Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Vững Tin Vào Tương Lai

Ê-sai 25:1-12

"Trong ngày đó, người ta sẽ nói rằng: Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giê-hô-va; chúng ta đã mong đợi Ngài, chúng ta sẽ nức lòng mừng rỡ và đồng vui về sự cứu rỗi của Ngài!" (câu 9 BTT).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì khiến cho Tiên tri Ê-sai vui mừng chúc tụng Đức Chúa Trời? Ông mô tả việc Đức Chúa Trời che chở người nghèo khổ và bị áp bức như thế nào? Lời hứa nào giúp bạn vững tin vào tương lai khi suy ngẫm phân đoạn này?

Vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên, người Ít-ra-ên cần "một nơi trú ẩn khỏi cơn bão" A-si-ri. Hai thế kỷ sau, trước cơn bão Ba-by-lôn, một lần nữa Ít-ra-ên cần nơi trú ẩn hơn bao giờ hết. Trải qua lịch sử, Ít-ra-ên bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cạnh tranh của các siêu cường thời bấy giờ. Nhưng khi tin cậy Đức Chúa Trời, Ít-ra-ên được che chở an toàn.

Không giữ giao ước với Đức Chúa Trời là Vua của Ít-ra-ên, mà tin vào vua chúa đời này, vào lực lượng quân sự, và cậy vào thế lực ngoại bang, khiến Ít-ra-ên thảm bại triền miên, bị hổ nhục, lưu đày, và tệ hơn nữa là rơi vào tình trạng bội đạo. Bỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến chỗ suy sụp. Tuy nhiên, khi nhìn vào tương lai, ông Ê-sai thấy những thù nghịch của Ít-ra-ên bị hạ xuống, một yến tiệc lớn được dọn ra trên núi Si-ôn (câu 6) và bức màn của sự chết bị cất khỏi mọi dân tộc (câu 8). Vì thế không có gì lạ khi Tiên tri Ê-sai quay sang chúc tụng Đức Chúa Trời. Giống như một Thi-thiên tôn cao sự trị vì của Đức Chúa Trời trên Ít-ra-ên và trên mọi dân tộc, Tiên tri Ê-sai công bố chiến thắng lớn mà người Ít-ra-ên từ lâu mong đợi.

Xưa cũng như nay, loài người thường xuyên sống trong thế giới xung đột, đầy đau thương, thử thách, và lúc nào cũng lởn vởn bóng của sự chết. Tuy nhiên, ở đây chúng ta vững tin vào tương lai vì tìm thấy một lời hứa lớn trong Cựu Ước: Sự chết là "kẻ nuốt lớn" sẽ bị nuốt, và nước mắt của sự đau khổ, than khóc sẽ được lau khô vĩnh viễn. Vì thế, không lạ gì khi có một ngày mà con dân Đức Chúa Trời sẽ kêu lớn rằng: "Chúng ta sẽ nức lòng mừng rỡ và đồng vui về sự cứu rỗi của Ngài!" (câu 9b).

Trong các câu cuối, thình lình Tiên tri Ê-sai công bố sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên Mô-áp. Tội của Mô-áp là kiêu ngạo và Mô-áp tượng trưng cho những dân tộc chống lại Đức Chúa Trời. "Lũy cao của tường thành" trong câu 12 tượng trưng cho các dân tộc không quy phục Đức Chúa Trời. Một lần nữa Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng, Đức Chúa Trời chống lại người kiêu ngạo và trách phạt họ.

Điều gì khiến bạn cảm thấy mình gần Đức Chúa Trời hơn khi suy ngẫm phân đoạn này?

Lạy Chúa, xin giúp con vững tin vào tương lai, đồng thời tiếp tục học bài học về sự khiêm nhường bởi Ngài "chống cự người kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường."

(c) 2024 svtk.net