Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Sống Bởi Đức Tin (2)

Hê-bơ-rơ 11:23-31

"Bởi đức tin, khi Môi-se... thà cùng con dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là hưởng thụ lạc thú chóng qua của tội lỗi" (câu 23, 25 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Đời sống của ông Môi-se thể hiện đức tin ở những điểm nào? Vì sao chịu đau khổ là một phần của đời sống đức tin? Là người nữ và là Dân Ngoại, tại sao bà Ra-háp được kể tên chung với những anh hùng đức tin của Cựu Ước? Vì sao Đức Chúa Trời thường thực hiện nhiều điều lớn lao qua những con người yếu đuối?

Ông Môi-se là nhà lãnh đạo kiệt xuất của người Ít-ra-ên. Đời sống của ông thể hiện đức tin khi ông chống lại Pha-ra-ôn và cả vương triều Ai Cập, cùng toàn dân Ít-ra-ên giữ Lễ Vượt Qua, ngay sau đó là dẫn dắt họ ra khỏi Ai Cập và vượt qua Biển Đỏ. Ông Môi-se cảm thấy thế nào khi trải qua những điều lớn lao này? Có phải ông hoàn toàn bình an, không chút sợ hãi và lúc nào cũng kiểm soát được tình hình? Không phải thế. Phân đoạn này cho thấy ông trải qua lắm gian truân. Ngay khi ba tháng tuổi, ông bị thả giữa đám lau sậy (Xuất Ai Cập 2:1-3), rồi trở thành nạn nhân của cơn giận của vua Ai Cập. Sống bởi đức tin không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng luôn khỏe mạnh, vui mừng và thành công. Thất bại, đau buồn, ngay cả bệnh tật là một phần của đời sống bởi đức tin. Dù đã 80 tuổi, ông Môi-se vẫn sống nơi nhà nhạc gia, vẫn là phạm nhân phải lẫn tránh trong hoang mạc; và ông nhận trọng trách dẫn dắt người Ít-ra-ên vào độ tuổi trên tám mươi.

Một trong những điều nghịch lý lớn trong đời sống của Cơ Đốc nhân là dường như Đức Chúa Trời thực hiện những điều lớn lao qua sự yếu đuối, chứ không qua những điểm mạnh của chúng ta. Trong câu 26, tác giả nói: "Sự sỉ nhục về Đấng Cơ Đốc," chúng ta hiểu ý nghĩa của cụm từ này như thế nào? Ông Môi-se sẵn sàng chịu khổ như cách mà Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời đã trải nghiệm. Ông Môi-se biết rằng sống bởi đức tin thật gay go, nhưng đây là con đường thuộc linh tất yếu phải trải qua, con đường nói lên lòng tin cậy của ông với Chúa. Đức tin đó cũng nuôi dưỡng đức tin dân Chúa, nên khi Chúa bảo họ đi một vòng quanh Giê-ri-cô trong sáu ngày, ngày thứ bảy đi bảy vòng rồi la lên, họ tin cậy và vâng lời Chúa, kết quả là thành sụp đổ.

Điều cuối cùng chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của ông Môi-se là muốn sống bởi đức tin thì phải học tập cả đời. Đức tin của ông Môi-se được bày tỏ bên bờ Biển Đỏ. "Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi" (Xuất Ai Cập 14:13). Làm thế nào để ông có được đức tin như thế? Có thể nói Đức Chúa Trời không chỉ dùng mười tai họa để đánh hạ Pha-ra-ôn, mà còn dùng để dạy ông Môi-se tin cậy Ngài. Trong việc nghe, biết về những việc Đức Chúa Trời làm cho Ai Cập, cho Ít-ra-ên, kỹ nữ Ra-háp thành Giê-ri-cô, biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên là Đức Chúa Trời Toàn Năng (Giô-suê 2:8-24); và bởi đức tin đó, bà xin cứu sự sống cả gia đình mình. Dù là ai, dân tộc nào, thời đại nào, Đức Chúa Trời cũng luôn làm những việc lớn cho những người tin cậy, vâng lời Ngài.

Làm thế nào để bạn tin cậy Đức Chúa Trời hơn? Bạn có được đức tin như những nhân vật trong câu chuyện hôm nay không?

Lạy Chúa, dù đức tin con rất nhỏ nhưng xin Ngài dạy con tin cậy nơi Ngài và không cậy nơi sự thông sáng của con. Trong năm mới này, xin cho con có đức tin vững mạnh như Môi-se, như Ra-háp.

(c) 2024 svtk.net