Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Đã Tha Thứ Chưa?

II Sa-mu-ên 14:1-24

"Vua nói với Giô-áp: ‘Được, ta sẽ làm điều ngươi xin. Nhưng,… Nó phải ở quanh quẩn trong nhà nó, không được gặp mặt ta’" (câu 21, 24 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Giô-áp phải làm gì để đem Hoàng tử Áp-sa-lôm về? Vua Đa-vít có thái độ nào và ứng xử thế nào trong hoàn cảnh nầy? Nói là đã tha thứ nhưng không muốn thấy mặt người mà bạn tha thứ, có phải là tha thứ thật không? Vì sao?

Ông Giô-áp nghĩ Hoàng tử Áp-sa-lôm sẽ là người kế vị Vua Đa-vít. Nhưng Hoàng tử Áp-sa-lôm trốn tránh nơi xứ người (II Sa-mu-ên 13:38) thì làm thế nào có thể thay thế Vua Đa-vít, nếu thình lình vua cha qua đời, khi đó Ít-ra-ên sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị. Có thể ông Giô-áp đã thuyết phục Vua Đa-vít đem Hoàng tử Áp-sa-lôm về, nhưng không thành công, nên lần nầy ông học theo cách kể chuyện của Tiên tri Na-than để làm cho Vua Đa-vít đổi ý (II Sa-mu-ên 12:1-6).

Ông Giô-áp sai một phụ nữ khéo nói đến gặp Vua Đa-vít. Sau khi nghe người nầy kể câu chuyện hư cấu, vua tưởng là chuyện thật, nên bằng lòng dung thứ cho người con trai tưởng tượng của bà. Mục đích chính của câu chuyện là thông qua việc cảm thương hoàn cảnh của người phụ nữ, Vua Đa-vít sẽ dung thứ cho con của ông là Hoàng tử Áp-sa-lôm. Khi thấy đạt mục đích, bà nói nếu Vua Đa-vít tha thứ cho con trai bà, tại sao vua không thể tha thứ cho con trai của vua? Nếu vua cảm thương cho hoàn cảnh của gia đình bà, tại sao vua không cảm thương gia đình Ít-ra-ên và đem Hoàng tử Áp-sa-lôm trở về để sau nầy kế vị vua cha? Dĩ nhiên, Vua Đa-vít nhận ra mưu của ông Giô-áp. Dù vậy, Vua Đa-vít cũng bằng lòng sai ông đi gọi Hoàng tử Áp-sa-lôm trở về.

Dù được khen ngợi là khôn ngoan, nhưng trong chuyện nầy, Vua Đa-vít chẳng hành xử cách khôn ngoan. Ông buộc lòng đem Hoàng tử Áp-sa-lôm về nhưng vẫn chưa hoàn toàn tha thứ và phục hồi địa vị. Chẳng những thế ông còn nói rằng: "Nó phải rút ở trong nhà nó, chớ ra mắt trước mặt ta" (câu 24). Như thế có thật là tha thứ không? Nếu đã tha thứ cho người nào đó rồi, chúng ta không thể tuyên bố không muốn sống chung, làm việc chung, hay không muốn nhìn thấy mặt người đó. Hãy thử nghĩ xem sự thể sẽ thế nào nếu sau khi dùng máu Ngài xóa sạch tội chúng ta, Chúa Giê-xu lại nói rằng: "Ta không muốn nhìn thấy mặt con nữa"? Việc làm nầy của Vua Đa-vít gây ra một loạt những việc làm tồi tệ sau nầy, vì chẳng bao lâu, Hoàng tử Áp-sa-lôm nổi loạn. Vua Đa-vít là vị vua anh dũng, nhưng lại là người cha yếu đuối. Ông thiếu kiên quyết đối với con, khi Hoàng tử Am-nôn cưỡng hiếp em gái; rồi khi Hoàng tử Áp-sa-lôm giết Hoàng tử Am-nôn; và khi cho Hoàng tử Áp-sa-lôm trở về, ông nhớ con nhưng không hoàn toàn tha thứ cho con. Phải có thái độ và cách ứng xử rõ ràng với tội lỗi trong tình yêu thương. Tình yêu thương thật có sự tha thứ nhưng không dung túng tội lỗi.

Đức Chúa Trời muốn bạn tha thứ cho người khác như thế nào?

Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ người khác như Ngài đã tha thứ mọi tội và phục hồi con.

(c) 2024 svtk.net