Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Các Yếu Tố Phản Diện của Tình Yêu – Phần 1

I Cô-rinh-tô 13:4-6

"Tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo" (câu 4b BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao trong tình yêu không nên có ghen tị, khoe mình, hay kiêu ngạo? Trong tình yêu thương, bạn có tôn trọng giá trị của người khác hơn mình chăng?

Có những điều mà người sống trong tình yêu chân thật không làm. Đây là các yếu tố phản diện của tình yêu. Điều đầu tiên được nhắc đến là "tình yêu thương không ghen tị." Từ này trong nguyên tác liên quan đến động từ "sôi" và được dùng để mô tả tình cảm sai trật khi thấy sự tốt lành của người khác. Ghen tị là cảm xúc có ác ý hay ghen ghét khi thấy người khác dường như được hưởng những điều tốt hơn mình. Sống yêu thương thì không tranh cạnh với người khác. Khi thấy người khác làm điều gì giỏi hơn mình, chúng ta đừng ganh tị, nhưng hãy tạ ơn Chúa vì họ. Tình yêu chân thật không bực bội trước các phước lành, sự thành công, hoặc hạnh phúc của người khác.

Yếu tố kế tiếp của nếp sống yêu thương là "không khoe mình." Người sống yêu thương không tự hào khoe khoang. Trong văn chương Hy Lạp từ "khoe mình" được dùng để chỉ về một người hay nói nhiều, tự tôn vinh, tự phóng đại, thích phô trương bề ngoài. Ngược lại người có tình yêu thật thì khiêm tốn, không thích nói đến những thành tích của mình. Người khiêm tốn thực hiện các hành động yêu thương trong Danh của Chúa Giê-xu cho Đức Chúa Cha trên trời, không phải để tìm sự khen ngợi từ con người.

Không kiêu ngạo cũng là một yếu tố của nếp sống yêu thương. Từ "kiêu ngạo" trong nguyên tác Hy Lạp có nghĩa là phồng ra, tràn đầy với chính mình như những luồng không khí phun ra từ một cặp ống thổi. Từ "khoe mình" chỉ về sự phô trương bên ngoài, từ "kiêu ngạo" chỉ về bản tính bên trong. Nó nói lên sự tự phụ và kiêu ngạo tự mãn. Người kiêu ngạo đề cao chính mình và xem thường người khác. Người kiêu ngạo không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác và cũng thiếu sự bén nhạy với những người có nhu cầu. Nhưng người sống yêu thương thì khiêm tốn vì nhận biết được chân giá trị của mình và của người khác, sẵn sàng nhận sự giúp đỡ cũng như giúp đỡ cho người có cần.

Ông William Carey được coi là cha đẻ của phong trào truyền giáo đương đại, ông là gương mẫu của loại tình yêu không kiêu ngạo. Là một người rất giỏi về ngôn ngữ, ông đã góp phần chuyển ngữ các phần Kinh Thánh sang ít nhất 34 thổ ngữ khác nhau. Một lần kia tại một bữa tiệc, có một vị khách muốn chỉ trích giai cấp "thấp kém" và công việc "hèn hạ" của ông Carey (khi ấy ông chưa trở thành một giáo sĩ nổi tiếng.) Người ấy nói: "Ông Carey à, theo tôi biết thì trước kia ông từng là một thợ đóng giày phải không?" Ông Carey trả lời: "Dạ thưa không đâu, tôi không phải là một thợ đóng giày, tôi chỉ là một người sửa giày mà thôi." Câu trả lời của ông, cho thấy tính khiêm nhường của vị giáo sĩ này.

Có khi nào bạn để những sự ích kỷ, ghen tị, hay kiêu ngạo làm chủ hành động của bạn không?

Lạy Chúa, cám ơn Chúa mọi điều Ngài ban cho con, vì ngoài Ngài, con không làm được gì. Xin Chúa cho con biết vui với những phước hạnh của người khác, và biết sống khiêm tốn với mọi người.

(c) 2024 svtk.net