Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Không Trì Hoãn Nữa

A-mốt 7:1-17

"Chúa phán: Này, Ta sẽ đặt dây dọi làm chuẩn đo người Ít-ra-ên Ta; Ta sẽ không bỏ qua chúng nữa đâu" (câu 8 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao vua và quan Ít-ra-ên muốn trục xuất Tiên tri A-mốt? Ông thấy gì và đã cầu xin gì? Qua sự chống đối của Thầy Tế lễ A-ma-xia, bạn học được gì từ phản ứng của Tiên tri A-mốt?

Sứ điệp Tiên tri A-mốt rao truyền về cái chết của vua và sự lưu đày của dân tộc Ít-ra-ên là mối đe dọa đối với vương quyền thời bấy giờ. Vì thế, không lạ gì khi Thầy Tế lễ A-ma-xia đề nghị với vua trục xuất Tiên tri A-mốt. Chẳng những họ xem ông là một người nước ngoài mà còn cho rằng ông có ý định gây rối. Tiên tri A-mốt phản ứng nhẹ nhàng, khiêm tốn nói rằng ông không phải là tiên tri, cũng chẳng phải là con của một vị tiên tri, ông chỉ là một người làm vườn ở dưới sự sai phái của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vẫn thường sử dụng những người bình thường như ông A-mốt. Ông Môi-se là người trốn chạy và không có khẩu tài. Ông Sa-mu-ên là cậu bé phục vụ trong đền thờ. Ông Đa-vít là con út trong gia đình. Hai ông Phi-e-rơ và Gia- cơ là những người ít học. Nhưng các vị này lại được Đức Chúa Trời đại dụng. Quê hương trên đất của Chúa Giê-xu là Na-xa-rét, một thành phố nhỏ mà người ta cho rằng "Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?" (Giăng 1:46).

Dù sứ điệp ông A-mốt rao truyền không được vua và quan Ít-ra-ên tiếp nhận, nhưng đây là sứ điệp đặt nền tảng trên giao ước. Sứ điệp của ông nói đến sự giải cứu trong quá khứ và những đòi hỏi yêu cầu dân của Đức Chúa Trời sống đúng với giao ước. Sứ điệp này giúp cho người đương thời, và chúng ta ngày nay, thấy được hậu quả của việc vâng lời và không vâng lời. Bản thân ông A-mốt nêu gương vâng lời Đức Chúa Trời. Chẳng những thế, ông còn luôn tỏ ra quan tâm và đồng cảm với dân tộc ông.

Hai lần ông A-mốt cầu thay cho họ thoát khỏi nạn cào cào và lửa, bởi đó Đức Chúa Trời đã không trút cơn thịnh nộ trên họ (câu 1-5). Tuy nhiên, khi nhìn thấy Đức Chúa Trời cầm dây chuẩn mực, tức là dây dọi, đứng gần một bức tường, ông A-mốt biết rằng Đức Chúa Trời đã quyết định đoán phạt dân Ngài, nên ông không kêu cầu nữa (câu 7). Đức Chúa Trời thường chậm đoán phạt để dân Ngài có cơ hội ăn năn, nhưng điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời quên tội lỗi họ đã phạm. Nếu không ăn năn, họ tự mình "chất chứa sự giận về ngày thịnh nộ" (Rô-ma 2:4-6). Sự đoán phạt trên Ít-ra-ên được trì hoãn nhiều lần, nhưng lần này không còn trì hoãn nữa.

Bạn cầu thay cho dân tộc bạn bao nhiêu lần và cầu thay như thế nào?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ cầu nguyện cho đồng bào con để nhiều người ăn năn quay trở lại cùng Ngài, tránh cơn thịnh nộ của Ngài đổ xuống trong ngày cuối cùng.

(c) 2024 svtk.net