Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Lòng Thành Với Chân Lý

I Sử-ký 15:14-28

“Đức Chúa Trời là thần linh, nên những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và chân lý” (Giăng 4:24 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Những ai đi đón Hòm Giao Ước? Tinh thần và thái độ đón rước của họ ra sao? Vì sao lần rước Hòm Giao Ước nầy không có sự trở ngại nào mà tất cả đều vui mừng?

Dù Hòm Giao Ước không còn rơi vào tay quân thù Phi-li-tin, nhưng nếu chưa được dời về nơi đã sắm sẵn thì Vua Đa-vít vẫn chưa thỏa lòng. Lần trước, khi dân chúng ra đón Hòm Giao Ước của Chúa trở về, họ thiếu cẩn trọng, không tuân hành những quy luật Chúa đòi hỏi nên sự đón rước đó đã làm xúc phạm đến Chúa: Một người tên U-xa đã bị Đức Chúa Trời giết chết vì có hành động xúc phạm đến vinh quang của Chúa (I Sử-ký 13:9-10). Vua Đa-vít vừa giận, vừa sợ Chúa, không dám đem Hòm Giao Ước về nhà mình, mà gửi lại nhà của người Gát, tên Ô-bết Ê-đôm.

Trong thái độ của sự thờ phượng, lòng nhiệt thành của chúng ta với Chúa phải đi đôi với chẩn lý. Thánh Kinh dạy “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ phượng Ngài thì phải lấy tâm thần và chân lý mà thờ lạy” (Giăng 4:24). Chỉ lòng nhiệt thành thì chưa đủ. Nếu không thờ phượng theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời thì lòng nhiệt thành đó cũng vô nghĩa.

Trong lần thứ nhì nầy, chỉ có người Lê-vi được phép khiêng Hòm Giao Ước, nhưng toàn dân đi rước biểu tượng vinh quang đó. Người Lê-vi phải thanh tẩy chính mình mới dự phần trong công tác khiêng Hòm Giao Ước; những người ca hát đều mặc áo bằng vải gai mịn là loại áo dài đẹp nhất và tốt nhất; chính vua cũng đeo Ê-phót, là vật xưa kia dùng để cầu hỏi ý muốn của Chúa. Khi Hòm Giao Ước vào đến bên trong hoàng thành, Vua Đa-vít ra sức nhảy múa để tôn vinh Chúa. Bà Mi-canh, ái nữ của Vua Sau-lơ nhìn thấy điều đó thì khinh dể vua, nhưng vua đáp: “Ta nhảy múa để tôn vinh Chúa, là Đấng đã chọn Ta thay vì thân phụ nàng và cả gia đình thân phụ nàng. Ngài lập ta lên chỉ huy dân Ít-ra-ên của Chúa. Vì thế ta vui mừng nhảy múa để tôn vinh Chúa” (2 Sa-mu-ên 6:14-21). Sự nhóm họp mỗi ngày Chúa Nhật của người Cơ Đốc cũng phải mang cùng một ý nghĩa như thế để ra mắt Chúa, chuẩn bị cả trang phục bên ngoài lẫn tấm lòng thờ phượng bên trong. Mỗi chức dịch phải chuẩn bị kỹ càng trong phần trách nhiệm của mình thì sự thờ phượng mới trang trọng. Mỗi tâm hồn đến gần Chúa cảm thấy vui mừng thật sự thì giờ thờ phượng đó trở nên phước hạnh. Mỗi chi tiết thờ phượng nhằm tôn vinh Chúa thì sự thờ phượng đó không bị gọi là “của lễ chay vô ích.”

Bạn có thấy giờ thờ phượng trong ngày Chúa Nhật nhàm chán và trở thành gánh nặng không? Bạn hòa lòng mình cùng với các anh chị em trong Hội Thánh như thế nào? Niềm vui của bạn trong sự thờ phượng đến từ ngoại cảnh hay xuất phát từ trong lòng?

Xin Chúa dạy con hòa lòng cùng anh chị em mình trong sự thờ phượng. Xin giúp con hết lòng trong từng trách nhiệm của mình chứ không làm vì thói quen hay theo truyền thống.

(c) 2024 svtk.net