Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Không Nhớ Đến Lỗi Lầm Cũ

Công-vụ Các Sứ-đồ 13:1-13; Công-vụ Các Sứ-đồ 15:36-41

"Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu" (Thi-thiên 103:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Giăng Mác là ai? Tại sao đã bỏ trốn mà ông Ba-na-ba lại muốn dẫn theo trong chuyến đi truyền giáo thứ nhì? Lòng cảm thông và tha thứ của ông Ba-na-ba đem lại ích lợi nào cho ông Phao-lô và ông Giăng Mác?

Được Chúa Thánh Linh kêu gọi vào công tác truyền giáo cho Dân Ngoại, Sứ đồ Phao-lô và ông Ba-na-ba đáp tàu qua xứ Si-li-si, ông Ba-na-ba dẫn theo người cháu gọi mình bằng cậu là ông Giăng Mác. Đến đảo Ba-phô, Sứ đồ Phao-lô đã nhân danh Chúa mà quở trách gã phù thủy Ba-Giê-xu, khiến bị mù. Thấy thế quan tổng trấn tin nhận Chúa, và rất ngạc nhiên về Phúc Âm diệu kỳ của Chúa. Tuy nhiên, trước khi phái đoàn truyền giáo rời đảo để tiếp tục lên đường thì ông Giăng Mác đã trốn khỏi họ, về lại Giê-ru-sa-lem, có thể vì thấy con đường phục vụ Chúa không đơn giản như mình nghĩ. Sứ đồ Phao-lô và ông Ba-na-ba vẫn tiếp tục lên đường rao giảng Phúc Âm của Chúa. Sau đó ít lâu, họ chuẩn bị chuyến truyền giáo lần thứ hai, ông Ba-na-ba lại muốn dẫn ông Giăng Mác theo, nhưng Sứ đồ Phao-lô không đồng ý về sự bỏ cuộc của ông Giăng Mác lần trước, họ tranh cãi về việc ấy, cuối cùng phải chia làm hai, ông Ba-na-ba dẫn ông Giăng Mác theo, còn Sứ đồ Phao-lô chọn ông Si-la đi với mình.

Sứ đồ Phao-lô có lý do riêng khi từ chối ông Giăng Mác, ông Ba-na-ba cũng có lý do riêng khi chọn ông Giăng Mác trở lại. Sự cảm thông của ông Ba-na-ba dành cho ông Giăng Mác không phải vì tình máu mủ bà con, nhưng ông Ba-na-ba là người luôn có lòng cảm thông và tha thứ.

Dù ông Sau-lơ đã đầu phục Chúa thật sự, nhưng quá khứ của ông làm mọi người xa lánh và không dám tin tưởng, chính ông Ba-na-ba là người đã củng cố lòng tin của mọi người cho ông Sau-lơ lúc đó (Công-vụ Các Sứ-đồ 9:26-27). Khi đạo của Chúa lan rộng đến thành An-ti-ốt làm cho nhiều người tin theo đạo, các sứ đồ sai ông Ba-na-ba đến đó khích lệ họ, thì ông Ba-na-ba lại đi tìm ông Sau-lơ tại thành Tạt-sơ ở gần đó để hai người cùng hiệp nhau trong công tác gây dựng và truyền bá Phúc Âm. Có thể nói nếu không có sự quan tâm của ông Ba-na-ba thì ông Sau-lơ cũng bị mọi người lãng quên ngay sau một thời gian ngắn tin Chúa, làm sao có được một nhà truyền giáo trứ danh Phao-lô về sau?

Sự tha thứ của người Cơ Đốc gắn liền với lòng tin vào quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời trong lòng người. Tha thứ không phải là cố gắng của con người để biến cải người khác, nhưng là sự chấp nhận của một người trước ý muốn của Đức Chúa Trời để đối xử với người khác theo cách Chúa muốn, phần còn lại là của Đức Chúa Trời. Ông Ba-na-ba đã cư xử như thế đối với ông Sau-lơ, rồi Chúa biến đổi từ một ông Sau-lơ chống đối trở thành một Sứ đồ Phao-lô hữu dụng cho Ngài. Ông Ba-na-ba cũng cư xử như thế với cháu mình là ông Giăng Mác, để từ đó Chúa biến đổi chàng thanh niên hèn nhát đó trở thành một người hữu dụng. Thật thế, ông Giăng Mác trở thành đứa con đức tin rất hữu dụng của Sứ đồ Phi-e-rơ về sau và là tác giả của sách Phúc Âm Mác.

Bạn có thật sự vui khi tha thứ cho người mắc lỗi không? Bạn có tin rằng Chúa dùng sự tha thứ của mình để biến đổi cuộc đời người khác không?

Cảm ơn Chúa vì nay con là người thể nào ấy là nhờ ơn tha thứ của Ngài. Cảm ơn Chúa vì sự tha thứ của Chúa luôn luôn đi đôi với quyền năng biến đổi những con người tội lỗi như con.

(c) 2024 svtk.net