Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Sống Đạo Thế Nào?

Ê-sai 1:1-20

"Hãy rửa cho sạch, hãy thanh tẩy chính mình! Hãy loại bỏ những việc ác khỏi mắt Ta; Đừng làm điều ác nữa. Hãy học làm lành, Tìm kiếm công lý; Giúp đỡ người bị áp bức, Xét xử công minh cho kẻ mồ côi, Bênh vực lý lẽ người góa bụa" (câu 16-17 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ê-sai làm tiên tri thời nào và cho vương quốc nào? Qua ông, Đức Chúa Trời cho dân Ngài biết vì sao Ngài thất vọng? Tại sao Chúa không nghe lời cầu nguyện và không nhậm các của lễ họ dâng? Đức Chúa Trời muốn họ thay đổi điều gì? Chúa bày tỏ ân sủng của Ngài thế nào? Chúa muốn bạn sống đạo thế nào?

Ông Ê-sai nhận được khải tượng về vương quốc Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem vào các đời Vua Ô-xia, Giô- tham, A-cha, và Ê-xê-chia, qua đó chúng ta biết được ông làm tiên tri khoảng 40 năm từ 740 TC, là năm cuối của Vua Ô-xia, đến 701 TC là lúc Giê-ru-sa-lem bị vây trong thời Vua Ê-xê-chia. Sách Ê-sai được kể là Phúc Âm của Cựu Ước. Khi tuyển dân của Ngài bội nghịch, lìa bỏ Chúa, Chúa tuyên bố án phạt, nhưng tình yêu thương đời đời của Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả khi họ ăn năn. Chúng ta sẽ lần lượt học những điều đó qua sách Ê-sai để thấu hiểu ân sủng diệu kỳ của Đức Chúa Trời.

Tiếp theo phần mở đầu, ông Ê-sai cho thấy nỗi đau rất lớn khi người cha bị con cái chống nghịch và từ bỏ. Thật đau lòng khi bạn dành cả tâm lực, thường là cả đời người để trưởng dưỡng con cái, nhưng khi thành nhân chúng quay lưng lại với bạn. Đó là điều Tiên tri Ê-sai mô tả nỗi đau của Cha Trên Trời khi con cái Ngài dấy nghịch cùng Ngài và Ngài buộc lòng sửa phạt họ (câu 2-9).

Điểm mấu chốt của sự dấy loạn mà Tiên tri Ê-sai nói ở đây không phải là sự phạm pháp, mà là mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và tuyển dân bị đổ vỡ. Sự mù lòa của dân tộc nầy thật kinh khủng. Họ biện minh cho những việc làm tội lỗi của họ bằng lễ nghi tôn giáo như cầu nguyện, dâng sinh tế, nhóm họp… (câu 10-15). Chúa muốn con dân Ngài sống đạo từ tấm lòng chứ không phải bằng nghi lễ bề ngoài. Làm sao Chúa chấp nhận khi họ dâng của lễ mà "cứ phạm tội" (câu 13), cầu nguyện nhiều mà "tay các người đẫm máu" (câu 15). Sống đạo như vậy làm sao tránh khỏi sự sửa phạt của Chúa!

Chúa phán: "Hãy rửa cho sạch, hãy thanh tẩy chính mình!" (câu 16). Sống đạo là biết thay đổi bản thân, biết từ bỏ điều tội lỗi và theo đuổi điều thánh khiết. Vậy, bước đầu tiên của sống đạo là thay đổi chính mình để trở nên thánh sạch. Từ "rửa" và "thanh tẩy", nhấn mạnh đời sống cũ của dân Ngài bị " dơ ", bị " tội"; nên cần được đổi mới. Khi tấm lòng đã được sạch, thì bước tiếp theo là đừng làm nó dơ trở lại. Dân Chúa phải từ bỏ các việc ác đã làm xưa kia. Bước cuối cùng là phải sống đạo bằng việc làm cụ thể: Học làm lành, tìm kiếm công lý ; giúp đỡ người bị áp bức, xét xử công bằng, bênh vực lý lẽ người góa bụa (câu 17). Khi dân Chúa sống đạo như vậy, Chúa sẽ nhận của lễ và nghe lời cầu xin của họ.

Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết. Ngài sẽ hủy diệt người khước từ và nổi loạn, cùng người ác (câu 20). Nhưng Ngài cũng là Đấng nhân từ, sẵn sàng tha tội cho dân Ngài. Dù tội họ đỏ như son, đỏ như vải điều cũng sẽ trở nên trắng như tuyết, trắng như lông chiên (câu 18). Chúa sẽ ban thưởng cho người sống đạo trong Ngài.

Đây là thời gian chuẩn bị lòng mình để tôn thờ Con Thánh. Qua Tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời muốn chúng ta đến bên máng chiên với tấm lòng ăn năn tội lỗi và dâng lên Ngài nếp sống đạo bằng cách thôi làm điều ác, tìm kiếm sự công chính, chăm sóc người mồ côi và các quả phụ (Gia-cơ 1:27). Bạn bày tỏ nếp sống đạo thế nào trong tinh thần đón mừng lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh?

Lạy Chúa, xin giúp con từ bỏ những ý tưởng và cả việc làm gian ác, thật lòng ăn năn. Xin Chúa thanh tẩy con, giúp con sống đạo như điều Ngài dạy. Xin giúp con thấy, biết được người Chúa muốn con chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần trong những ngày nầy.

(c) 2024 svtk.net