những người phải trốn tránh giống như ông. Sau đó, ông Đa-vít đi đến Mít-bê thuộc xứ Mô-áp, nằm ở phía đông Biển Chết. Vì sợ Vua Sau-lơ cũng làm hại gia đình ông, nên ông Đa-vít đã đưa cha mẹ ông đến Mít-bê. Mô-áp là sự chọn lựa hợp lý, bởi bà Ru-tơ, tổ mẫu của ông Đa-vít là người Mô-áp (Ru-tơ 4:13; 21-22). Hơn nữa, Vua Sau-lơ đã giao chiến với Mô-áp, vì thế Mô-áp sẽ dễ dàng hoan nghênh kẻ thù của Vua Sau-lơ. Ông Đa-vít ở trong một đồn lũy ở Mô-áp.

Một trong những người theo ông Đa-vít là Tiên tri Gát (câu 5). Sau này người con duy nhất của ông A-hi-mê-léc thoát chết đã mang theo ê-phót (I Sa-mu-ên 23:6) và nhiều lần lần sử dụng U-rim và Thu-min để cầu hỏi Đức Chúa Trời cho ông Đa-vít. Đức Chúa Trời không để ông Đa-vít lưu lạc và trốn lánh mà không có sự hướng dẫn từ Ngài. Tiên tri Gát bảo ông Đa-vít nên trở lại địa phận thuộc bộ tộc Giu-đa, là bộ tộc của ông Đa-vít. Ở Giu-đa, ông Đa-vít có khả năng tìm gặp thêm nhiều người Ít-ra-ên ủng hộ ông. Tiếp theo sau những sự kiện nói trên là những lời mô tả chứng đa nghi và hoang tưởng của Vua Sau-lơ. Rồi sau đó là câu chuyện hãi hùng về việc ông Đô-e giết chết tám mươi thầy tế lễ mà không chút sợ hãi hay day dứt trong lòng. Vâng lời bạo chúa một cách mù quáng sẽ dẫn đến cái chết của nhiều người vô tội. Sự việc chưa dừng lại ở đó, Vua Sau-lơ còn dùng gươm giết hết cư dân và gia súc trong thành Nóp.

Vua Sau-lơ là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của các thầy thượng tế và cư dân thành Nóp. Sự đa nghi và hoang tưởng nơi Vua Sau-lơ chẳng những át đi lời bào chữa về sự vô tội của Thầy Thượng tế A-hi-mê-léc mà còn chứng tỏ ông là con người tàn nhẫn. Hành động của Vua Sau-lơ hoàn toàn trái ngược việc ông Đa-vít sẵn sàng chịu trách nhiệm về cái chết của gia đình Thầy Thượng tế A-hi-mê-léc. Ông Đa-vít nhận lỗi đã nói dối với Thầy Thượng tế A-hi-mê-léc, ông chịu trách nhiệm đã tiếp nhận, che chở ông A-bia-tha, con của Thầy Thượng tế A-hi-mê-léc. Sau này ông A-bia-tha trở thành thầy thượng tế suốt triều đại của Vua Đa-vít.

Sẵn sàng xưng nhận tội lỗi là dấu ấn xác nhận phẩm hạnh của ông Đa-vít. Đây là một trong những yếu tố khiến ông được xem là "một người theo lòng Đức Chúa Trời" (I Sa-mu-ên 13:14). Dấu ấn xác nhận phẩm hạnh của bạn là gì? Làm thế nào để bạn trở thành "một người theo lòng Đức Chúa Trời"?

Lạy Chúa, xin giúp con chân thành xưng nhận tội lỗi và ăn năn ngay. Nguyện Ngài giữ con trong đường lối Ngài và khiến con trở thành người đẹp lòng Ngài.

(c) 2024 svtk.net