Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Tin Lành

Ê-sai 11:1-16

“Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Gie-sê, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là Thần khôn ngoan và thông sáng, Thần mưu lược và quyền năng, Thần tri thức và kính sợ Đức Giê-hô-va” (câu 1, 2 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: “Gốc Gie-sê” và “nhánh” có nghĩa gì? Vì sao lời tiên tri nầy là một tin lành? Hình ảnh Đức Chúa Trời gom người Giu-đa lưu lạc khắp đất và không còn sự ganh ghét và kình chống nhau giữa Giu-đa và Ít-ra-ên khiến bạn nghĩ đến điều gì, và bạn học được điều gì?

Gốc cây là biểu tượng của quá khứ chứ không phải của tương lai. Một gốc cây trơ trụi nhắc người qua đường rằng nơi đây từng có một cây cao bóng cả, nhưng một ngày kia có người đã vung rìu đốn hạ thân cây và người ta chẳng còn nhìn thấy màu xanh của nó. Dù thân cây không còn, cành lá bị chặt hết, nhưng vẫn còn gốc cây đầy nhựa sống. Chẳng bao lâu từ những gốc cây nầy, chồi non mọc lên và sau một vài mùa, cây lại đơm hoa kết trái.

Trong phân đoạn nầy, Tiên tri Ê-sai muốn dân tộc ông không chỉ thấy giông bão sắp ập đến, mà họ phải nhìn xuyên qua giông bão để thấy được tương lai tươi sáng. Tiên tri Ê-sai báo trước: “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Gie-sê, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái” (câu 1). Ông Gie-sê là cha của Vua Đa-vít. Sau khi thành Giê-ru-sa-lem thất thủ (2 Các Vua 25:1-26), nhà của Vua Đa-vít trở nên giống như “gốc cây” dường như đã chết, vì không còn dân để lãnh đạo, không còn ngai vàng để ngự trị, không còn quyền lực cai trị. Nhưng Tiên tri Ê-sai nhìn thấy gốc cây nầy không hoàn toàn chết, mà một ngày kia gốc sẽ sinh một “chồi” rồi phát triển thành một nhánh. Một lần nữa hình ảnh về nhánh được sử dụng để nói đến một nhân vật được xức dầu để phục vụ Đức Chúa Trời. Lời tiên tri nầy hoàn toàn ứng nghiệm nơi Chúa Giê-xu.

Bởi thần cảm, Tiên tri Ê-sai không chỉ nhìn thấy một trăm năm sau Giê-ru-sa-lem sẽ thất thủ, mà ông còn nhìn thấy bảy trăm năm sau Chúa Giê-xu giáng thế làm người. Bởi thần của sự khôn ngoan và thông sáng, “Nhánh” tức Đấng Mết-si-a sẽ cai trị bằng sự công chính. Ngài sẽ bảo vệ người nghèo và trừng phạt kẻ ác, và Lời Ngài giống như ngọn roi sửa phạt.

Sau đó, Tiên tri Ê-sai báo trước về sự hội hiệp của những người Ít-ra-ên từ khắp bốn phương trời. Họ bao gồm những người bị lưu đày của vương quốc phía bắc là Ít-ra-ên và vương quốc phía nam là Giu-đa. Khi điều nầy xảy ra, Ép-ra-im, tức Ít-ra-ên, và Giu-đa không còn chống nhau, nữa mà hiệp nhất với nhau để lấy lại đất nước và quyền lực đã mất (câu 14).

Một ngày kia, tình trạng chia rẽ và hỗn loạn về mặt đạo đức sẽ không còn. Sự hòa hợp thay cho sự bất hòa và những người tản lạc được hội hiệp với nhau. Sự ganh tị nhỏ nhen và sự oán hận truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ kia không còn chỗ trong lòng một cộng đồng rộng lớn nhưng hiệp nhất. Đang khi chờ đợi điều nầy ứng nghiệm trọn vẹn, điều chúng ta có thể làm ngay bây giờ là tiếp tục thiết lập những chiếc cầu nối, làm vững các mối quan hệ và tích cực hòa giải.

Bạn có thể xây những chiếc cầu nối và làm vững những mối quan hệ nào trong tuần nầy?

Lạy Chúa, hôm nay là ngày mà Ngài ban cho con. Xin giúp con quên đi những thất bại của quá khứ, xin cho chúng con có ơn giải hòa để sống thân mật với nhau trong một mối quan hệ vững chắc.

(c) 2024 svtk.net