Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Nếp Sống Đạo của Cơ Đốc Nhân

Lu-ca 17:1-19

“Ngài phán với anh ấy: Hãy đứng dậy và đi; đức tin con đã chữa lành con” (câu 19 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao không được gây cho người khác vấp phạm? Nếu người khác phạm lầm lỗi với bạn, bạn sẽ làm gì? Những chỗ nào trong đời sống của bạn, khiến bạn phải vận dụng đức tin, vâng lời Đức Chúa Trời và rộng lòng tha thứ? Tại sao cần phải sống biết ơn Chúa?

Có nhiều điều Chúa Giê-xu dạy chúng ta về nếp sống đạo của Cơ Đốc nhân trong phân đoạn này. Thứ nhất, Ngài dạy rằng gây cho anh chị em mình vấp phạm là trọng tội trong mắt Đức Chúa Trời (câu 1, 2). “Một kẻ nhỏ, một đứa bé” có nghĩa là một môn đệ khiêm nhường, nhưng còn non trẻ của Đấng Cơ Đốc. Có thể do cách ứng xử không khôn ngoan, thiếu tình thương nên các môn đệ khác đã làm cho người môn đệ nầy nản lòng khi theo Chúa Giê-xu. Từ chỗ nản lòng đi đến chỗ bị cám dỗ và phạm tội. Vì thế Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng người nào gây cho anh chị em mình phạm tội, người đó đáng bị chết chìm trong biển để khỏi gây vấp phạm cho người khác.

Thứ hai, Chúa Giê-xu dạy chúng ta biết làm gì nếu một anh chị em phạm tội với chúng ta (câu 3, 4). Trước nhất, trong tình yêu thương và sự khiêm nhường, chúng ta có thể mặt đối mặt với người nầy và thẳng thắn nói rằng người nầy đã phạm tội. Không được dung dưỡng hay cứ yên lặng, nhưng phải khiển trách, khuyến cáo tội lỗi. Chúng ta làm như thế với mong muốn làm hòa cùng anh chị em chúng ta và đem họ ra khỏi tội lỗi, chứ không phải làm cho họ bị hổ nhục. Có ba điều chúng ta cần làm khi một anh chị em phạm tội với mình: (1) đừng nóng giận; (2) trong sự cởi mở chúng ta nói thẳng là chúng ta bị thương tổn bởi người nầy như thế nào, thay vì giữ sự cay đắng trong lòng; (3) đừng nói những điều tiêu cực hay phê phán anh chị em nầy với những người khác. Nói xấu về người khác là một trong những tội phổ biến trong Hội Thánh, cần phải chấm dứt. Kế đến, phải tha thứ không giới hạn số lần (câu 4). Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta, vì thế chúng ta phải tha thứ không giới hạn cho người khác khi họ biết ăn năn.

Thứ ba, Chúa Giê-xu dạy các môn đệ phải vận dụng đức tin dù rất nhỏ nhưng sống động của họ (câu 5, 6). Phúc Âm Ma-thi-ơ 21:21-22 cũng dạy các môn đệ chỉ cần vận dụng đức tin thì núi sẽ bị cất lên và bị ném xuống biển. Chỉ do đức tin nơi Đức Chúa Trời, Ngài sẽ thi hành quyền năng lớn lao cho chúng ta.

Thứ tư, khi một người theo Chúa Giê-xu, vâng lời Ngài, thì không chỉ chu toàn nhiệm vụ Ngài giao, mà còn xem đây là đặc quyền Ngài ban. Người nầy không mong chờ lời cảm ơn mà chỉ làm những gì mà mình phải làm (câu 7-10). Là những người theo Chúa Giê-xu, chúng ta chú mắt vào Đức Chúa Trời với mục tiêu là phục vụ và làm đẹp lòng Ngài. Việc Đức Chúa Trời khen thưởng khi chúng ta làm việc khó nhọc vì Ngài, là việc của Ngài chứ không phải phát xuất từ ý muốn hay sự đòi hỏi của chúng ta.

Cuối cùng, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta sống vô ơn, nhưng Ngài vui lòng khi con dân Ngài sống biết ơn Chúa. Chúa Giê-xu đã chữa lành mười người phong, nhưng chỉ có một người quay trở lại tạ ơn Ngài (câu 17); điều đáng ngạc nhiên đó là người Sa-ma-ri. Một lần nữa ông Lu-ca chứng minh rằng ân sủng của Đức Chúa Trời dành cho mọi người không phân biệt ai.

Hãy cầu nguyện cho các mối quan hệ của bạn trong đó có mối thông công giữa bạn và Đức Chúa Trời. Bạn có thể tự vấn rằng nếp sống đạo của bạn lâu nay có điều nào cần phải điều chỉnh theo Lời Chúa dạy?

Tạ ơn Chúa vì sự quan phòng của Ngài trên đời sống con. Con tôn ngợi Ngài vì ơn cứu rỗi Ngài ban cho con qua Con Một của Ngài. Xin giúp con yêu mến lẫn nhau như Ngài yêu thương con.

(c) 2024 svtk.net