Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Vật Dụng Bên Trong Đền Thờ

I Các Vua 7:13-51

“Vua Sa-lô-môn sai người mời Hi-ram từ Ty-rơ đến… Hi-ram đầy kinh nghiệm, thông thạo, và rất khéo tay trong các công việc thuộc nghề đồng. Ông đến Vua Sa-lô-môn, và làm mọi việc vua giao” (câu 13, 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Hi-ram là ai? Ông đã chế tác những vật dụng nào? Những vật dụng nầy để làm gì? Chúng có ý nghĩa gì đối với người Ít-ra-ên và với bạn?

Ông Hi-ram là thợ thủ công bậc thầy từ Ty-rơ đến để chế tác các vật dụng trong Đền Thờ. Tác giả sách I Các Vua nhấn mạnh đến các vật dụng bằng đồng, nhưng tác giả sách Sử Ký nói rõ ông Hi-ram đã chế tác các vật dụng bằng vàng, bạc và sắt. Có thể trong lịch sử cổ xưa của người Ít-ra-ên, ông Hi-ram là một trong những người đầu tiên sử dụng đồng trong nghệ thuật điêu khắc công trình. Phân đoạn hôm nay đề cập đến ba vật dụng quan trọng trong Đền Thờ. Thứ nhất, là hai cột bằng đồng, mỗi cột cao khoảng chín mét (câu 15-22). Hai cột nầy không dùng để chống đỡ nóc Đền, nhưng được đặt riêng phía trước tiền sảnh của Đền Thờ. Ông Hi-ram đặt tên cho hai trụ đồng nầy là Gia-kin và Bô-ách. Gia-kin có nghĩa là “Người sẽ làm cho vững chắc,” và Bô-ách là “trong Người có sức lực.” Hai trụ đồng nầy là lời nhắc nhở người Ít-ra-ên rằng Đức Chúa Trời họ thờ phượng là Đấng Toàn Năng.

Thứ hai là một bể tròn đường kính khoảng năm mét (câu 23-26) được đặt trên mười hai con bò bằng đồng. Bể chứa khối lượng nước khá lớn để cho các thầy tế lễ tẩy sạch theo nghi thức trước khi vào Đền Thờ dâng của lễ. Bể nầy có tên là “Biển đúc kim loại.” Trong thế giới cổ xưa của người Ít-ra-ên, biển cả với sóng dữ và những con quái vật hung tợn tượng trưng cho sự hỗn mang. Biển đúc nầy là biểu tượng nói rằng Đức Chúa Trời có quyền năng chế ngự biển cả và thế lực hỗn mang đe dọa công trình sáng tạo vũ trụ, trong đó có con dân Ngài. Vật dụng cuối cùng là mười cái thùng bằng đồng đặt trên những cái giá di động. Vai trò của những thùng nầy không được nói rõ. Có lẽ là nước trong các thùng nầy để rửa các con sinh tế hoặc nấu thịt để ăn theo nghi thức dâng của lễ.

Việc mô tả nét thẩm mỹ của những vật trong Đền Thờ không nhằm ca ngợi tài năng của ông Hi-ram hay nói lên giá trị của các vật dụng trong Đền Thờ, nhưng nhằm nói lên vẻ đẹp hài hòa của nơi mà Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa được thờ phượng và tôn vinh.

Khi bước vào Đền Thờ để thờ phượng, bạn thường được nhắc nhở gì về Đức Chúa Trời?

Lạy Chúa, tạ ơn Ngài là Đấng Tạo Hóa mà con tôn thờ và là Đấng cứu chuộc con khỏi tội lỗi. Ở trong sự hiện diện của Ngài con luôn được vững an và vui mừng.

(c) 2024 svtk.net