Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Khi Chúa Muốn Mình Tha Thứ

II Sa-mu-ên 16:5-10; II Sa-mu-ên 19:15-23

"Anh chị em thân yêu, đừng tự báo thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa, vì Kinh Thánh đã chép: ‘Sự báo trả thuộc về Ta; Ta sẽ báo ứng! Chúa phán vậy’" (Rô-ma 12:19 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Si-mê-i là ai? Tại sao ông hành động vô lễ với Vua Đa-vít? Vua Đa-vít phản ứng thế nào trước tình huống đó? Tại sao Vua Đa-vít có thể tha thứ cho ông Si-mê-i? Bạn học được điều gì về tinh thần tha thứ đó?

Vì con trai mình là Hoàng tử Áp-sa-lôm làm phản, Vua Đa-vít phải cùng một số quần thần rời hoàng cung Giê-ru-sa-lem, chạy trốn. Trên đường đến gần Bê-hu-rim, một người thuộc gia tộc của Vua Sau-lơ là ông Si-mê-i đã có thái độ vô lễ và khiếm nhã, vừa trách mắng, vừa ném đá vào vua và các quần thần, đến nỗi Tướng A-bi-sai chỉ muốn giết ông đi, nhưng Vua Đa-vít ngăn cản. Vua Đa-vít kính sợ Đức Chúa Trời, không xử sự theo phản ứng của con người tự nhiên, nhưng tin rằng mọi sự đều nằm trong quyền tể trị của Chúa: "Hãy để cho nó làm, để nó rủa sả, vì Đức Giê-hô-va đã phán dặn nó làm vậy. Có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ đoái xem sự hoạn nạn ta, lấy phước trả lại thế cho sự rủa sả mà ta bị ngày nay" (16:10). Để có được đức độ cao vời như vậy ta phải kiên trì tập tành nếp sống Cơ Đốc.

Nghe tin Hoàng tử Áp-sa-lôm đã chết, cuộc phản loạn đã ngưng, Vua Đa-vít không thấy mừng nhưng lại đau lòng, xót dạ khóc cho con. Tình hình êm lắng, vua lên đường trở về hoàng cung. Trên đường đi, lại gặp ông Si-mê-i ra đón vua tại sông Giô-đanh với lời xin lỗi: "Xin vua chớ để điều đó vào lòng. Kẻ tôi tớ vua nhìn biết mình đã phạm tội" (19:19-20). Tướng A-bi-sai vẫn nuôi lòng tức giận và chỉ muốn giết người, nhưng Vua Đa-vít trách hành động đó bằng câu nói: "Hỡi các con trai Xê-ru-gia, ta có can hệ chi với các ngươi chăng, mà ngày nay các ngươi ở với ta khác nào kẻ cừu địch?" (19:22). Dù ông Si-mê-i chỉ là người vụ lợi, sống theo thời, nhưng tinh thần tha thứ khiến Vua Đa-vít không coi ông là kẻ thù nữa, nhưng coi người đi ngược lại tinh thần tha thứ mới là cừu địch mình. Sự tha thứ nầy không xuất phát từ bản chất tự nhiên của con người, nhưng là việc làm của Đức Chúa Trời trong bất cứ người nào mong muốn sống cho Ngài. Khi Chúa muốn chúng ta tha thứ, chúng ta phải tha thứ, bất kể đối tượng là ai, dù mức độ của lòng tức giận lớn đến mực nào. Đức Chúa Trời sẵn sàng làm điều mà con người không thể làm đó trong mỗi Cơ Đốc nhân.

Vua hứa với ông Si-mê-i: "Ta hứa với ngươi là ngươi sẽ không bị xử tử" (19:23). Đó là lời hứa danh dự của một vị vua. Vua Đa-vít nhận biết cương vị của mình đến từ Chúa, cho nên, mỗi quyết định dù lớn hay nhỏ cũng phải lệ thuộc Chúa. Vua Đa-vít không tự mình báo thù Vua Sau-lơ, hay trừng phạt Hoàng tử Áp-sa-lôm, hoặc xử tử ông Si-mê-i, vua để Đức Chúa Trời là Đấng có quyền hạn, vinh hiển quyết định. Người Cơ Đốc phải luôn luôn ý thức điều Chúa đã làm cho mình, thì mới có thể làm cho người khác như vậy. Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi điều con người không thể làm cho Ngài, rồi bỏ mặc chúng ta tự phấn đấu, nhưng khi đòi hỏi điều gì, chính Ngài hoàn thành điều đó bên trong chúng ta, chỉ cần chúng ta vâng phục Ngài hoàn toàn. Đó là tuyệt điểm của Tin Lành.

Bạn có thái độ nào trước những người đối xử tồi tệ với mình? Bạn học được gì từ nơi thái độ và cách cư xử của Vua Đa-vít? Bạn có tin rằng mình cũng có thể cư xử như vậy không? Bằng cách nào?

Lạy Chúa, xin dạy con biết thứ tha khi Ngài muốn con phải tha thứ, hiểu điều Chúa đã làm cho con để con cũng làm được cho người khác. Xin thể hiện đức tính của Ngài trong con và qua con.

(c) 2024 svtk.net