Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Kiêu Ngạo - Dại Dột

Thi-thiên 94:1-23

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (I Phi-e-rơ 5:5b).

Câu hỏi suy ngẫm: Những người ác đã làm những điều gì với dân Chúa? Tội nào của họ dẫn đến những hành động gian ác đó? Câu 7 cho thấy gì về những người ác? Qua đó, bạn được nhắc nhở gì?

Đây là lời cầu nguyện của cộng đồng con dân Đức Chúa Trời, kêu gọi Ngài “báo thù” hay “phán xét (câu 1-2) những người ác. Đó là những người “thống trị độc ác” (câu 20). Chúng dùng quyền lực để thi hành sự bất công: Khoe khoang, xấc xược, đàn áp, khiến dân chúng khốn khổ; sát hại người góa bụa, khách lạ và trẻ mồ côi; kết án tử hình người vô tội (câu 4-6, 20-21).

Nhưng trên hết, đó là những người kiêu ngạo (câu 2). Đây không chỉ là sự tự cao thông thường, mà là thái độ của người vô tín, tự tôn mình lên chống lại Đức Chúa Trời, thách thức sự trừng phạt của Ngài. Họ cho rằng Đức Chúa Trời “không thấy,” “chẳng để ý đến” (câu 7) những tội ác họ đang làm.

Đức Chúa Trời chống lại những người kiêu ngạo (Gia-cơ 4:6; I Phi-e-rơ 5:5). Kiêu ngạo là căn nguyên của mọi điều ác. Lòng kiêu ngạo sinh ra sự vô tín. Người kiêu ngạo xem mình là trung tâm, không nhìn biết và thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Do đó, kiêu ngạo được xem như tội thờ hình tượng (1 Sa-mu-ên 15:23). Người kiêu ngạo sống theo đường lối gian ác, ích kỷ của riêng mình.

Với lối sống và suy nghĩ đó, người kiêu ngạo trở nên “u mê,” “ngu dại” (câu 8). Họ không biết được chân lý rõ ràng rằng Đức Chúa Trời toàn tri, Ngài biết hết mọi điều con người suy nghĩ, nói, và làm (câu 9-11); Chúa đã và sẽ hành động chống lại kẻ dữ, bênh vực người ngay thẳng theo sự công chính và nhân từ của Ngài (câu 15-19, 22-23).

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta yên tâm khi tự xét mình không kiêu ngạo đến mức làm những điều gian ác như Thi-thiên này đề cập. Nhưng hãy thận trọng, vì kiêu ngạo thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đôi lúc tinh vi đến độ chúng ta không nhận ra rằng mình đang phạm tội này. Kiêu ngạo thuộc linh là một trong những hình thức tinh vi đó. Chẳng hạn như làm nhiều việc cho Hội Thánh để che đậy tội lỗi, củng cố vị trí, khẳng định mình; hay chỉ trích và xem thường người khác vì cho họ là yếu đuối, v.v ... Khi làm những điều này, chúng ta phớt lờ thực tế rằng Chúa biết hết mọi suy nghĩ và hành động của mình. Như vậy, chúng ta trở thành người “ngu dại.”

Hãy xét lại chính mình, xem bạn có biểu hiện kiêu ngạo nào trong đời sống không? Hãy ăn năn và xin Chúa đổi mới bạn.

Lạy Chúa, xin chỉ ra những kiêu ngạo trong con và tha thứ cho con. Xin cho con khôn ngoan, nhận biết Chúa toàn tri đang cai trị đời sống con, để con sống phục vụ Chúa và người khác với tấm lòng khiêm nhu.

(c) 2024 svtk.net