Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Nếu Họ Nín Lặng

Lu-ca 19:28-44

"Ngài đáp: ‘Ta bảo các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên’"(câu 40).

Câu hỏi suy ngẫm: Câu chuyện xảy ra trong thời điểm nào, ở đâu? Chúa Giê-xu sai hai môn đệ làm gì? Tại sao là lừa con? Phản ứng của đoàn dân ra sao? Phản ứng của người Pha-ri-si ra sao? Và câu đáp của Chúa có nghĩa gì? Tại sao Chúa Giê-xu khóc cho thành phố Giê-ru-sa-lem? Chúng ta học được gì qua câu 40?

Câu chuyện xảy ra vào tuần lễ cuối cùng của Chúa Giê-xu trước khi Ngài bị giết. Ngài cùng các môn đệ trên đường từ thành Giê-ri-cô đi lên thành Giê-ru-sa-lem. Đây là tuần lễ mà người Do Thái hành hương về thủ đô rất đông vào dịp lễ Vượt Qua (ước lượng khoảng 2 triệu người) để thờ phượng Chúa trong đền thờ theo như mệnh lệnh của Ngài (Phục Truyền 16:16). Lễ Vượt Qua là một đại lễ kỷ niệm sự kiện người Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập dưới sự lãnh đạo của đầy tớ Chúa là ông Môi-se vào thế kỷ 15 T.C.

Khi đến làng Bê-tha-ni, là ngoại ô của thành Giê-ru-sa-lem (cách thành khoảng 3 km), Chúa Giê-xu sai hai môn đệ đi mượn con lừa con để Ngài cưỡi vào thành. Chúa không cưỡi ngựa vào thành như vị vua sau chiến thắng quân sự, mà là cưỡi lừa biểu tượng của vua hòa bình. Ngài dùng lừa con chưa ai cưỡi để xứng hợp với địa vị Con Trời (tương tự như dâng cho Chúa bó lúa đầu mùa). Chúa Giê-xu cưỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem để bày tỏ một cách công khai rằng Ngài là vua, là Đấng Mết-si-a mà 500 năm trước ông Xa-cha-ri đã tiên tri (Xa-cha-ri 9:9).

Trên đường Chúa cưỡi lừa tiến vào thành, vì chứng kiến hoặc nghe nói về các phép lạ Ngài làm, nhất là phép lạ Ngài làm cho La-xa-rơ sống lại, nên rất đông dân chúng hân hoan đón tiếp Ngài (Giăng 12:17-18). Họ trải áo mình và trải lá kè trên đường như đón tiếp một nhân vật quan trọng. Hội Thánh ngày nay gọi ngày nầy là Chúa Nhật Lễ Lá. Dựa theo Thi-thiên 118:26, các môn đệ và đoàn dân tung hô Chúa Giê-xu như vị vua, Đấng Chịu Xức Dầu (Đấng Mết-si-a) mà các tiên tri đã đề cập đến nhiều lần. Họ muốn tôn Ngài lên làm vua người Do Thái.

Nhưng người Pha-ri-si muốn ngăn chặn lời tung hô nầy vì họ chối bỏ Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a và họ đang tìm phương cách để giết Ngài. Lời Chúa đáp: "Nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên" (câu 40) bày tỏ rằng việc tung hô Ngài là vua, là Đấng Mết-si-a là chính đáng. Nếu cần, Đức Chúa Trời có thể dùng những vật vô tri để bày tỏ chân lý nầy (Ê-sai 55:12).

Thay vì vui mừng trước sự đón tiếp cuồng nhiệt và sự tung hô của đoàn dân, Chúa lại khóc cho dân thành Giê-ru-sa-lem. Chúa biết rõ rằng họ chỉ phản ứng nhất thời, cảm xúc bồng bột. Họ muốn Chúa Giê-xu làm vua để đánh đổ ách cai trị của người La Mã. Khi Chúa không đáp ứng điều mong mỏi nầy, và do sự xúi giục của thành phần chống Chúa, chỉ vài ngày sau đám đông đó lại cuồng nhiệt gào thét lên "đóng đinh nó trên cây thập tự" (Lu-ca 23:21). Chúa khóc cho dân thành Giê-ru-sa-lem và cho dân Do Thái nói chung, vì Ngài biết do sự từ chối và đóng đinh Ngài, họ sẽ bị Đức Chúa Trời trừng phạt rất nặng nề. Thật như lời Chúa Giê-xu tiên tri, do sự nổi loạn chống lại chính quyền La Mã mà thành phố Giê-ru-sa-lem bị bao vây lâu ngày và cuối cùng năm 70 S.C. quân La Mã, do Đại tướng Titus chỉ huy, đã chiếm thành, đốt và phá sạch đền thờ, tàn sát khoảng 600.000 người, lưu đày số còn sống sót khiến họ lưu lạc khắp thế giới cho đến năm 1948 (gần 2.000 năm không tổ quốc !).

Lời Chúa đối đáp với người Pha-ri-si ở câu 40, nhắc nhở chúng ta: "Tôn cao Danh Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế, làm chứng về Ngài, không phải là sự lựa chọn tùy nghi, mà là bổn phận và mệnh lệnh cho tất cả môn đệ của Ngài" (Ma-thi-ơ 28:19-20). Bạn thực hiện mệnh lệnh Chúa truyền và bổn phận Chúa giao thế nào?

Lạy Chúa, nguyện cho cả môi miệng và đời sống của con là bài ca tôn ngợi Chúa, Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.

(c) 2024 svtk.net