Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Tâm Tình Của Chúa Giê-xu

Lu-ca 13:31-35

"Dù sao, hôm nay, ngày mai, và ngày mốt Ta vẫn tiếp tục cuộc hành trình, vì chắc chắn không tiên tri nào có thể chết bên ngoài Giê-ru-sa-lem" (câu 33 NIV-VPNS).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao người Pha-ri-si báo cho Chúa Giê-xu biết Vua Hê-rốt muốn giết Ngài? Chúa Giê-xu đáp lời họ thế nào? Điều Ngài nói, cho chúng ta thấy tâm tình của Ngài thế nào? Tâm tình và mục tiêu hiện thời của bạn thế nào?

Động cơ của người Pha-ri-si ở đây không rõ ràng, nhưng chắc chắn không phải là động cơ tốt. Họ báo cho Chúa Giê-xu biết Vua Hê-rốt muốn giết Ngài, không phải vì tin hay yêu mến Ngài, mà họ muốn Chúa Giê-xu phải sợ hãi và rời khỏi địa phận của họ. Vua Hê-rốt đã giết ông Giăng Báp-tít và tỏ ra bối rối vì không biết Chúa Giê-xu là ai (Lu-ca 9:7-9), nên ông muốn giết Chúa Giê-xu. Dù vậy sự sống, công việc và sự chết của Ngài không do Vua Hê-rốt hay người Pha-ri-si quyết định, nhưng do Đức Chúa Trời quyết định và điều hướng. Sứ mệnh của Chúa Giê-xu bắt đầu vào thời điểm của Đức Chúa Trời ấn định và theo đúng kế hoạch của Ngài.

Phản ứng của Chúa Giê-xu đối với lời cảnh cáo của người Pha-ri-si cho thấy tâm tình và sự quyết tâm của Ngài. Thứ nhất, Ngài không hề tỏ ra khiếp sợ trước Vua Hê-rốt. Sự đe dọa đến từ con người hung ác không thể làm trì hoãn công việc của Ngài. Thứ hai, Ngài quyết định hoàn thành từng chi tiết trong chức vụ Ngài bằng cách tiếp tục chữa lành bệnh nhiều người và giải phóng những người bị quỷ áp chế cho đến khi kết thúc những ngày trên đất của Ngài (câu 32). Thứ ba, khi nói "hôm nay, ngày mai, và ngày mốt Ta vẫn tiếp tục cuộc hành trình" (câu 33), Chúa Giê-xu cho thấy Ngài vâng lời Đức Chúa Trời tiếp tục thi hành sứ mệnh của Ngài không ngừng nghỉ, dù sự vâng lời nầy sẽ dẫn Ngài đến chỗ chết trong thành Giê-ru-sa-lem như các tiên tri trước kia đã chết tại đấy.

Cuối cùng, Chúa Giê-xu tỏ ra đau lòng về số phận tương lai của Giê-ru-sa-lem (câu 34, 35). Ngài biết, Ngài sẽ bị phản nộp và chịu đóng đinh ở đó, nhưng Ngài cũng ước gì sự việc có thể khác hơn. Câu 35 không chỉ đơn thuần nói Chúa Giê-xu đến Giê-ru-sa-lem để chịu chết, mà có ý nghĩa sâu xa hơn, đó là Giê-ru-sa-lem sẽ thật sự nhận biết khi Ngài hiện đến trong vinh quang với tư cách Thẩm Phán. Tương tự, dù mục đích câu 32 đề cập: Đến Giê-ru-sa-lem để chịu khổ và chịu chết, nhưng hướng đến tương lai là sự phục sinh và thăng thiên của Ngài. Bi kịch và sự mất mát là con đường dẫn đến vinh quang và phục hồi đối với Chúa Giê-xu và chúng ta.

Hãy suy nghĩ hành trình về thiên quốc của bạn và xem lại mục tiêu của đời bạn là gì?

Lạy Chúa, xin thêm sức cho con để con tiếp tục tiến bước hầu vươn lên trong đức tin và đạt đến mục tiêu mà Ngài đã đề ra.

(c) 2024 svtk.net