Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Ngày Của Đức Giê-hô-va Đã Gần

Ê-sai 13:1-22

“Hãy than khóc, vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần rồi! Ngày đó sẽ đến như cuộc tàn phá từ Đấng Toàn Năng” (câu 6 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Dân tộc nào đã lật đổ Ba-by-lôn? Vì sao đế quốc cực kỳ hưng thịnh nầy sụp đổ? Sự suy sụp vĩnh viễn của Ba-by-lôn và nhiều đế quốc khác nhắc nhở bạn điều gì?

Đức Chúa Trời đã sử dụng những chiến binh người Mê-đi để phá đổ đế quốc hùng mạnh và đáng sợ là Ba-by-lôn (câu 3-5, 17). Lý do dẫn đến sự sụp đổ nầy là sự kiêu ngạo và bại hoại về mặt đạo đức (câu 11). Những tư liệu trong phân đoạn nầy được người Ít-ra-ên ghi chép và lưu giữ rất lâu trước khi Ba-by-lôn sụp đổ vĩnh viễn. Tiên tri Ê-sai đã nhìn thấy trước sự dấy lên của đế quốc Ba-by-lôn, việc chinh phục Giu-đa và việc người Giu-đa bị lưu đày (Ê-sai 39:5-7). Khi nhìn xa hơn vào tương lai 150 năm sau, ông nhìn thấy sự cáo chung của Ba-by-lôn và sự hồi hương của những người Giu-đa bị lưu đày (Ê-sai 14:1; 45:1, 13).

Ngày của Đức Giê-hô-va đã gần, là ngày mà Đức Chúa Trời sẽ đổ sự đoán phạt trên Ba-by-lôn. Bất cứ ngày nào mà Đức Chúa Trời hành động một cách quả quyết đều có thể gọi là “Ngày của Đức Giê-hô-va.” Tuy nhiên, thuật ngữ nầy cũng nói đến sự cáo chung của thế giới, khi Đức Chúa Trời đổ sự đoán phạt trên loài người gian ác. Khi đó trời đất sẽ rúng động và các thiên thể không còn chiếu sáng nữa (câu 10). Sự đoán phạt đặc biệt của Đức Chúa Trời trong lịch sử là lời cảnh tỉnh chúng ta về những điều sẽ xảy đến để giữ mình khi cơn đoán phạt cuối cùng đến trên nhân loại, tên của chúng ta sẽ được tìm thấy trong sách sự sống.

Tiên tri Ê-sai nói rằng trải qua đời nầy đến đời kia sẽ chẳng có ai cư trú ở Ba-by-lôn (câu 20). Lời tiên tri nầy đã trở thành sự thật, vì vào cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Ba-by-lôn trở thành nơi hoang phế cho đến ngày nay. Dù tàn tích Ba-by-lôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương, nhưng vào xế chiều, hết thảy du khách đều vội vàng lên xe rời khỏi Ba-by-lôn và không một ai dám ngủ qua đêm ở đó. Ngay cả những người chăn bầy Á-rập gan dạ nhất cũng không dám dẫn bầy chiên, bầy dê đến nơi đáng sợ nầy, vì nơi đây là hang ổ của lang sói, thú hoang và chim rừng (câu 21).

Về sau, trong Khải-huyền 18, Sứ đồ Giăng gọi La Mã, trung tâm quyền lực vào thời Chúa Giê-xu, là “Ba-by-lôn.” Đế quốc La Mã đã sụp đổ, và trong lịch sử nhiều đế quốc khác cũng giống như vậy. Sứ điệp của Tiên tri Ê-sai là lời nhắc nhở rằng dân tộc nào chống lại Đức Chúa Trời, chung cuộc sẽ đi đến chỗ suy bại.

Đức tin của bạn thế nào khi đối diện với sự thăng trầm của các đế quốc mà Kinh Thánh nói đến? Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự đoán phạt và của ân sủng. Hãy cầu xin Ngài làm cho đức tin của bạn vững mạnh và niềm hy vọng của bạn thêm lên.

Lạy Chúa, là Đức Chúa Trời của sự đoán phạt và ân sủng, xin giúp con nhìn thấy Ngài đang hành động giữa bao diễn biến đầy rối reng của thế giới ngày nay. Xin gia thêm đức tin và hy vọng cho con, để con có thể giúp người khác cứ vững tin và hy vọng nơi Ngài.

(c) 2024 svtk.net