Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Chia Rẽ Nội Bộ

II Sa-mu-ên 19:41-43

"Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được" (Ma-thi-ơ 12:25).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người Ít-ra-ên và người Giu-đa tranh cãi nhau? Hậu quả của sự tranh cãi nầy là gì? Theo bạn, Hội Thánh có sự chia rẽ nội bộ bắt nguồn từ những nguyên nhân nào? Bạn cần làm gì để tránh những trường hợp đáng tiếc như vậy?

Sau cuộc hội ngộ tốt đẹp giữa Vua Đa-vít và ông cụ Bát-xi-lai là một câu chuyện đáng buồn. "Hết thảy người Ít-ra-ên" không phải là tất cả dân chúng của mười bộ tộc phía bắc, chỉ khoảng phân nửa thôi, vì có hơn phân nửa số dân Ít-ra-ên vẫn theo Vua Đa-vít (câu 40). Câu hỏi của mười bộ tộc Ít-ra-ên chất vấn bộ tộc Giu-đa trong câu 41 nói lên sự tranh cãi giữa các bộ tộc thuộc miền bắc và các bộ tộc thuộc miền Nam (câu 41-43). Sự tranh cãi như thế phát xuất từ lòng ganh tị muốn tranh giành ảnh hưởng giữa các bộ tộc. Trong cuộc tranh cãi này, mỗi bên đều nêu ra lý lẽ của mình. Mười bộ tộc phía bắc, tức Ít-ra-ên, trách bộ tộc phía nam, tức Giu-đa, sao lại lén lút phò tá Vua Đa-vít và hoàng gia qua sông Giô-đanh và trở về mà không chờ họ cùng đi. Người Giu-đa trả lời sở dĩ họ làm vậy vì vua có bà con gần với họ. Các bộ tộc Ít-ra-ên đáp lại rằng dù sao thì họ cũng là số đông, có đến mười bộ tộc nên phải có phần nhiều hơn là Giu-đa chỉ có một bộ tộc.

Sự chia rẽ nội bộ này do nhiều nguyên nhân sâu xa. Ngay từ thời Vua Sau-lơ còn lãnh đạo, ông đã chia ra hai nhóm trong quân đội, 1 Sa-mu-ên 11:8 cho thấy: "Sau-lơ kiểm điểm chúng tại Bê-xéc; có ba trăm ngàn người Ít-ra-ên và ba mươi ngàn người Giu-đa." Chính sự phân biệt này là khởi đầu cho mầm mống chia rẽ kéo dài suốt lịch sử của các vua. Khi Vua Sau-lơ chết, thì Ít-ra-ên ủng hộ ông Ích-bô-sết là con Vua Sau-lơ, còn Giu-đa thì ủng hộ ông Đa-vít (II Sa-mu-ên 2:10-11). Khi Hoàng tử Áp-sa-lôm nổi loạn phản nghịch cha mình là Vua Đa-vít thì nhiều người trong Ít-ra-ên, tức mười bộ tộc phía bắc, đã ủng hộ phe Áp-sa-lôm, cho đến khi ông Áp-sa-lôm tử trận thì họ lui về nhà và bàn nhau trở ra đón rước Vua Đa-vít (II Sa-mu-ên 19:8-10). Vì thế mới có cuộc tranh cãi nói trên.

Hậu quả của sự chia rẽ nội bộ này rất lớn, vì dần dần hai nhóm người cùng một nhà đã trở thành thù địch công khai và cuối cùng dẫn đến sự phân chia thành hai vương quốc: vương quốc Ít-ra-ên thuộc phía Bắc và vương quốc Giu-đa thuộc phía Nam (1 Các Vua 12:1-24).

Sự ghen tị, tranh cạnh là chất độc gây chết người đã làm ly tán nhiều gia đình, gây chia rẽ trong nội bộ Hội Thánh và khiến cho nhiều đất nước lâm vào những cuộc nội chiến đầy tang thương không đáng có. Chúa Giê-xu đã nói trong Ma-thi-ơ 12:25 rằng: "Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được." Khi ai nấy cùng học hỏi Lời Chúa, hướng về Chúa và sống theo ý Chúa thì nội bộ luôn hiệp nhất, mọi người cùng nhau gây dựng và phát triển Hội Thánh. Nhưng khi có một nhóm hướng về người này, nhóm kia hướng về người khác thì sẽ có tranh cạnh, ghen tị, chia rẽ.

Hội Thánh bạn có tình trạng chia rẽ nội bộ không? Nguyên nhân từ đâu? Bạn quyết định sẽ làm gì sau khi học bài này?

Lạy Chúa, xin giúp con và Hội Thánh con luôn hướng lòng về Chúa, sống theo sự dạy dỗ của Chúa để cùng nhau phục vụ Ngài, mở rộng Nước Chúa trên đất.

(c) 2024 svtk.net