Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Trốn Chạy và Thuận Phục

II Sa-mu-ên 15:13-37

"Vua nói với Xa-đốc: ‘Hãy đem Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời vào trong thành. Nếu ta được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ đem ta trở về, cho ta thấy Hòm Giao Ước và nơi ngự của Ngài. Nhưng nếu Ngài phán: Ta không hài lòng ngươi,’ thì nguyện Ngài làm cho ta theo điều gì Ngài thấy là tốt!" (câu 25-26 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Vua Đa-vít chạy trốn? Ông bày tỏ đức tin và sự thuận phục ra sao? Bạn có thái độ, hành động nào với những người chống đối bạn? Việc làm nào của bạn gần đây cho thấy bạn thật sự vâng phục ý của Đức Chúa Trời?

Vua Đa-vít rời Giê-ru-sa-lem bằng cách băng qua khe Xết-rôn và đi về phía hoang mạc. Mười thế kỷ sau, Chúa Giê-xu, Con Vua Đa-vít cũng băng qua khe nầy trong đêm Ngài bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Giăng 18:1). Đi với Vua Đa-vít, có Thầy Tế lễ Xa-đốc và A-bia-tha, và những người Lê-vi khiêng Hòm Giao Ước.

Trước tiên, Vua Đa-vít quyết định sai Thầy Tế lễ Xa-đốc và A-bia-tha đưa Hòm Giao Ước trở lại Giê-ru-sa-lem. Hòm Giao Ước tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, vì thế Hòm Giao Ước cần ở lại kinh đô là biểu tượng Đức Chúa Trời cai trị trên dân Ngài. Chính Ngài là Đấng thật sự cai trị Ít-ra-ên. Nếu Ngài muốn lập Hoàng tử Áp-sa-lôm thay thế Vua Đa-vít thì đó là ý của Ngài. Vua Đa-vít bày tỏ sự tin cậy và thuận phục Đức Chúa Trời. Mặt khác, Vua Đa-vít trù hoạch một cách khôn ngoan bằng cách sắp đặt để hai thầy tế lễ nầy trở thành những người thông tin cho ông về những việc làm của Hoàng tử Áp-sa-lôm.

Kế đến, sau khi cầu xin Đức Chúa Trời làm cho Hoàng tử Áp-sa-lôm và dân chúng không nghe theo những mưu chước của ông A-hi-tô-phe (câu 31), Vua Đa-vít gặp ông Hu-sai, người bạn thật trung thành và là quan chức trong triều của vua. Ông Hu-sai được sai phái trở về phục vụ Hoàng tử Áp-sa-lôm với tư cách một cố vấn và với nhiệm vụ làm "bại mưu" của ông A-hi-tô-phe. Việc làm nầy có thể bị hiểu lầm là thiếu tin cậy Đức Chúa Trời. Nhưng sắp đặt và sử dụng người một cách khôn ngoan không có nghĩa là không tin cậy Chúa. Sau nầy chúng ta sẽ thấy ông Hu-sai đã vô hiệu hóa mưu của ông A-hi-tô-phe như thế nào.

Cũng cần nói thêm là những điều mà ông Y-tai nói cùng Vua Đa-vít (câu 21) cho thấy người Phi-li-tin nầy và sáu trăm người theo ông một mực trung thành với Vua Đa-vít. Sau nầy, Chúa Giê-xu đã khen ngợi lòng trung thành và đức tin lớn của những người bên ngoài Ít-ra-ên (Ma-thi-ơ 8:10). Đức tin và sự trung thành của họ hơn hẳn nhiều người Giu-đa.

Cuối cùng, chúng ta biết Vua Đa-vít, một người thuận phục ý muốn của Chúa, không muốn tự mình ra tay chống lại kẻ phản loạn là con của mình, gây nên cảnh tương tàn cho gia đình và dân tộc mình, dù ông có đạo quân trung thành và những người bạn không bao giờ lìa bỏ ông trong lúc hoạn nạn. Đây là bài học cho chúng ta, thuận phục ý Chúa là điều quan trọng, và khi lâm hoạn nạn, chúng ta biết ai thật sự là bạn thiết, là người ở bên cạnh sẵn lòng an ủi, nâng đỡ chúng ta.

Hãy suy nghĩ về sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài. Phẩm tính nầy của Đức Chúa Trời bày tỏ trong nếp sống của bạn thế nào?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn thuận phục ý muốn của Ngài và giữ lòng trung tín với Ngài bất kể điều gì xảy ra.

(c) 2024 svtk.net