Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Trách Nhiệm Đối Với Người

I Cô-rinh-tô 9:19-23

"Dù được tự do, không lệ thuộc ai, nhưng tôi tình nguyện làm nô lệ mọi người để dìu dắt nhiều người đến với Chúa" (c. #19 BDY).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong công tác rao truyền Phúc Âm, Phao-lô tình nguyện làm điều gì? Với mục đích gì? Người ở dưới luật pháp và người không luật pháp chỉ về ai? Phao-lô có thái độ nào với họ? Thế nào là ở yếu đuối như người yếu đuối? Bạn áp dụng nguyên tắc trở nên mọi cách cho mọi người như thế nào trong việc rao truyền Phúc Âm?

Phao-lô là một người tự do, công dân La Mã, học thức uyên thâm, nhưng để thi hành trách nhiệm một cách hiệu quả, ông sẵn sàng làm nô lệ để phục vụ mọi người. Ông đã bằng lòng hạn chế tự do, hi sinh quyền lợi của mình vì mọi người. Ông nói: Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Ông không có ý dua nịnh hay mua chuộc ai, nhưng vì tình yêu thương, ông vui lòng chìu chuộng, nhường bước cho kẻ yếu đuối trong những việc không tổn thương đạo đức. Ông hành động như người câu cá, với cá lớn dùng lưới lớn, với loại cả nhỏ dùng lưới nhỏ. Với loài cá này, dùng thứ mồi sống, với cá kia dùng thứ mồi chết. Có nhiều cách khác nhau, nhưng mục đích vẫn là một, tức câu được cá.

Bản chất của Phúc Âm không bao giờ thay đổi, nhưng cách công bố Phúc Âm có thể thay đổi. Với người Do Thái, Phao-lô đã dùng luật pháp, lời tiên tri chứng minh Giê-xu là Chúa Cứu Thế. Với dân ngoại bang, ông dùng cõi thiên nhiên, chứng minh Đức Chúa Trời Toàn năng, Hằng hữu. Với người văn minh, ông dùng triết học của họ, và với người thờ hình tượng, ông dùng sự thờ lạy của họ để chứng minh Chân Thần duy nhất và đời đời. Như vậy, nhờ sự khéo léo và uyển chuyển của ông, vô luận người thuộc tầng lớp nào, trình độ nào, tư tưởng nào cũng chịu nghe và hiểu được Phúc Âm.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan, tế nhị để con đem Phúc Âm đến cho đồng bào của con.

(c) 2024 svtk.net