Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Lửa Sẽ Thanh Tẩy

Ê-sai 4:2-6

“Chúa dùng thần công lý và thần thiêu đốt để tẩy rửa sự ô uế của các con gái Si-ôn, tẩy sạch máu của Giê-ru-sa-lem khỏi giữa nó” (câu 4 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Ê-sai trông đợi và hy vọng điều gì? “Chồi” là ai (câu 2)? “Chồi” nầy khác với những nhà lãnh đạo khác như thế nào? Ai thực hiện quá trình thanh tẩy ở đây? Có điều nào trong cuộc đời bạn cần được thanh tẩy? Tiếp sau quá trình thanh tẩy là gì?

Tiên tri Ê-sai đột ngột chuyển từ đề tài đoán phạt sang đề tài cứu chuộc, bởi “ngày đó” trong câu 2 không phải là ngày đoán phạt như trong câu 1, mà là ngày cứu chuộc. Từ chỗ nầy, chúng ta có thể hiểu rằng “ngày của Chúa” bao gồm sự đoán phạt lẫn cứu chuộc - đoán phạt kẻ ác và cứu chuộc người công chính.

Sự đoán phạt và cứu chuộc nầy có thể xảy ra khi chúng ta đang sống trên đất. Trong khải tượng ông Ê-sai nhìn thấy, người Giu-đa bị đoán phạt và những người sống sót “được cứu chuộc” để họ có thể xây dựng lại đất nước của họ. Nhưng cũng sẽ có sự đoán phạt và cứu chuộc cuối cùng, khi tất cả chúng ta đứng trước Đức Chúa Trời và bị kết án hoặc nhận phần thưởng đời đời tùy theo những gì chúng ta đã làm trên đất (II Cô-rinh-tô 5:10; Khải Thị 20:11-12, 15). Khi đọc những lời mô tả của Tiên tri Ê-sai về sự đoán phạt và cứu chuộc, chúng ta phải hiểu rằng chúng không chỉ áp dụng cho đời sống trên trần thế nầy, mà còn cho đời sau nữa.

Nhà tiên tri của chúng ta biết những ngày tối tăm ở ngay phía trước, dù vậy ông cứ hy vọng, không phải để thoát khỏi đau khổ, nhưng hướng tới một tương lai tươi sáng không còn đau khổ. Trong niềm hy vọng, ông nói về một nhà lãnh đạo mới hoàn toàn khác biệt với những nhà lãnh đạo kiêu căng, lúc nào cũng tỏ ta là người có quyền lực. Nhà lãnh mới nầy được mô tả là “chồi của Đức Giê- hô-va” (câu 2) sẽ lôi cuốn những người đói khát sự công chính đến với Ngài. Bởi sự lãnh đạo của Ngài mà một cộng đồng mới sẽ xuất hiện. Nhưng để có khởi đầu mới nầy, những gì tội lỗi phải được giải quyết (câu 4).

Thanh tẩy tội lỗi và sự ô uế không phải là việc làm lý thú, nhưng là điều kiện cần yếu để lập ra một ranh giới giữa quá khứ và hiện tại. Nói đến quá trình thanh tẩy, chúng ta nghĩ đến một điều gì đó phải được tẩy rửa và những cái khác phải được thiêu đốt trong lửa. Ăn năn là khởi đầu của đức tin. Ăn năn không chỉ là buồn rầu về sự thất bại nhưng còn là ước muốn, quyết tâm đổi mới. Để sự đổi mới nầy xảy ra và đạt đến sự thanh tẩy triệt để, Đức Chúa Trời không thể đứng bên lề cuộc đời chúng ta, nhưng Ngài phải ở trung tâm cuộc sống của chúng ta và sự hiện diện của Ngài là không thể nghi ngờ trong cuộc đời của những người đã được cứu chuộc, được thanh tẩy. Chỉ sau khi được thanh tẩy, chúng ta mới nhận được sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình (đám mây ban ngày, lửa rực sáng ban đêm nói lên sự hiện diện của Chúa với dân Ngài trong hành trình xuất Ai Cập) và được Chúa quan phòng, chăm sóc (câu 5-6).

Hãy tự hỏi: “Đức Chúa Trời có thực sự ngự giữa trung tâm cuộc đời tôi không?” Ngài hiện diện như thế nào trong mọi điều tôi nghĩ, nói và làm?

Lạy Chúa, xin ngự vào lòng con, dẫn dắt con. Con mong ước cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời được đổi mới và thanh tẩy của con một cách chắc chắn, không chút nghi ngờ.

(c) 2024 svtk.net