Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Mong Ước Sự Hiện Diện của Đức Chúa Trời

II Sa-mu-ên 6:1-23

"Vậy, họ đem Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va vào đặt ở giữa lều mà Đa-vít đã dựng sẵn; rồi Đa-vít dâng tế lễ thiêu và tế lễ bình an trước mặt Đức Giê-hô-va" (câu 17 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít phạm sai lầm nào khi rước Hòm Giao Ước lần thứ nhất? Sai lầm nầy dẫn đến hậu quả nào? Ông rút ra bài học nào cho lần thứ hai? Bạn rút ra được bài học nào cho chính bạn sau khi suy ngẫm câu 23?

Hòm Giao Ước chứa hai bảng đá ghi Mười Điều Răn, cây gậy hạnh nhân trổ hoa của ông A-rôn, và một bình vàng chứa đầy ma-na (Hê-bơ-rơ 9:3, 4). Hòm Giao Ước tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đây là thánh vật vô cùng quan trọng trong đời sống và trong sự thờ phượng của người Ít-ra-ên. Vì thế, Vua Đa-vít cho dời Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem với ước muốn Đức Chúa Trời hiện diện nơi ông đặt đế đô.Với tất cả sự vui mừng, đích thân Vua Đa-vít dẫn một lực lượng hộ tống gồm ba mươi ngàn người đến Ki-ri-át Giê-a-rim để rước Hòm Giao Ước về (câu 1).

Ki-ri-át Giê-ra-rim, nằm cách Giê-ru-sa-lem không xa, ngày nay được gọi là Abu Gosh, đây là một ngôi làng của người Á-rập sống bình yên với những người láng giềng Ít-ra-ên. Tại đây có một ngôi nhà thờ được xây trên một ngọn đồi mà người ta cho là xưa kia đã để Hòm Giao Ước. Trong lần đầu rước Hòm Giao Ước về, Vua Đa-vít đã phạm sai lầm mà lúc đó ông không hề biết, đó là để Hòm Giao Ước trên một chiếc xe, thay vì để con cháu Kê-hát, người Lê-vi khiêng bằng đòn xỏ vào các khoen vàng trên Hòm Giao Ước như lệnh truyền của Đức Chúa Trời (Xuất Ai Cập 37:3-5; Dân Số Ký 4:15). Sai lầm đó đã dẫn đến cái chết của ông U-xa khi ông chạm vào vật cực thánh nầy. Cái chết của ông U-xa khiến Vua Đa-vít sợ và là lý do việc dời Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem bị trì hoãn. Hòm Giao Ước được để tại nhà một người Phi-li-tin là Ô-bết Ê-đôm và Đức Chúa Trời đã ban phước cho cả nhà của người nầy.

Sau ba tháng, một lần nữa Vua Đa-vít rước Hòm Giao Ước về bằng cách để cho người Lê-vi, thuộc dòng họ Kê-hát khiêng hòm (1 Sử Ký 15:26). Trong đám rước trọng thể, Vua Đa-vít vui mừng mặc áo của thầy tế lễ nhảy múa trước mặt Đức Chúa Trời. Khi nhìn thấy chồng nhảy múa mà không mặc áo mão của vua, bà Mi-canh, vợ Vua Đa-vít không bằng lòng và tỏ vẻ khinh thường ông. Câu kết của phân đoạn nầy đáng cho chúng ta suy nghĩ (câu 23). Không tôn ngợi chúc tụng Đức Chúa Trời và không muốn người khác tôn ngợi chúc tụng Ngài hết lòng, dẫn đến sự khô hạn thuộc linh và thuộc thể không thể cứu vãn, giống như bà Mi-canh không sinh con cho đến ngày chết. Đức Chúa Trời luôn ban phước cho người tôn thờ và chân thành tôn ngợi Ngài bằng tấm lòng.

Vua Đa-vít quan tâm đến việc tôn ngợi Đức Chúa Trời và cái nhìn của Ngài về ông hơn là quan tâm đến sự ngợi khen và cái nhìn của con người về ông. Hoàng hậu Mi-canh thì ngược lại. Còn bạn thì sao?

Lạy Chúa, xin giúp con tôn thờ, chúc tụng Ngài hết lòng và xin giữ để con không rơi vào tình trạng khô hạn thuộc linh lẫn thuộc thể.

(c) 2024 svtk.net