Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Người Đầy Tớ Lãnh Đạo

II Sa-mu-ên 5:1-25

"Vậy, tất cả các trưởng lão Ít-ra-ên đã đến gặp vua tại Hếp-rôn; vua Đa-vít lập giao ước với họ trước mặt Đức Giê-hô-va, và họ xức dầu cho Đa-vít làm vua trên toàn cõi Ít-ra-ên" (câu 3 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn, giao ước Vua Đa-vít lập với các trưởng lão có nội dung như thế nào? Nhờ đâu Vua Đa-vít ngày càng cường thịnh? Sự thịnh vượng của Cơ Đốc nhân có gì khác với sự thịnh vượng của những người không kính sợ Đức Chúa Trời?

Hành trình gian khổ đã qua rồi. Giờ đây chàng trai chăn chiên ngày nào ở Bết-lê-hem đã trở thành "người chăn" của dân tộc ông (câu 2). Mười chi phái phía bắc công nhận ông Đa-vít là vua Ít-ra-ên bằng cách xức dầu cho ông. Đây là lần thứ ba mà Vua Đa-vít được xức dầu để làm vua.

Ông Đa-vít được Đức Chúa Trời lựa chọn để làm người chăn và người cai trị dân tộc Ít-ra-ên. Khái niệm "vua là người chăn dân trị nước" rất quan trọng trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Như người chăn bảo vệ và che chở chiên của mình, vị vua kính sợ Đức Chúa Trời bảo vệ và chăm lo cho thần dân của mình. Dù không phải là người trọn vẹn, nhưng Vua Đa-vít được xem là "nhà vua và người chăn" gương mẫu và là người báo trước về Vua và Đấng Chăn Thật, là Chúa Giê-xu sẽ đến thế gian (Giăng 10:11, 14; Hê-bơ-rơ 13:20).

Vua Đa-vít đã lập một giao ước với các trưởng lão của Ít-ra-ên: Với tư cách là vua Ít-ra-ên, Vua Đa-vít đồng ý che chở và phục vụ dân tộc của ông; dân tộc ông đồng ý trung thành và vâng lời ông. Tinh thần của giao ước nầy nói lên rằng nền quân chủ mà Vua Đa-vít đứng đầu không phải là một thể chế độc tài, xem dân chúng là những nô lệ phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền. Dân chúng có nghĩa vụ đối với ông và ông có nghĩa vụ phục vụ và làm những điều tốt nhất cho họ. Tinh thần về "người đầy tớ lãnh đạo" nơi Vua Đa-vít sau nầy được nhìn thấy rõ hơn, trọn vẹn hơn nơi Đấng Cơ Đốc, Ngài đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mác 10:45).

Sau đó, Vua Đa-vít chiếm Giê-ru-sa-lem và chọn nơi đây làm thủ đô. Đó là một quyết định sáng suốt, bởi đây là nơi vô cùng quan trọng về mặt chiến thuật. Trong thời của Vua Đa-vít và Vua Sa-lô-môn, Giê-ru-sa-lem trở thành hòn ngọc chói sáng và là trung tâm thờ phượng của Ít-ra-ên. Ngày nay, Giê-ru-sa-lem đang trong tình trạng phân tranh. Chúng ta nhớ cầu nguyện cho hòa bình của Giê-ru-sa-lem và cho vương quốc mà Chúa Giê-xu thiết lập khởi từ Giê-ru-sa-lem và trải rộng trên toàn cầu.

Bạn học được tinh thần của người đầy tớ lãnh đạo ở điểm nào? Áp dụng thế nào vào đời sống? Ai thật sự là "người đầy tớ lãnh đạo" trong Hội Thánh của bạn?

Lạy Cha, xin giúp con trở thành người phục vụ thay vì đòi được phục vụ. Nguyện Ngài khiến cho tất cả những người lãnh đạo trong Hội Thánh con thật sự là những "người đầy tớ lãnh đạo."

(c) 2024 svtk.net